Thầm lặng làm đẹp cho đời

11/11/2022 - 08:16

PNO - Mỗi ngày, có nhiều, rất nhiều công dân của thành phố đang âm thầm góp sức vào sự phát triển chung mà không cần phải chờ đến những đợt “phát động thi đua”.

Một buổi chiều cách đây mấy năm, bà Phan Thị Phượng rủ tôi cưỡi xe máy dạo chơi dọc mấy con đường thênh thang của P.An Phú, khi đó còn thuộc Q.2, TPHCM. 

Nhiều cá nhân được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước TPHCM lần 5
Nhiều cá nhân được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2022

Lúc dừng xe ở Xa lộ Hà Nội, bà nói: “Con đường rộng rãi này có một phần đất của tôi và bà con góp vào”. Bà Phượng từng sở hữu 5.000m2 đất với hơn 50m mặt tiền, sau 2 lần vừa hiến, vừa chịu giải tỏa, bà chỉ còn 1.000m2 đất. Giao đất của mình xong, bà tiếp tục đi vận động bà con nhường đất để làm đường. 

Sinh ra trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, bà Phượng từng chứng kiến nhiều trận đánh ở vùng An Phú để bảo vệ cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, đảm bảo cho bộ đội tiến vào giải phóng thành phố. Đất nước hòa bình, bà tự mình đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong vùng. 

Bà còn giúp một số người làm hồ sơ để công nhận liệt sĩ cho người thân, làm giúp hồ sơ truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 10 người, làm giúp hồ sơ chứng nhận cho 22 cựu tù chính trị và người có công. Từ năm 2011 đến nay, bà đỡ đầu một người con bệnh binh, đồng thời bỏ tiền túi và vận động xây, sửa 8 căn nhà tình thương, làm cống thoát nước cho 36 hộ dân…

Mới đây, cùng 79 cá nhân và 21 tập thể, bà Phượng được UBND TPHCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2022. 

Tối 9/11, trong lễ vinh danh những người luôn vì mọi người, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - nhận định, họ thuộc các thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, lĩnh vực khác nhau nhưng có điểm chung là tình yêu nước, yêu thương con người, thầm lặng cống hiến vì cộng đồng.

Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/6/1948, đến nay, toàn quốc đã triển khai nhiều phong  trào thi đua gắn với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Ở TPHCM, phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng trong từng lĩnh vực thông qua các phong trào, cuộc vận động, giải thưởng. Ngoài chương trình tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" nói trên, còn có: “Giải thưởng sáng tạo TPHCM, “Công dân trẻ tiêu biểu của thành phố”, “Người tốt, việc tốt”, “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”... 

Việc phát động các phong trào thi đua yêu nước là nhằm khơi dậy, cổ vũ tinh thần yêu nước, sáng tạo, đoàn kết, khát vọng vươn lên trong mỗi người, mỗi đơn vị, tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đồng thời hình thành lối sống đẹp của cư dân TPHCM.  Để phong trào thi đua yêu nước ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, từng đơn vị cần phát huy tinh thần tập thể, kịp thời ghi nhận, động viên, khen thưởng các cá nhân, các bộ phận làm việc hiệu quả, giàu tính sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái. 

Từng người, tùy công việc, vị trí, vai trò của mình mà nỗ lực mỗi ngày để đạt hiệu suất làm việc cao hơn, làm được nhiều điều ích lợi cho tập thể, cộng đồng…

Cách đây vài hôm, khi Công an TPHCM tổ chức họp báo, công bố thông tin về những chuyên án triệt phá các đường dây mua bán ma túy lớn, người dân mới hiểu thêm, các chiến sĩ công an đã đối mặt với không biết bao nhiêu tình huống nguy hiểm cũng như phải hy sinh cuộc sống cá nhân.

Ngoài những đơn vị tham gia phá án được khen thưởng, công việc thầm lặng của những cán bộ, thanh niên xung phong ở các trung tâm cai nghiện cũng được biết đến như yếu tố quan trọng trong cuộc chiến với tội phạm ma túy. Họ tham gia công tác tiếp nhận, quản lý học viên; tư vấn, giáo dục (dạy văn hóa, dạy nghề) cho học viên cai nghiện ma túy, giúp những người này hoàn lương, làm lại cuộc đời…   

Mỗi ngày, có nhiều, rất nhiều công dân của thành phố đang âm thầm góp sức vào sự phát triển chung mà không cần phải chờ đến những đợt “phát động thi đua”. Cũng như bà Phượng, trong chiều cưỡi xe máy “dạo chơi” đó đã nói, trong từng việc làm, bà đều tự hỏi, mình làm với mục đích gì. Và bà tự trả lời: “Tất cả đều là để thành phố, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn”.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI