Tết Sài Gòn của cô gái nhỏ

12/02/2021 - 07:52

PNO - Thuở Sài Gòn, tôi là một cô nhỏ. Hình như tất cả cô nhỏ lúc đó đều bẽn lẽn, hiền lành, hễ nhà có khách là trốn biệt, đứng lấp ló sau tấm mành trúc ngăn nhà trên và nhà dưới mà nhìn ra. Nếu bị kéo ra chào thì lí nhí thưa dạ vài tiếng, rồi thoắt chạy biến.

Cô nhỏ được bốn năm tuổi là đã mặc áo dài. Trong những bức ảnh ngày xưa đó, Papa chụp một cô nhỏ mắt một mí, tóc cắt bum-bê, kẹp một chiếc kẹp đính bông một bên và xúng xính quần trắng áo dài, đứng cạnh cành mai. Quả thật, hồi bé cô nhỏ mặt mũi trông cũng thường, nhưng cái áo dài làm cô nhỏ xinh hẳn lên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong ảnh, cô nhỏ tay giữ vạt áo làm duyên, tay xách bóp đầm, cổ đeo kiềng vàng, chân mang hài nhung đỏ có cái mũi cong cong. Nói tới kiềng vàng mới ngỡ ngàng, bây giờ chẳng còn thấy cô thiếu nữ nào đeo kiềng vàng kiềng bạc nữa cả.

Hồi đó, mỗi lần mặc áo dài xong, cô nhỏ chạy vô phòng của má, đứng ngay ngắn chăm bẵm ngó má lấy kiềng ra khỏi hộp, vặn cái khóa vòng cho cái kiềng nhẹ nhàng xoay rồi khe khẽ tách đôi theo hình chữ S một cách hết sức thần kỳ. Đeo kiềng vàng xong, được xức mấy giọt nước hoa lên cổ và sau tai, vậy mới coi như hoàn tất cái điển lễ “mặc áo dài” của cô nhỏ Sài Gòn. 

Lẽ ra trong cái nghi thức đó còn có tiết mục đeo bông tai, nhưng cô nhỏ không có xỏ lỗ tai nên thôi. Bà ngoại cứ càm ràm suốt về chuyện đó: “Bây coi, có con gái nhà ai mà không xỏ lỗ tai, không cho con nhỏ đeo bông. Rồi sau này nó lấy chồng làm sao?”.

Má vợ nói gì thì nói, Papa cô nhỏ vẫn cương quyết không cho xỏ. Ông sợ con gái cưng bị đau. Thế mới biết ông đã cưng chiều cô con gái bé bỏng đến mức nào. Cô nhỏ được ngoại dạy phải vén vạt áo sau úp lên tà trước khi ngồi, xách bóp là phải choàng vào cánh tay, đi đứng là phải thẳng lưng ưỡn vai, trong cái bóp của cô cũng phải có cái khăn tay bé tí tẹo, được thêu viền cẩn thận… Đó là điệu bộ của cô nhỏ sửa soạn đi chơi tết. 

Nhà có lệ sáng mùng Một tết thì trẻ con chỉn chu quần áo mới, sắp hàng khoanh tay mừng tuổi ba má, nhận lì xì đầu năm, nghe lời “huấn thị” là mong muốn của ba má đối với từng đứa con, và lời hứa của từng đứa về bản thân trong năm mới.

Lệ đó từ khi cô nhỏ còn bé xíu ba tuổi, đã xúng xính áo dài, đeo kiềng vàng, xức nước hoa thơm phức, khoanh tay tròn miệng ráng ghi nhớ lời mừng tuổi. Dĩ nhiên là cô nhỏ thuộc lòng câu “chúc ông/bà/dì/cậu/mợ… dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi” để ứng phó với mọi trường hợp được kêu ra khoanh tay mừng tuổi.

Má dặn kỹ lắm, mừng tuổi phải khoanh tay lễ phép, đứng thẳng trước mặt, nhìn vào mắt rồi nói rõ ràng. Nhận lì xì bằng hai tay, nói cảm ơn rồi mới được cất. Tuyệt đối không được mở bao lì xì trước mặt người cho. Tiền trong bao lì xì ở nhà luôn luôn là tiền mới cứng, nên từ bé tí, cô nhỏ đã biết tiền có mùi thơm. Cô nhỏ chỉ thích ai tặng bao lì xì thiệt đẹp và to chớ không quan tâm đến tiền, bởi thế thường hay loanh quanh xin xỏ… bao lì xì của mấy anh chị.

Tết Sài Gòn xưa luôn có lân, có pháo - Ảnh minh họa
Tết Sài Gòn xưa luôn có lân, có pháo - Ảnh minh họa

Nhà hồi đó đông con cháu nên cô nhỏ năm nào cũng gom về trong cái bóp đầm nhỏ xíu đeo vai cả xấp phong bao đỏ rực. Bây giờ ít nghe ai nói “mừng tuổi” mà kêu là “chúc tết”, nghe nó là lạ không quen.

27, 28 tết đi chợ hoa Nguyễn Huệ, 30 tết thì sáng cúng giao thừa ở nhà nội, chiều quây quần cả đại gia đình ở nhà ngoại, rồi tối đi coi lân múa trong khu Chợ Lớn.

Tết Sài Gòn của cô nhỏ đó. 

Kỳ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI