Phía sau ánh hào quang của các đệ nhất phu nhân Mỹ: Bà hoàng không ngai

20/10/2020 - 19:52

PNO - "Đệ nhất phu nhân" dù không phải chức danh chính thức nhưng tầm ảnh hưởng của những người phụ nữ này đã lớn dần theo thời gian.

Tuy không phải chức danh chính thức nhưng “đệ nhất phu nhân Mỹ” là một trong những vai trò được bàn tán nhiều nhất trên thế giới. Ngay cả trong giai đoạn vận động tranh cử Tổng thống, phối ngẫu của các ứng viên luôn là tâm điểm của truyền thông. Mọi thứ về họ đều có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của người bạn đời của mình trong cuộc đua đến Nhà trắng.

Trong suốt lịch sử, chúng ta đã chứng kiến bề rộng và chiều sâu của sự chú ý dành cho những người phụ nữ từng mang danh đệ nhất phu nhân. Họ bị soi mói rất kĩ từ phong thái, đặc điểm ngoại hình cho đến cách ăn mặc - thậm chí cực đoan. Công chúng thường đặt kỳ vọng lớn đến những gì đệ nhất phu nhân có thể làm được và cống hiến cho người dân Mỹ nhưng lại quên rằng họ không được trả lương hay sở hữu quyền lực nào được quy định bởi pháp luật.

Bà hoàng không ngai

Nhiều đệ nhất phu nhân đã nhận được sự tôn vinh của công chúng nhưng nó nhanh chóng vụt tắt.

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama

Trong trường hợp này, hình ảnh không chỉ là về quần áo và ngoại hình mà còn là ấn tượng về những gì họ mang lại. Đó là “vầng hào quang” được tạo nên từ đặc điểm thể chất lẫn tính cách. Một số đệ nhất phu nhân đã trở thành nạn nhân khi hình ảnh của họ vừa được tôn vinh vừa được vũ trang hóa, tùy thuộc vào đám đông đang quan tâm.

Trong First Ladies - loạt phim tài liệu hiện đang phát sóng trên CNN, chúng ta nhìn thấy nghịch lý này diễn ra trong 6 nhiệm kỳ tổng thống. Các câu chuyện được đưa ra trong phim như lời nhắc nhở rằng hình tượng của một người phụ nữ có mối liên hệ chặt chẽ với sự thành công của họ và mức độ tôn trọng mà thế giới bên ngoài dành cho họ.

Tại sao chỉ trích lại luôn nhắm đến những người phụ nữ này? Leah Wright Rigueur - một giáo sư tại trường Harvard Kennedy - đã đưa ra câu trả lời về Michelle Obama: “Các đệ nhất phu nhân được coi là đại diện cho phần tốt đẹp hơn của người Mỹ”.

Khi người Mỹ chọn Tổng thống da đen đầu tiên của họ vào năm 2008, Michelle Obama nhanh chóng trở thành một nhân vật được yêu mến. Bà đại diện cho hy vọng, cơ hội và sự thay đổi giống chồng mình. 

Mặc dù vậy, những kẻ ghét Michelle lại có quan điểm khác và họ không ngần ngại chia sẻ nó trên mặt báo bất chấp mang đậm tính phân biệt chủng tộc và giới tính. Trong quá trình vận động cử tri cho chồng, Michelle được dán nhãn "người đàn bà giận dữ" và niềm tin dành cho nước Mỹ của bà cũng bị bóp méo.

Bà Michelle Obama được xem là vũ khí lợi hại cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2008 của ông Barack Obama
Bà Michelle Obama được xem là "vũ khí lợi hại" cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2008 của ông Barack Obama

Trong vài tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama, sở thích diện áo không tay của Michelle đã bị chỉ trích thậm tệ. Robin Givhan – một biên tập viên và là nhà phê bình lớn của tờ Washington Post – nhận xét: “Mọi người quan tâm bất thường đến bắp tay của Michelle bởi vì đó không phải bắp tay của một cô gái da trắng mỏng manh. Trong hàng thế kỷ, những người Mỹ da đen nhìn một đệ nhất phu nhân da trắng vẫn có thể nói rằng bà ấy đại diện cho họ. Thế nhưng, điều đó đã không diễn ra khi một số người Mỹ da trắng nhìn vào một đệ nhất phu nhân da đen. Họ chỉ đơn giản coi bà ấy như người ngoài hành tinh”.

Trong khi đó, Jackie Kennedy được thần tượng chủ yếu bởi vẻ đẹp và phong cách thời trang. Ở tuổi 31, bà là biểu tượng của tuổi trẻ và đã thổi luồng sinh khí mới vào Nhà trắng. Nhà sử học Thurston Clarke đã miêu tả Jackie trong buổi lễ nhậm chức của chồng bà như "một cánh hoa lộng lẫy” trong cuốn sách Ask Not xuất bản năm 2004.

Di sản đa dạng và phức tạp

Vợ chồng tổng thống Jack Kennedy
Vợ chồng tổng thống Jack Kennedy

Nếu lịch sử diễn ra theo cách khác, di sản của Jackie Kennedy có thể đã được rút gọn thành câu chuyện về một quý bà xinh đẹp với tài thiết kế nội thất tinh tế (bà đã dành phần lớn thời gian ở Nhà trắng để cải tạo nó). Tuy nhiên, thật bi thảm, ấn tượng mạnh nhất của thế giới về Jackie lại là những bức ảnh chụp trong ngày chồng của bà bị ám sát.

Vài giờ sau khi tổng thống Kennedy bị bắn ngay bên cạnh, Jackie đã đưa ra một quyết định mạnh mẽ: xuất hiện trước công chúng trong chiếc váy màu hồng dính máu bà đã mặc trong cuộc tấn công và nổi tiếng vì đã nói với các nhân viên của mình rằng: “Tôi muốn họ nhìn thấy những gì chúng đã làm với Jack”.

Ảnh chụp vợ chồng nhà Kennedy chỉ vài giờ trước vụ ám sát
Ảnh chụp vợ chồng nhà Kennedy chỉ vài giờ trước vụ ám sát

Đó là một thời khắc thảm khốc trong lịch sử nước Mỹ nhưng đồng thời cũng cho thấy một ví dụ mạnh mẽ về sức mạnh của trang phục: một chiếc váy có thể gửi thông điệp ra toàn cầu.

Trong hồi ký Becoming của Michelle Obama, cựu đệ nhất phu nhân cho biết bà từng cảm thấy ganh tị với chồng về vấn đề trang phục. "Đôi khi tôi thở dài nhìn Barack mặc bộ vest tối màu đi làm. Cân nhắc về trang phục của anh ấy luôn là nên mặc áo khoác hay không”, bà viết.

Michelle cũng thảo luận về những thách thức cụ thể mà bà phải đối mặt với tư cách là một người Mỹ gốc Phi. "Là một phụ nữ da đen, tôi biết mình sẽ bị chỉ trích nếu bị coi là phô trương, xa xỉ đồng thời cũng sẽ bị chỉ trích nếu quá bình thường. Vì vậy, tôi đã trộn lẫn. Tôi diện một chiếc váy Michael Kors cao cấp với áo phông của Gap. Một ngày nọ, tôi mặc đồ Target và ngay hôm sau diện đồ của Diane von Furstenberg”.

Michelle hiểu rõ xã hội sẽ không thay đổi vì bà. Do đó, bà đã tự thay đổi bản thân nhằm phù hợp quan điểm của số đông. 

Mặc dù vậy, đến cuối cùng thì Michelle Obama đã thắng. Bà đã để lại di sản đa dạng xoay quanh các vấn đề sức khỏe, giáo dục, chủng tộc và sử dụng đặc quyền của mình để tôn vinh các nhà thiết kế trẻ. Michelle đã giúp Jason Wu, Prabal Gurung và Tracy Reese xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí hàng đầu kéo theo danh tiếng của họ ngày càng đi lên.

Giống như Jackie Kennedy, Michelle Obama nhận ra rằng bà đang bị xem xét kỹ lưỡng cho mọi thứ mình mặc nên đã sử dụng nó để làm lợi thế cho mình. Quyền lực được cho là hạn chế này vẫn là một trong những cách mà phụ nữ trong chính trường có thể đưa ra tuyên bố mà không cần nói ra lời nào.

Kỳ vọng mâu thuẫn

Vợ chồng tổng thống Ronald Reagan năm 1985
Vợ chồng tổng thống Ronald Reagan năm 1985

Nancy Reagan từng được xem là đại diện của thời kỳ hoàng kim Hollywood khi bà bước vào Nhà trắng. Lễ nhậm chức của tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981 giống như một bữa tiệc hào nhoáng điển hình của kinh đô điện ảnh thế giới. Khoảng 700 máy bay phản lực tư nhân đã bay vào Washington DC vào cuối tuần đó, và trang phục của Nancy - một chiếc áo choàng đính hạt màu trắng phủ trên lụa sa tanh, do NTK James Galanos thực hiện - là một món đồ quá xa xỉ.

Nancy và chồng đều là cựu diễn viên từng gặp nhau ở Los Angeles vào những năm 1940, và tình yêu của họ dành cho nhau được ví như tình yêu màn bạc. Những người chỉ trích bà ban đầu chế nhạo cách bà nhìn chồng đầy trìu mến, tôn thờ ông ấy như các bà vợ thập niên 1950 và quá quan tâm đến những thứ rườm rà. Tất cả những điều này dường như mâu thuẫn với một đất nước đang lao dốc vào thời kỳ suy thoái.

Tuy nhiên, trong suốt 8 năm tiếp theo, Nancy đã thành công trong việc chứng minh năng lực bản thân. Theo Ron Reagan – con trai của bà, Nancy muốn tổng thống "là người đứng đầu và bà ấy trở thành nhà sản xuất/đạo diễn đằng sau hậu trường”.

Có lẽ đây là tiền thân của chiến dịch vận động nửa đùa nửa thật của nhà Clintons với khẩu hiệu "mua một tặng một". Thật vậy, có nhiều tài liệu cho rằng Hillary Clinton thường cảm thấy bị công chúng Mỹ khinh miệt, một phần do hình ảnh người phụ nữ trong sự nghiệp của bà. Trớ trêu thay, trong khi Nancy Reagan bị chỉ trích vì là một bà nội trợ của thập niên 1950, Hillary lại bị cho rằng “chưa đủ thuần hóa”.

Vợ chồng nhà Clinton tại Nhà trắng năm 1998
Vợ chồng nhà Clinton tại Nhà trắng năm 1998

Những kẻ ghét Hillary cho rằng bà quá mạnh mẽ để có thể đứng sau chồng nhưng lại quá yếu ớt để rời bỏ khi ông ta không chung thủy. Tất nhiên, bà phản đối toàn bộ những nhận xét này.

Trang phục quần dài của Hillary đã trở thành biểu tượng của bà đồng thời nhắc nhở mọi người rằng bà là đệ nhất phu nhân có bằng thạc sĩ luật, sự nghiệp độc lập và cuối cùng là chương trình nghị sự của riêng mình. Hậu Nhà trắng, Hillary đã chứng minh được năng lực của mình bằng vai trò thượng nghị sĩ bang New York chứ không thất nghiệp dài hạn như chồng. Đây cũng là lý do khi bức chân dung chính thức của Hillary được công bố vào năm 2004 đã khắc họa bà diện một bộ trang phục toàn đen – điều chưa có đệ nhất phu nhân nào từng làm.

Trong cuốn sách What Happened xuất bản năm 2017, Hillary viết: "Là một phụ nữ tranh cử Tổng thống, tôi thích dấu hiệu hình ảnh rằng tôi khác với những người đàn ông nhưng cũng quen thuộc".

Chiến thuật này đã không thành công. Trong suốt cuộc bầu cử năm 2016, Hillary đã trở thành mục tiêu của những lời phỉ báng nặng nề nhất. Nguyên nhân chủ yếu vẫn như cũ. Đó chính là hình ảnh bà đưa ra không phù hợp với khuôn mẫu: Tổng thống phải là đàn ông.

Mai Thảo (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI