Tại sao New York trở thành Vũ Hán?

01/04/2020 - 12:00

PNO - COVID-19 buộc loài người phải thay đổi não trạng. Nước nào đổi mới nhanh thì có thể thoát hiểm.

Theo dõi cập nhật trên Worldometers, người ta không khỏi giật mình trước các con số thay đổi khó lường. Đến 13g30 ngày 31/3, COVID-19 đã lan ra 199 nước và vùng lãnh thổ, với 785.855 ca lây nhiễm và 37.826 người chết. Mỹ đã vượt lên đứng đầu với 144.280 ca lây nhiễm và 2.579 người chết, trong khi Ý đứng thứ hai với 97.689 ca lây nhiễm và 10.779 người chết.

Gót chân A-sin 

Khi dịch COVID-19 sắp bùng phát tại Vũ Hán, người ta ngạc nhiên vì hàng vạn người Trung Quốc vẫn tổ chức đại tiệc (trước Tết) mà không sẵn sàng đối phó với thảm họa. Khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ (giữa tháng Ba), người ta càng kinh ngạc vì người Mỹ cũng không sẵn sàng đối phó với thảm họa, biến New York thành Vũ Hán.

Bên trong những chiếc xe tải đông lạnh được dùng tạm như một nhà xác ở bên ngoài Bệnh viện Brooklyn
Bên trong những chiếc xe tải đông lạnh được dùng tạm như một nhà xác ở bên ngoài Bệnh viện Brooklyn

Đài Loan và Việt Nam tuy có đường biên giới chung với Trung Quốc nhưng đến nay vẫn kiểm soát được dịch, trong khi Ý và Iran tuy cách xa Trung Quốc nửa vòng trái đất và có chế độ chính trị khác hẳn nhau, nhưng dịch đã bùng phát và trở thành thảm họa. COVID-19 buộc loài người phải thay đổi não trạng. Nước nào đổi mới nhanh thì có thể thoát hiểm. 

Loài người cần tỉnh ngộ trước bản chất của “cuộc chiến toàn cầu với COVID-19” vì họ vẫn chưa hiểu đối thủ và không sẵn sàng đối phó với kẻ thù chung, do họ còn nhiều “điểm mù” (blind spots). Khủng hoảng COVID-19 đã làm bộc lộ các góc khuất và “gót chân A-sin” của mỗi nước. Không chỉ các đảng phái chính trị mà các cộng đồng dân chúng của mỗi nước cũng bị phân hóa ngày càng cực đoan, làm xuất hiện các thuyết âm mưu và nhiều tin vịt. 

Trước thảm họa COVID-19, mỗi nước phải đồng thuận quốc gia và hòa giải cộng đồng để đối phó. Nếu không hóa giải được các mâu thuẫn cơ bản, trên cơ sở đồng thuận quốc gia và hợp tác quốc tế thì từng nước rất khó thoát hiểm. 

Bịt tai bịt mắt

Cách đây 5 năm, Bill Gates đã cảnh báo: “Chúng ta đầu tư quá nhiều cho răn đe hạt nhân, nhưng lại đầu tư quá ít cho hệ thống phòng dịch. Chúng ta không sẵn sàng đối phó với dịch mới… Trong mấy thập niên tới, nếu có hàng triệu người chết thì không phải do chiến tranh mà do vi-rút lây lan, không phải do tên lửa mà do vi sinh vật”. 

Theo Bill Gates, vẫn không đủ các chuyên gia về dịch để xem xét lại các phương án chẩn đoán và điều trị dịch bệnh. “Các công cụ này phải là một phần của hệ thống y tế toàn cầu, và việc sẵn sàng đối phó với dịch bệnh phải giống như việc chuẩn bị cho chiến tranh”.
Mỹ đã để mất cơ hội kiểm soát COVID-19. Họ đã hành động chậm mất 6 tuần. Bill Gates thừa nhận “đóng cửa là thảm họa về kinh tế”, nhưng đáng tiếc là “không có sự lựa chọn nào khác”. Theo Bill Gates phải ưu tiên tổ chức lại hệ thống xét nghiệm vì “việc này vô cùng cấp bách”. 

Một sai lầm lớn của chính quyền Trump là giải tán bộ phận chuyên trách về dịch trong Hội đồng An ninh quốc gia, đồng thời cắt giảm ngân sách và 2/3 nhân sự của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Tháng 7/2019, họ đã rút về nước chuyên gia dịch tễ của CDC tại Bắc Kinh (Dr Linda Quick). Washington đã “bịt tai bịt mắt mình” đúng lúc tai họa ập tới. 

Hệ quả khó lường 

Theo một báo cáo của Đại học Southampton (tháng 2/2020), nhóm Worldpop đã sử dụng phần mềm big data để phân tích các dữ liệu liên quan đến 60.000 người (trong số năm triệu người) đã rời Vũ Hán trước khi thành phố bị đóng cửa (ngày 23/1), trong đó có 834 người nhiễm bệnh đã đến 382 thành phố ngoài Trung Quốc (bao gồm châu Á, châu Âu, Mỹ và Úc). 

Ngày 18/2, hơn 40.000 người gồm 2.500 cổ động viên Tây Ban Nha và 1/3 dân số của thành phố Bergamo ở Ý đã đến sân vận động San Siro (Milan) để xem trận đấu giữa đội Atalanta (Ý) và đội Valencia (Tây Ban Nha). Người ta gọi trận đó là “Game Zero” vì đã làm bùng phát dịch. Trong khi mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ đã được cảnh báo, nhưng các sự kiện thể thao và giải trí lớn vẫn được cho phép tiếp tục. Đêm 7/3, hơn 30.000 người Mỹ đã đến sân vận động CenturyLink (ở Seattle, Washington) để xem trận đấu bóng giữa đội Seattle Sounders và Columbus Crew, bất chấp nguy cơ lây nhiễm. 

Tháng 1/2020, ông Trevor Bedford đã tìm được bằng chứng vi-rút Corona bắt đầu lây lan tại Mỹ (với 87.000 ca nhiễm). Đại học Imperial College London cũng cảnh báo nếu Mỹ không hành động ngay để ngăn chặn thì dịch có thể giết chết 2,2 triệu người Mỹ trong những tháng tới. Tuy dự báo này có thể quá cao, nhưng đó là một phần sự thật. 

Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn coi COVID-19 như “câu chuyện đùa để gạt nhau”. Tháng Hai trôi qua và cơ hội kiểm soát dịch COVID-19 bị tuột mất. Bên cạnh thái độ chủ quan của Nhà Trắng, CDC không đủ phương tiện xét nghiệm, thậm chí đối với các nhân viên y tế có triệu chứng lây nhiễm. Có thể nói khâu xét nghiệm là “gót chân A-sin” của Mỹ.

Người Mỹ đứng trước sự bất lực của chính quyền và các góc khuất của thể chế đang làm vô hiệu hóa hệ thống y tế của Mỹ bao gồm các cơ quan chuyên trách (như FDA và CDC). 

Trong bối cảnh chính trị đảng phái ở Mỹ bị phân hóa sâu sắc, nếu Trump không nghe lời khuyên của các nhà khoa học, tiếp tục đánh bạc với COVID-19 để giành phiếu, thì đại dịch có thể xuyên qua mùa hè sang mùa thu. Anthony Fauci cảnh báo hàng triệu người Mỹ sẽ bị lây nhiễm và hàng trăm ngàn người có thể chết. Lúc đó cơ hội tái cử của Trump chắc cũng hết. 

Tuy chưa thể hình dung thế giới sẽ ra sao sau thảm họa COVID-19, nhưng chắc các nước khó tránh khỏi khủng hoảng kinh tế và chính trị. Trước mắt, muốn thoát hiểm trong mấy tuần tới, Việt Nam cần đồng thuận để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, do bùng phát của ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, và hàng ngàn người từ các nước vừa kéo về. 

Nguyễn Quang Dy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI