Tăng lương, giảm việc để không thiếu giáo viên triền miên

28/07/2023 - 06:22

PNO - Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện còn thiếu 118.253 giáo viên ở các loại hình gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Từ nhiều năm nay, thiếu giáo viên dường như đã trở thành “căn bệnh trầm kha” của ngành giáo dục.

Trường THCS Lạc Long Quân (quận Bình Tân) mời giáo viên Phùng Thị Hoàng Yến đã nghỉ hưu tiếp tục đứng lớp để xoay xở với tình trạng thiếu giáo viên ẢNH: SƠN VINH
Trường THCS Lạc Long Quân (quận Bình Tân) mời giáo viên Phùng Thị Hoàng Yến đã nghỉ hưu tiếp tục đứng lớp để xoay xở với tình trạng thiếu giáo viên - Ảnh: Sơn Vinh

Nơi nào cũng thiếu giáo viên
Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu giáo viên (GV) nhiều nhất cả nước. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đang thiếu trên 10.000 GV so với định mức của Bộ GD-ĐT, chủ yếu ở bậc tiểu học, mầm non và chủ yếu ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. 

Từ năm học 2021-2022 trở về trước, môn tiếng Anh và tin học ở cấp tiểu học là môn tự chọn, còn các môn âm nhạc, mỹ thuật thì không có trong chương trình bậc THPT. Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, từ năm học 2022-2023, các môn tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học (được dạy từ lớp Ba), các môn âm nhạc, mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT (được dạy từ lớp Mười) nên việc chuẩn bị đội ngũ GV bị cập rập. Đã vậy, hằng năm, ngành vẫn phải cắt giảm 10% biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cũng trong năm học 2022-2023, TP Hà Nội được bổ sung 2.361 biên chế nhưng vẫn thiếu trên 8.900 GV, gồm 1.325 GV mầm non, 3.634 GV tiểu học, 2.684 GV THCS và 1.296 GV THPT trong khi số học sinh cứ tăng hằng năm. Đầu tháng 7/2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023 theo Nghị định số 111 của Chính phủ, theo đó sẽ bổ sung 3.112 chỉ tiêu GV hợp đồng. Số chỉ tiêu này được giao thực hiện từ tháng 8/2023 đến hết tháng 12/2023.

Các huyện Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái không thể tuyển được GV tiếng Anh do không có người nộp hồ sơ dự tuyển. Ngành giáo dục các tỉnh này phải yêu cầu GV tại chỗ dạy tăng tiết, hoặc phân công các GV ở trường khác, huyện khác chi viện cho các huyện trên. 

Phòng GD-ĐT 2 huyện Mèo Vạc, Mù Cang Chải còn phải tìm nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ học sinh học tiếng Anh trực tuyến với các GV ở đầu cầu Hà Nội. Thậm chí, do quá thiếu GV, ở một số điểm trường mầm non, GV phải dạy ghép học sinh 3 độ tuổi trong một lớp và các ban, ngành của huyện phải huy động phụ huynh thay nhau hỗ trợ GV chăm sóc các cháu.

Quá nhiều áp lực ngoài chuyên môn

Học sinh lớp Ba,  Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang  phải học tiếng Anh  trực tuyến với cô giáo Hoàng Thị Hương ở đầu cầu Hà Nội - ẢNH: M.C.
Học sinh lớp Ba, Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang phải học tiếng Anh trực tuyến với cô giáo Hoàng Thị Hương ở đầu cầu Hà Nội - Ảnh: M.C.

Theo Bộ GD-ĐT, so với năm học 2021-2022, tổng số GV của năm học 2022-2023 tăng 71.927 người nhưng tổng số GV thiếu lại tăng 11.308 người do có 10.094 GV nghỉ hưu, 9.295 GV nghỉ việc. Tính chung 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023, cả nước có tổng cộng 25.560 GV nghỉ việc. 

Lương GV trước ngày tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (1/7/2023) - đặc biệt là lương GV tiểu học, GV hợp đồng - quá thấp là một trong những lý do chính khiến GV bỏ nghề.

Tròn 1 năm sau khi viết đơn xin thôi việc và tất bật xoay xở với công việc mới, chị Nguyễn Thị V. (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn nhớ trường lớp, nhớ đồng nghiệp. Chị cho biết, xin thôi việc ở trường mầm non là quyết định khó khăn nhất của chị nhưng lương GV mầm non không thể giúp chị trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Sau 12 năm dạy học, mức lương của chị cũng chỉ 5,3 triệu đồng/tháng; trừ các loại bảo hiểm, số tiền chị mang về nhà chưa đầy 5 triệu đồng. Chồng chị làm nghề tự do, thu nhập cũng chỉ khoảng đó. 

10 triệu đồng cho 5 nhân khẩu mỗi tháng (gồm 2 vợ chồng, 3 đứa con ăn học) là quá chật vật. Do vậy, trước khi quyết định nghỉ việc, ngoài thời gian ở trường, chị V. phải tranh thủ đi giao hàng, tập bán hàng qua mạng xã hội. Con cái ngày một lớn, chi phí ăn học càng tăng. Không đủ sức khỏe để vừa dạy học, vừa giao hàng và bán hàng, chị V. buộc phải xin nghỉ việc, thuê một gian hàng nhỏ ở chợ Nam Tiến (TP Phổ Yên) để buôn bán.

Chị Từ Thị S. (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cũng vừa quyết định nghỉ việc ở trường mầm non sau 14 năm gắn bó. Chị tâm sự: “Tôi là GV tiếng Anh của một trường mầm non tư thục. Mỗi buổi, tôi chỉ dạy 1 giờ nhưng phải làm tất cả công việc như mọi GV khác trong 6 giờ còn lại. Tôi trụ lại được lâu là do mức lương khá cao so với nhiều bạn bè dạy trường công. Thế nhưng, vật giá ngày càng tăng, lương không đủ để lo cho gia đình”. Chị S. xin làm công nhân ở gần nhà với mức lương ngang bằng làm GV trước đây nhưng lại có thời gian đưa đón con cái đi học.

Thiếu giáo viên, phụ huynh xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái phải thay nhau hỗ trợ cô giáo chăm sóc trẻ  tại điểm trường mầm non Phình Hồ - ẢNH: M.T.
Thiếu giáo viên, phụ huynh xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái phải thay nhau hỗ trợ cô giáo chăm sóc trẻ tại điểm trường mầm non Phình Hồ - Ảnh: M.T.

Sau 15 năm dạy học, thu nhập (gồm lương và phụ cấp) của Ngô Xuân V. - GV tiếng Anh bậc THPT ở một trường chuyên - cũng chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng. Là trụ cột gia đình, anh V. buộc phải bỏ bục giảng, đi làm nghề khác. Tuy vậy, theo anh, bên cạnh thu nhập thấp, GV bỏ nghề còn do chịu quá nhiều áp lực, làm quá nhiều công việc ngoài chuyên môn. 

Ngoài giảng dạy, chấm bài, soạn giáo án, anh V. phải hoàn thành rất nhiều hồ sơ, sổ sách, lo nhiều phong trào thi đua, chịu áp lực từ cấp trên, từ phụ huynh, thậm chí từ học sinh, từ xã hội: “Bởi vậy, năm nào tôi cũng nghe thông tin thầy A, cô B chuyển nghề”.

Chuyển nghề đã hơn 1 năm nhưng chị Thu H. (TP Hà Nội) vẫn còn nhớ như in các phần việc mà một GV phải làm ngoài thời gian đứng lớp: soạn giáo án theo mẫu, chấm bài, trả bài, nhận xét, dự giờ 2 tiết/tháng, ghi sổ thiết bị mỗi lần mượn hoặc trả, ghi sổ ứng dụng công nghệ thông tin mỗi khi dạy ứng dụng công nghệ thông tin, ghi giúp đỡ đồng nghiệp hoặc được đồng nghiệp giúp đỡ mỗi tuần 1 lần, ghi giúp đỡ học sinh mỗi tuần 1 lần, làm kế hoạch cá nhân… 

Khi làm GV chủ nhiệm, chị còn phải sơ kết và lên phương hướng hằng tuần; tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hằng tuần; ghi sổ theo dõi học sinh chưa ngoan, ghi sổ tư vấn tâm lý học đường, thường xuyên liên lạc với phụ huynh để thông báo tình hình học tập của học sinh, lên ý tưởng và thực hiện việc trang trí trường lớp để nhà trường và phòng GD-ĐT chấm điểm, đứng ra thu hộ các khoản phí cho nhà trường… 

Nếu là tổ trưởng tổ bộ môn, ngoài tất cả nhiệm vụ vừa nêu, chị còn phải dự giờ của GV trong tổ (mỗi GV 1 tiết/học kỳ), làm 12 phụ lục và kế hoạch tổ chuyên môn, ghi nhận xét phần rà soát, phần GV trong tổ giúp đỡ đồng nghiệp, giúp đỡ học sinh vào cuối tháng, lập và triển khai kế hoạch dự giờ, lập kế hoạch kiểm tra nội bộ, điều hành sinh hoạt tổ chuyên môn 2 lần/tháng, điều hành sinh hoạt chuyên đề tổ chuyên môn 2 lần/năm học…

Theo chị H., đồng lương thấp, công việc lại quá nhiều làm chất lượng sống giảm là 2 lý do chính khiến chị và nhiều đồng nghiệp bỏ nghề. 

Xác định rõ nguyên nhân và dự báo nhu cầu

Cả nước thiếu GV, song cũng đang thừa khoảng 10.000 người. Với số lượng thừa, thiếu cục bộ này, tiến sĩ Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội - nhận định là do công tác dự báo chưa tốt. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước phải có sự chỉ đạo tập trung, tổ chức hướng dẫn cho các địa phương thực hiện dự báo nhu cầu GV tương lai theo từng năm, từ tổng số đến cơ cấu thành phần - nhu cầu GV theo bộ môn, cấp học, trình độ đào tạo… Từ đó, tập hợp dữ liệu để có giải pháp khả thi, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, cần tìm ra nguyên nhân thiếu GV để từ đó đưa ra được hướng xử lý đúng đắn. Ví dụ, trường hợp thiếu nguồn tuyển do các trường sư phạm đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu thì phải có giải pháp tăng cường đào tạo cho các trường. Trường hợp nguồn tuyển dư thừa nhưng do biên chế hạn hẹp thì phải tiếp tục tăng biên chế cho ngành giáo dục… 

Nếu không tìm hiểu nguyên nhân, không có dự báo về nhu cầu GV, không có kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo GV thì bài toán thiếu GV rất khó tháo gỡ.
Ông cũng cho rằng cần phải xác định có đúng đang tồn tại song song 2 vấn đề - thiếu GV nhưng cử nhân sư phạm vẫn thất nghiệp nhiều hay không. Liệu mâu thuẫn trên có đến từ nguyên do chưa có quy hoạch dài hạn? 
Nếu nguyên do đến từ quy hoạch thì theo ông chính sách đang thiếu một sự kích thích đủ ngưỡng để thu hút được đầu vào sư phạm chất lượng cũng như phát triển được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có chất lượng cao, bền vững. Đó là đảm bảo sinh viên sư phạm có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương đủ sống.
Chế độ lương của GV là yếu tố được chú trọng tại các nước tiên tiến. “Họ thường khảo sát nhu cầu đào tạo, từ nhu cầu và cơ cấu sẽ xác định số lượng tuyển dụng, đồng thời cải thiện chế độ lương. Nếu quy hoạch rõ ràng như vậy, chắc chắn sẽ giảm được tình trạng thiếu GV nói chung và thừa, thiếu GV cục bộ nói riêng” - tiến sĩ Đinh Quang Báo khẳng định.

Ý kiến:

1. Giáo viên muốn được làm nghề đúng nghĩa
Hiện nay, mức thu nhập từ công việc giảng dạy không đủ đảm bảo cuộc sống cho GV. Trong một hội thảo về giáo dục diễn ra ở tỉnh Hà Nam, khi được hỏi “có thầy cô nào phải làm nghề tay trái mới đủ sống”, tất cả GV trong hội trường đều giơ tay. 

Theo tôi, thu nhập thấp là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều GV không bám trụ với nghề. Ngoài tăng lương, cần cải tổ quy trình công việc để giảm sức lao động của GV cho những công việc không cần thiết, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. GV mong muốn được thực sự làm nghề đúng như ý nghĩa của nó, được toàn tâm toàn ý thực hiện các ý tưởng sư phạm, mở mang tầm nhìn, cập nhật những tiến bộ giáo dục.

 Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu và 
Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT)

2. Chính sách cần phù hợp với thực tiễn
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Nghị định cũng cho phép đào tạo GV theo cách thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. 

Tuy nhiên, sau 2 năm áp dụng, cả chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm lẫn đặt hàng đào tạo GV đều bộc lộ nhiều bất cập. Việc chậm nhận được khoản hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng khiến nhiều sinh viên sư phạm phải bỏ ngang do không có điều kiện theo học hoặc thấy thực tế không được như kỳ vọng ban đầu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục các tỉnh cũng không mặn mà với việc đặt hàng đào tạo GV do lo ngại sau khi đặt hàng đào tạo, sinh viên không về địa phương công tác hoặc không vượt qua được kỳ thi tuyển viên chức, trong khi ngân sách địa phương phải chi trả số tiền này.

Theo tôi, cần có chính sách đặc thù trong tuyển dụng những GV được đào tạo theo Nghị định 116. Chẳng hạn, có thể phân công, bố trí công việc cho cử nhân sư phạm giống như bên ngành công an, quân đội. Cần có nhiều trường sư phạm thuộc sự quản lý của các địa phương để các địa phương có điều kiện thực thi phương thức giao nhiệm vụ. Các trường đại học trọng điểm có thể đào tạo đặt hàng đối với GV THPT, còn GV bậc THCS, tiểu học, mầm non thì nên giao cho các địa phương tự tuyển sinh qua hệ thống các trường sư phạm tại địa phương đó. Từng địa phương cần có hội đồng tham mưu cho lãnh đạo về quy hoạch, phát triển GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho GD-ĐT nói riêng. 

 Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)

3. Cần sự phối hợp của các ngành liên quan 
Trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, việc thiếu hàng trăm ngàn GV cũng như có hàng chục ngàn GV bỏ việc là thách thức không nhỏ đối với các địa phương và với ngành giáo dục. Đã đến lúc phải “nhìn thẳng, nói thật” về tình trạng thiếu GV ở các địa phương cũng như những hệ lụy khi GV không đủ về số lượng để thực hiện nhiệm vụ dạy học. Trên cơ sở đó, các cấp có thẩm quyền mới có giải pháp, xây dựng đề án, chiến lược để phát triển đội ngũ GV. 
Bên cạnh đó, quyền tuyển dụng công chức, viên chức thuộc về ngành nội vụ, nên nếu ngành giáo dục có nhu cầu về biên chế GV mà ngành nội vụ không đồng ý thì cũng không thể giải quyết được. Do đó, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo với các bộ, ngành liên quan để cân đối ngân sách, có giải pháp khắc phục nhanh chóng, tránh để kéo dài tình trạng thiếu GV và làm cho tình trạng này càng thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của các trường trên cả nước.

 Tiến sĩ Phạm Tất Dong
Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

 Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI