Thẳng tiến vào cuộc sống…

05/08/2016 - 09:40

PNO - Những kỳ họp, những buổi tiếp xúc cử tri rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi, khép lại và tiếp tục những kỳ họp khác, những phiên chất vấn, tiếp xúc khác...

9 giờ sáng ngày 3/8, trong cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi muốn nghe bà con nói thêm, bây giờ vẫn còn sớm. Phần cử tri phát biểu tự do còn ít quá, vừa rồi chủ yếu là các đại biểu cử tri phát biểu bài đã chuẩn bị trước. Đây là cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, tôi muốn nghe thêm nhiều ý kiến để nắm được những bức xúc của cử tri, nắm được hơi thở cuộc sống”.

Về với dân, có dịp nghe dân nói, nói dân nghe, người đứng đầu Chính phủ đã chân tình, bộc trực như bản tính người quê ông, miễn sao những lời dân nói là những lời thật; và ông, Thủ tướng Chính phủ, cũng chỉ để nghe thật, trả lời thật. Từ đấy, gần lắm cái làm thật.

Thang tien vao cuoc song…
Hình ảnh tại khỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM - Ảnh: Người lao động

Sáng ngày 4/8, khi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời về trách nhiệm trong việc xảy ra chuyện thức ăn không đảm bảo tại căng-tin Đại học Quốc gia TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, Nguyễn Thị Quyết Tâm nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng: “Các em sinh viên có lần nói với chúng tôi: Các cô các chú lãnh đạo TP có biết sinh viên hiện ăn uống thế nào không? Chuyện các sinh viên đòi hỏi có bữa ăn sạch là một đòi hỏi chính đáng. Anh Bỉnh cho biết giải pháp, cam kết gì không? Không thể đổ vì địa bàn giáp ranh thì không quản được”.

Chiều 4/8, điều hành phiên chất vấn, vị Chủ tịch cơ quan dân cử cũng không ít lần nói thẳng, nói thật: Dự án nào đưa ra cũng báo cáo là đã lấy ý kiến nhân dân. Nhưng vừa thi công là dân phản ứng. Vậy nên xem lại công tác lấy ý kiến nhân dân. Khi lấy ý kiến, có nói cho dân biết, dự án thành công, dân được ích lợi gì, khó khăn nào. Nhân dân cũng cần quan tâm về việc được hỏi ý kiến và ngược lại, khi đã hỏi dân thì phải hỏi thật, không hỏi cho có.

Không hề xa lạ thái độ thẳng thắn của nhiều đại biểu - lãnh đạo trước nhân dân. Sự thẳng thắn đi kèm tính quyết liệt, truy cho tới cùng căn cơ nguồn gốc của mọi vấn đề nhằm tìm ra giải pháp là “chất” của người-đại biểu-nhân-dân trên nghị trường.

Và để trả lời chất vấn, những người đại diện bộ máy điều hành Nhà nước, phục vụ nhân dân, phải nắm tổng quan vấn đề cũng như sâu sát, kỹ lưỡng chuyên môn; và đặc biệt là không rời xa thực tế tình hình lĩnh vực mình phụ trách.

Tất cả như một phiên giám sát đặc biệt. Giám sát năng lực công tác và trách nhiệm của người thực thi công vụ, bộ máy công quyền. Giám sát những tiếng nói đại diện của nhân dân và những lời hứa, thái độ, trách nhiệm trước nhân dân. Và cả “giám sát” sự quan tâm, thái độ, tình cảm của nhân dân trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, của thành phố.

Tất cả vì một nền dân chủ nhân dân.

Có thể vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế ở một bộ phận nào đó, một khâu thực thi hay giám sát dân chủ cơ sở; có thể không được bài bản và chỉn chu theo một hệ thống hay tiến trình đảm bảo dân chủ không đứt đoạn; có thể không khởi nguồn từ ánh mắt của nữ thần Athena nơi điện Parthenon nhìn xuống thành bang Athena để dõi theo cuộc tranh biện về chính trị để từ đó khai phóng ý niệm dân chủ trong lịch sử xã hội loài người…

Nhưng, những mục tiêu tối thượng cũng như những chuyển động, vận hành; và kể cả những ưu tư, lo lắng, bất an đều không nằm ngoài mục đích cuối cùng và cao cả nhất, có ý nghĩa nhất: vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của mỗi người dân. Chính chủ thể nhân dân hiểu - biết - cần điều gì làm nên hạnh phúc và bình yên cho họ.

Bởi nếu không, giữa sự lưng chừng, mơ mộng, nhầm lẫn giữa “hội chứng” và bản chất, sẽ khiến người dân tự tước đi quyền và trách nhiệm của chính mình. Cơn địa chấn Brexit một phần thoát thai từ thực tế “đôi bờ” ấy.

Những kỳ họp, những buổi tiếp xúc cử tri rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi, khép lại và tiếp tục những kỳ họp khác, những phiên chất vấn, tiếp xúc khác. Rồi, những tờ trình cũng sẽ được rà soát, bàn thảo và xem xét cẩn trọng trước khi được thông qua. Bởi sẽ vẫn còn muôn vạn “tờ trình” đang chuyển động, đang thúc giục, đang đòi hỏi những bộ máy công quyền cũng như những con người vận hành bộ máy ấy, mỗi ngày. Nó là nhịp đập sức sống của một chính quyền; và cũng là thước đo phẩm giá của một chính thể - được thiết lập từ những cá thể - con người có năng lực, có đạo đức, có trách nhiệm.

Ngẫm lại cuộc đời 41 năm của nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ, ông đau đáu với những bản điều trần. Không vì ngán ngại sự bị ghét bỏ, bị trù dập, bị phân biệt mà Con Người Nước Việt ưu tú ấy lại ngừng lên tiếng. Ngay cả khi những bản điều trần bị “ngáng đường” đến những hai, ba năm trên tráp quan của đại thần Trần Tiễn Thành, để rồi khi đến được tay vua Tự Đức, lắm cơ hội đã vuột qua; thì tinh thần canh tân với ý thức hệ của người Việt Nam - độc lập không phải là biệt lập, mà là liên lập (theo Đỗ Lai Thúy) ấy đã khiến ông trở thành Con Người đi trước thời đại khá xa.

Để hôm nay, vẫn trên tinh thần tiếp tục đổi mới, tiếp tục “phản quang” chính mình, những người đại biểu nhân dân sẽ lắng nghe, sẽ tìm hiểu, sẽ tranh biện để những “tờ trình” hay những “điều trần”, rốt cuộc thẳng tiến vào cuộc sống, phục vụ nhân dân, phụng sự con người.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI