Sự nổi tiếng phải gắn liền với trách nhiệm

05/08/2022 - 06:57

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 JobWay, Cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam - cho rằng, nhà sáng tạo nội dung TikTok phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với công chúng, còn công chúng (người dùng TikTok) cũng phải tự tạo bộ lọc để bảo vệ mình.

 

tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 JobWay
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 JobWay

 

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, thời gian qua, có rất nhiều vụ ồn ào liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok. Theo tiến sĩ, những lùm xùm này là do đâu?

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An: Tâm lý chung của nhiều người chơi TikTok là muốn nhận được sự quan tâm của mọi người. Nội dung càng độc, lạ, khó sản xuất càng được chú ý, được xem nhiều. Khi đã có sản phẩm được chú ý thì “nhà sáng tạo” lại muốn clip sau phải hay hơn, cuốn hút, độc lạ hơn clip trước. 

Điều này khiến một số “nhà sáng tạo” không ý thức được những gì họ làm là sai hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực cho người xem, cho xã hội. Và họ đã bị cộng đồng phản ứng. Một số điều “sáng tạo” không chỉ vi phạm các quy định của cơ quan nhà nước mà còn có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng người “sáng tạo” hoặc nhiều người khác. 

Lượt xem, lượt thích, thả tim, theo dõi trên mạng xã hội như “viên đạn bọc đường” nếu người dùng không đủ tỉnh táo, hiểu biết thấu đáo về sự an toàn, tính pháp lý. 

* Tỉnh táo trước những “viên đạn bọc đường” ấy e là việc khá khó…

- Mạng xã hội trao quyền cho người dùng sản xuất, truyền tải thông tin, tạo sức ảnh hưởng với cộng đồng. Thông tin truyền đi và nhận được phản hồi rất nhanh chóng. Đây là một trong những phương tiện không thể thiếu để thỏa mãn sự kết nối, giao tiếp của con người trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là với giới trẻ. Chúng ta không thể tách rời mạng xã hội trong đời sống hiện tại.

Tâm lý con người rất dễ bị đám đông tác động. Đặc biệt, người có sức ảnh hưởng lại chịu tác động rất lớn từ công chúng, người hâm mộ. Những đòi hỏi, yêu cầu từ công chúng sẽ tác động nhiều đến việc sản xuất clip của nhà sáng tạo nội dung. 

Theo tôi nghĩ, rất khó để đưa ra khuôn khổ nào đó bởi đây là công việc sáng tạo, miễn họ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mạng xã hội chỉ hiển thị lượt yêu thích, thả tim nhưng bản chất của chúng là khác nhau khi đến từ các nhóm đối tượng không giống nhau. 

Những con số (lượt) đó chưa nói lên được chất lượng, giá trị của sản phẩm mà nhà sáng tạo nội dung muốn truyền tải đến cộng đồng. Chẳng hạn, một video nhảy vô thưởng vô phạt và một video nhảy vì cộng đồng cùng nhận được lượt yêu thích như nhau nhưng chắc chắn ý nghĩa sẽ khác nhau.

TikTok nói riêng, mạng xã hội nói chung sẽ là những kênh khẳng định bản sắc của nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Một câu hỏi rất lớn mà nhà sáng tạo nội dung cần trả lời được là: “Tôi muốn ghi dấu ấn, hình ảnh trong lòng công chúng như thế nào?”. Ngược lại, chính sản phẩm mà nhà sáng tạo nội dung thể hiện cũng góp phần tạo nên phông nền văn hóa cho nhóm công chúng mà họ gây ảnh hưởng. 

* Theo tiến sĩ, các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nên nhìn nhận như thế nào về vấn đề ý thức và trách nhiệm?

- Hiện tại, thông tin trên mạng xã hội lan tỏa rất nhanh, rộng, sức ảnh hưởng rất lớn. Nghĩa là, nếu để cái xấu, cái nguy hại lan tỏa thì tác động tiêu cực của nó cũng tăng rất nhiều lần. Vì thế, nhà sáng tạo nội dung phải ý thức được điều này.

Những thông tin, kiến thức có ích, nhân văn nên được lan tỏa rộng rãi. Trào lưu, xu hướng (trend), sự ồn ào nhất thời sẽ đi qua, những gì có giá trị tốt mới tồn tại dài lâu. Trên mạng xã hội, hiện có nhiều kênh chuyên thông tin về du lịch, ẩm thực, văn hóa, lịch sử cũng được đón nhận rất nồng nhiệt. Từ đây, họ xây dựng được cộng đồng, tập hợp những người mang năng lượng tích cực. Khi cái tốt, cái đẹp được nhân rộng thì xã hội cũng tốt hơn. 

Sự nổi tiếng từ mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho nhà sáng tạo nội dung. Khi sống nhờ vào tình cảm của công chúng, người dùng thì nhà sáng tạo nội dung phải có trách nhiệm tương xứng. 

Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nhà sáng tạo nội dung càng nổi tiếng, lượng người theo dõi càng đông thì khi xảy ra vấn đề, bị phản ứng, họ phải chịu đựng sức ép cũng tương ứng, tức tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng. Nếu thiếu cân nhắc, suy xét thấu đáo, họ cũng có thể bị “ném đá” tập thể. Đề cao trách nhiệm với công chúng cũng là cách đảm bảo an toàn cho chính mình. Điều này có được là nhờ vào sự hiểu biết, sự nhạy cảm của nhà sáng tạo.

* Theo tiến sĩ, công chúng nên làm gì để tạo bộ lọc khi lướt mạng?

- Qua nhiều sự việc, có thể thấy, sức đề kháng, sự phản ứng của công chúng ngày càng mạnh hơn. Các mạng xã hội có cơ chế báo cáo các nội dung phản cảm, vô bổ, thậm chí gây hại cho cộng đồng. Người dùng cần sử dụng hiệu quả các tính năng này. 

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, cái nhìn bao dung, tổng quát với các vấn đề cũng quan trọng không kém. Con người thường khó nói lời khen, nhưng buông lời chê thì dễ bởi khi đó, họ đặt mình vào vị trí người đúng.Trước khi nhận xét, bình luận, hãy nghĩ đến cảm nhận của người khác. 

Cơ quan quản lý về truyền thông cũng cần có bộ quy tắc ứng xử, tăng cường việc hướng dẫn, tuyên truyền cho các nhà sáng tạo nội dung, người dùng mạng xã hội. Lâu nay, các công tác này ít được quan tâm, chỉ khi xảy ra những vụ việc cụ thể, cơ quan quản lý mới giật mình, tìm cách xử lý.

* Xin cảm ơn tiến sĩ. 

 Trung Sơn (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI