Đất thép, đất lửa giữa thời bình

Sự hồi sinh trên vùng “đất lửa”

28/04/2021 - 06:44

PNO - Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được mệnh danh là “đất lửa”. Sau chiến tranh, làng xóm tan hoang, tiêu điều. Nay, sau 46 năm, vùng đất ấy đã hồi sinh.

 

Người dân xã Phổ Cường đi chào cờ vào dịp lễ, tết ở nhà văn hóa mà họ góp kinh phí xây dựng ẢNH: SƠN VINH
Người dân xã Phổ Cường đi chào cờ vào dịp lễ, tết ở nhà văn hóa mà họ góp kinh phí xây dựng - Ảnh: Sơn Vinh

Ký ức những năm tháng đau thương

Sắp đến ngày lễ mừng đất nước thống nhất, ông Lê Văn Đáo - ở thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường - không nén nổi xúc động khi đứng cạnh ngôi nhà nhỏ trong khu vườn đầy cây trái. Cảnh tượng hãi hùng 49 năm trước hiện lên trong ký ức. Đó là vào đêm 20/1/1972. Xóm làng chìm trong bóng tối mịt mùng bởi chỉ cần có chút ánh sáng là pháo của lính Mỹ từ căn cứ Núi Dâu bắn phá tơi bời.

Năm đó, ông Đáo cùng nhiều thiếu niên thôn Bàn Thạch tập trung tại sân nhà bà Thạnh tập múa hát những bài ca yêu nước. Lính Việt Nam Cộng hòa bao vây và bắn xối xả vào nơi thiếu niên tụ họp. Tiếng kêu la lẫn trong súng nổ liên hồi. Trong cơn hoảng loạn, ông Đáo chạy vội vào trong ngôi nhà tranh vách đất. Đạn vẫn bắn như mưa, lựu đạn nổ chát chúa. 

Ông Đáo dò dẫm và chui vào căn hầm dưới bàn thờ gia tiên, bên trên phủ những tấm phản gỗ. Lát sau, toàn thân nóng rực, người trong hầm bảo ông cùng chạy ra ngoài. Ngôi nhà bốc cháy dữ dội rồi đổ sập trong biển lửa. Quẩn quanh bên mô đất cao nơi góc vườn trong vô thức, ông chợt phát hiện căn hầm và chui vào ẩn nấp. Những thiếu niên bị thương quằn quại vì đau đớn, máu ướt đẫm áo quần nhưng không dám rên la. Căn hầm ngột ngạt trong đêm tối... 

“Lúc tiếng súng ngưng, tôi ra ngoài thì thấy người chết quá trời. Đêm đó, 11 thiếu niên hy sinh, số bị thương nhiều lắm. Tôi thật may mắn mới còn đứng đây hôm nay. Chị Lê Thị Nhàn lúc đó là trưởng phân hội thiếu niên cũng hy sinh. Giờ đến ngày 20/1, anh Năm Dương ra đây sửa soạn cúng chị ấy” - ông Đáo quay sang đại tá Lê Ánh Dương đứng cạnh. Ông Dương nghẹn ngào: “Lúc cô nó mất, tôi đang là bộ đội. Nghe tin em tôi và thiếu niên trong thôn bị bắn, ai cũng xót thương”. 

Con đường dẫn vào căn hầm bí mật nơi anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ẩn náu trong kháng chiến giờ cũng được người dân góp tiền, hiến đất mở rộng, tráng bê tông  ảnh: sơn vinh
Con đường dẫn vào căn hầm bí mật nơi anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ẩn náu trong kháng chiến giờ cũng được người dân góp tiền, hiến đất mở rộng, tráng bê tông - Ảnh: Sơn Vinh

Trở về xây dựng quê hương

Sau bảy năm xông pha lửa đạn, ông Dương về thăm nhà rồi trở lại đơn vị và được cử đi học quân sự ở miền Bắc. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông cùng đồng đội khoác ba-lô, ôm súng trở lại chiến trường. Trải qua năm năm giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, ông trở về nước và theo đường binh nghiệp đến ngày về hưu với quân hàm đại tá. 
Về quê, thấy con đường qua đất nhà mình lầy lội, trẻ em dễ bị trượt té vào mùa mưa, ông Dương đã tự nguyện hiến đất mở rộng, nâng cấp đường giao thông. Ông còn hiến hơn 200m2 đất cạnh đường bê tông để xây nhà sinh hoạt cộng đồng. 

“Miếng đất của anh Dương có giá lắm, nhưng ảnh vẫn vui vẻ hiến tặng cho xóm. Có đất rồi, người dân ở đây và con em sinh sống phương xa mới đóng góp hơn 175 triệu đồng để xây dựng nhà, làm nơi sinh hoạt, hội họp” - ông Đáo, xóm trưởng xóm 5, thôn Bàn Thạch, nói. “Giá cao đến mấy cũng không bằng sự hy sinh của các liệt sĩ trên đất này” - ông Dương 
góp chuyện. 

Sau nhiều năm tha hương, anh Lê Văn Phường vẫn phải ở nhà thuê nơi đất khách. Dẫu vậy, khi nghe người thân gọi điện vận động đóng góp xây dựng xóm làng, anh liền tham gia. Anh bộc bạch: “Nếu làm ăn được, em sẽ đóng góp nhiều nữa”.  

Nếu đến Phổ Cường bây giờ, khó ai ngờ đây từng là chiến trường ác liệt trong chiến tranh. Ông Bùi Văn Chuyên - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phổ Cường - cho biết người dân trong bảy thôn của xã và con em tha hương đã góp kinh phí xây dựng bảy nhà truyền thống, khu sinh hoạt văn hóa, mỗi căn từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Họ còn tự nguyện góp công sức, tiền của xây dựng 29 nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi căn trên dưới 100 triệu đồng, đóng góp kinh phí bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. 

“Đất lửa” hồi sinh

Sau chiến tranh, người dân phiêu bạt tránh bom đạn dắt díu nhau trở về quê hương, dựng lại mái nhà tranh trên nền đất cũ. Mọi người chung tay san lấp hố bom để cấy cày. Lúa lại lên xanh trên vùng đất bạc màu, đường sá, cầu cống bị hư hại được khẩn trương sửa chữa. 
“Lúc đó, cả cán bộ lẫn người dân đều hăng hái tham gia việc chung. Những người phía bên kia chiến tuyến cũng tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh. Chỉ cần nghe tiếng loa tay thông báo là họ tập trung sửa chữa đường, cầu bị hư hại” - cựu chiến binh Bùi Văn Xíu nhớ lại.

Tháng Tư này, nông dân Phổ Cường rộn ràng niềm vui vì “trúng lúa nhất từ trước đến nay”. Mỗi sào ruộng (500m2) cho thu hoạch 10-14 bao lúa, tương đương 8-10 tấn/ha. Máy băm đất, gặt đập liên hợp chạy băng băng trên cánh đồng thay cho cảnh nông dân còng lưng cuốc cày thuở trước. Trên những chân ruộng cao, vùng gò đồi, cây trái tốt tươi, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Điện được kéo ra tận đồng để bơm nước trong những ngày nắng hạn. Mái ngói, nhà cao tầng thay thế mái tranh hay rơm rạ và tường trát đất. 

“Nông dân chúng tôi đỡ khổ hơn trước nhiều lắm. Giờ không còn lo đói mà chỉ nghĩ là trồng cây gì, nuôi con gì để có thu nhập cao. Hầu hết mọi người đều đi lại bằng xe máy, nhiều nhà mua được ô tô” - ông Đáo tâm sự. 

 

 

Ông Bùi Văn Chuyên  dạo bộ trên đường làng
Ông Bùi Văn Chuyên dạo bộ trên đường làng

Cuộc tình đơm bông sau cuộc chiến

Gần tuổi thất tuần, vợ chồng Trần Đức Thuận - Huỳnh Thị Hoa ở thôn Bàn Thạch vẫn nhớ như in những ngày vui 46 năm trước. Trong những năm chiến tranh khốc liệt, họ đã yêu nhau. Ngày ấy, ông là chiến sĩ tiểu đoàn 81 anh hùng (thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi), bà là chiến sĩ đại đội nữ Hồng Gấm anh hùng. Đất nước thống nhất, ông Thuận được chỉ huy đơn vị cho về phép ba ngày để kết duyên cùng bà Hoa sau bao năm ước hẹn. Đám cưới đơn sơ nhưng ngập tràn niềm vui. “Hòa bình rồi, ai cũng vui sướng lắm, gặp nhau mừng rỡ vô cùng, mừng đến phát khóc luôn. Vợ chồng tôi vui đến mức không thể nói nên lời vì vẫn còn sống để đến với nhau theo ước nguyện” - bà Hoa hồi tưởng.

Sau ngày cưới, ông Thuận khoác ba-lô trở lại đơn vị rồi cùng đồng đội hành quân vào biên giới Tây Nam. Ông bị thương trong một trận đánh, phải chuyển về tuyến sau điều trị. Mùa xuân năm 1980, ông xuất viện và được đơn vị cho về quê. Trái ngọt tình yêu của ông bà là năm người con trưởng thành cùng đàn cháu chăm ngoan. 

Dịp lễ, tết, căn nhà nhỏ ngập tràn tiếng nói cười và giọng trẻ thơ bi bô. Cháu con quây quần bên ông bà, bữa cơm gia đình thêm ấm cúng. “Giờ không còn chiến tranh là sướng rồi, chỉ lo làm ăn thôi. Nhiều lúc nhớ lại thuở trước, thấy thương những đồng đội không may mắn còn sống như mình” - mắt ông rớm lệ.

Xã có 873 liệt sĩ, 192 bà mẹ anh hùng

Xã Phổ Cường nằm ở phía nam thị xã Đức Phổ, có diện tích tự nhiên hơn 4.800ha. Chỉ tính riêng trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, xã có 1.894 người dân vô tội bị địch sát hại, 1.800 ngôi nhà bị đốt cháy. Toàn xã có 873 liệt sĩ, 192 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có bốn người được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 12/1972, xã Phổ Cường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Toàn xã được Nhà nước tặng 13 huân chương, 45 huy chương và hơn 2.000 người được trao tặng huân, huy chương các loại, 73 bảng vàng gia đình danh dự, 265 bảng vàng gia đình vẻ vang... Phổ Cường là nơi nữ anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã sống, chiến đấu khi vào chiến trường miền Nam cho đến lúc hy sinh. Tên anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được đặt cho một bệnh xá tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường.

Minh Kỳ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI