Táo Tàu tươi: chớ "bạ đâu dùng đó"

19/08/2016 - 11:47

PNO - Dù được các tiểu thương tự ý “diễn dịch” đủ nguồn gốc: Trung Quốc, Mỹ, Úc… và giá mỗi nơi mỗi kiểu nhưng loại trái cây này vẫn thu hút người mua vì ngon, lạ, và thậm chí được đồn thổi là “thần dược” trị bá bệnh.

Tao Tau tuoi: cho
Táo Tàu tươi Trung Quốc thâm xỉn nhưng được giới thiệu là táo Mỹ, có giá cao hơn táo Việt Nam, được người tiêu dùng săn lùng vì cho là “thần dược”

Vừa xuất hiện tại các chợ trên địa bàn TP.HCM, táo Tàu tươi (TTT) đã nhanh chóng tạo “cơn sốt”. Dù được các tiểu thương tự ý “diễn dịch” đủ nguồn gốc: Trung Quốc, Mỹ, Úc… và giá mỗi nơi mỗi kiểu nhưng loại trái cây này vẫn thu hút người mua vì ngon, lạ, và thậm chí được đồn thổi là “thần dược” trị bá bệnh.

Mỗi nơi mỗi giá

Sáng 15/8, tại chợ Vườn Chuối, Q.3, hàng chục người quây quanh gian hàng trái cây của chị C. và lao xao bàn tán “mới thấy lần đầu”, “trái gì lạ vậy, ăn ngon không, tại sao có trái xanh, có trái lại thâm xỉn như bị hư vậy?". Đáp lại các thắc mắc, chị C. tuôn một tràng: “Đây là táo của Mỹ, lần đầu tiên xuất hiện tại chợ này, vỏ thâm vậy thôi chứ bên trong rất tươi, giòn, ngọt. Lâu nay người ta hay dùng táo Tàu (TT) khô để nấu chè, nấu món tiềm, bỏ vô thuốc Đông y cho ngọt, bây giờ ăn luôn trái tươi, tốt gấp đôi trái khô. Hàng hiếm, ngừa ung thư rất tốt, không có nhiều đâu, không mua nhanh coi chừng hết”.

Sau câu nói của chị C., khách ùn ùn tranh nhau xin ăn thử. Dù để bảng giá 80.000 đ/kg nhưng chị C. vẫn hào phóng cho mỗi người ăn thử một trái. Nhiều người trầm trồ khen ngon. Chưa đầy một giờ, giỏ táo vài chục ký của chị C. hết sạch. Dù khẳng định hàng hiếm, không có nhiều nhưng sau khi bán hết, chị C. lại vào trong nhà đem tiếp giỏ khác ra.

Còn tại chợ Thái Bình (Q.1), cũng là trái táo tương tự như ở chợ Vườn Chuối, nhưng tiểu thương lại đề bảng: “Táo Úc, giá 100.000đ/kg”. Khi chúng tôi hỏi có phải TT không, chị tiểu thương ỡm ờ: “TT nhưng được trồng ở Úc”. Chị này quảng cáo, đây là “thần dược”, rất tốt cho người bệnh gan, chỉ cần ăn mỗi ngày thay trái cây thông thường, bảo đảm đẩy lùi được bệnh. Hoặc đàn ông yếu sinh lý mà uống rượu ngâm TTT (gọi là hồng táo tửu), bảo đảm “ông uống bà khen”.

Tại các trang bán hàng online, TTT mỗi nơi mỗi giá, từ 100.000 - 160.000đ/kg. Tại cửa hàng online trên đường Trần Văn Dư (Q.Tân Bình), TT được người bán đồn thổi công dụng ngất trời: “Nếu như kiwi đứng đầu danh sách các loại trái cây chứa nhiều vitamin C, thì TT đứng đầu danh sách thực phẩm chứa nhiều chất chống ôxy hóa nhất”; “có khả năng hấp thụ gốc tự do mạnh nhất”; “bảo vệ tế bào mạnh nhất”… Kèm đó là lời khuyên: “Muốn cơ thể khỏe mạnh, không bị ung thư, phải có thần dược này trong nhà”. Mặc dù các trang mạng này khẳng định TTT có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không vì thế mà sức mua giảm.

So với táo xanh Việt Nam, TTT có vẻ ngoài kém tươi, thâm nâu nhưng lại để được rất lâu. Mua nửa ký về để trong bao ni lông suốt một tuần lễ, trái vẫn không bị hư, vẫn giòn, ngọt. Dù bị thâm nâu nhưng giá TTT đắt gấp ba - bốn lần táo gió Ninh Thuận và gấp sáu - bảy lần táo ta miền Bắc. Sở dĩ có giá cao, chênh lệch giữa các nơi là do TTT Trung Quốc nhập về chưa nhiều. Nếu ngày nào hàng về nhiều, giá sẽ rẻ hơn. Tiểu thương mua về đa số đều tự nói khác về xuất xứ để nâng giá và cho người mua thấy mức độ khan hiếm.

Ăn nhiều gây... bệnh

TT còn có nhiều tên gọi như đại táo, hồng táo, hắc táo, có tên khoa học là Zizyphus jujuba Mill, thuộc họ táo. TT đã được trồng ở miền Bắc nước ta nhưng sản lượng rất ít nên hiện TT trên thị trường phải nhập từ Trung Quốc. Các nhà máy chế biến TT có trên toàn thế giới bao gồm Trung Đông, Bắc Phi, miền Nam châu Âu và Tây Nam Hoa Kỳ.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, TT khi quả còn non có màu xanh lục, vỏ trơn bóng, có mùi vị tương tự như quả táo tây, nhưng khi già hơn thì vỏ trở nên nhăn nheo, sẫm màu thành màu đỏ hoặc đen ánh tía. TT chứa dinh dưỡng rất cao với nhiều protein, lipid, axít amin, vitamin A, B2, C, P, các nguyên tố vô cơ như canxi, phốt pho, sắt, nhôm. Cụ thể, trong quả TT, có 3,3% protit; 0,4% chất béo; 73% hydrat cacbon; 0,0016% sắt; 0,00015% caroten, 0,012% vitamin C.

Theo tài liệu cổ, TT có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng ích khí, bổ gan, tăng cường cơ bắp, hạ huyết áp, an thần, hạn chế sự phát triển tế bào ung thư, làm tan đờm, giảm ho, cải thiện dinh dưỡng cơ tim... Chính nhờ có nhiều công dụng nên trong hầu hết các đơn thuốc Đông y của Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam đều có TT. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên dùng từ năm đến mười quả. Ngoài được dùng trong y học, TT còn được dùng để làm mứt, chè táo, xi rô trà ngâm đường, trà táo dạng đóng hộp hay túi lọc…

Mặc dù TT là vị thuốc quý nhưng đã là thuốc thì phải có chỉ định của thầy thuốc. TT chỉ tốt khi đã già, chín khô, vỏ đã nhăn nheo. Ăn trái táo tươi còn xanh là không tốt. Việc người tiêu dùng ăn TTT vô tội vạ, thay thế trái cây hàng ngày là không nên, vì ăn nhiều sẽ gây nhiệt trong cơ thể, miệng khát, khí trì trệ, trướng bụng, không tiêu… Người bị đầy bụng, nôn mửa, đau dạ dày, đau bụng do giun sán; trẻ nhỏ, phụ nữ sau sinh; người đang bệnh, trúng gió, vàng da, cổ có đàm, đau răng… thì không nên dùng TTT. Riêng trẻ nhỏ bị đau răng, có đàm, cơ thể đang nhiệt, bụng đầy trướng thì bị cấm dùng TTT vì có thể khiến bệnh diễn tiến nặng hơn. Cần lưu ý: ăn táo với hành khiến ngũ tạng bất hòa, ăn táo với cá gây đau bụng, đau thắt lưng.

TTT không độc nhưng chính sự quảng cáo quá lố của người bán và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng đang vô tình biến một loại thuốc quý thành thuốc “độc”. Nếu có nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để dùng đúng liều lượng, tránh lạm dụng để phòng “tiền mất, tật mang”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI