Gần 20 năm đỡ đầu người nghèo
Ngoài 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Hoa (phường 2, quận 6) đi lượm ve chai để lo từng bữa ăn. Cuộc sống càng thêm chật vật vì bà có người em gái bị tâm thần. Thương cho hoàn cảnh của chị em bà Hoa, mỗi tháng bà Phương Ngọc Hạnh - Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 2, quận 6 - lại ghé cho chị em họ 500.000 đồng. Việc làm này được bà Hạnh âm thầm duy trì gần 20 năm nay. Số tiền tuy nhỏ nhưng chứa đựng sự sẻ chia lớn lao.
 |
Bà Phương Ngọc Hạnh (bìa trái) đến thăm những hoàn cảnh khó khăn |
Cùng với gia đình bà Hoa, bà Hạnh còn đang đỡ đầu hằng tháng cho bà Châu Thị Tố (già yếu, neo đơn) và nhiều gia đình khác thông qua mô hình “Đỡ đầu vì người nghèo” (được thực hiện từ năm 2007) bằng khả năng của mình. Sự kiên trì trong từng việc làm của bà Hạnh đã chạm đến trái tim, khơi dậy lòng trắc ẩn và tinh thần sẻ chia trong cộng đồng. Từ đó, tại khu phố, tại phường, nhiều đảng viên, tổ chức đã thực hiện và duy trì chăm lo cho những hộ khó khăn khác.
Chia sẻ về việc làm của mình, bà Hạnh cho biết, bà muốn học và làm theo gương Bác từ những điều giản dị nhất, đặc biệt là tính tiết kiệm và tình yêu thương con người. Với tâm niệm “học đi đôi với hành”, bà đã tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Bà cũng có ước nguyện duy trì việc giúp đỡ những người nghèo đến suốt đời. Nhìn thấy nhiều người được chia sẻ, tiếp sức, bà Hạnh cảm thấy vui để tiếp tục cho đi.
Ngoài những việc làm của cá nhân, bà Hạnh còn cùng tập thể chi bộ, khu phố thực hiện nhiều sáng kiến đem lại kết quả thiết thực như nuôi heo đất tiết kiệm ủng hộ quỹ khuyến học khuyến tài, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; cùng khu phố, chi hội phụ nữ duy trì bếp ăn nhân ái giúp đỡ những người neo đơn; tặng phương tiện sinh kế cho những phụ nữ khó khăn để họ có cơ hội vươn lên, cải thiện cuộc sống; hỗ trợ xây sửa 5 mái ấm biên cương cùng nhiều phong trào an sinh xã hội khác.
“Gieo” yêu thương, “gặt” tri thức
Cũng mang trong mình một tình yêu thương và tinh thần học tập, làm theo gương Bác, bà Lý Kim Mai (phường 2, quận 5), nay đã ngoài 82 tuổi, vẫn nhiệt huyết đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học quận. Với bà, khuyến học không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui. Bà nói: “Tham gia công việc xã hội, tôi không thấy mệt mà chỉ thấy vui. Nhờ gắn bó với công việc nhiều năm nên việc vận động gây quỹ với tôi rất dễ dàng”.
 |
Bà Lý Kim Mai bền bỉ với các chương trình khuyến học khuyến tài |
Bà Mai từng là cán bộ Hội Phụ nữ năng nổ và là người khởi xướng cho chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội LHPN TPHCM ngày nay. Những năm sau giải phóng, thấy con trẻ còn nhiều khó khăn, bà Mai nghĩ ngay đến việc tìm cách để chăm lo cho các em. Nghĩ là làm, bà Mai bắt tay vào việc vận động tiểu thương các chợ góp sức cùng bà thực hiện chương trình chăm lo cho hơn 50 trường hợp. Đến nay, chương trình vẫn được các cấp hội duy trì và phát triển.
Năm 2007, sau nhiều năm cống hiến, bà Mai nghỉ hưu và gắn bó với Hội Khuyến học quận 5. Hằng năm, bà trao tặng hơn 100 suất học bổng (3 triệu đồng/suất) cho học sinh, sinh viên. Để thực hiện, bà đã không quản ngại tuổi cao, sức yếu, đi xác minh từng trường hợp rồi tìm đến các cơ sở tôn giáo, hội quán, doanh nghiệp và những cá nhân có tấm lòng để gom góp yêu thương. Không chỉ quan tâm đến thế hệ trẻ, bà Mai còn dành sự tiếp sức cho gần 20 người lớn có hoàn cảnh như bộ đội xuất ngũ học lái xe, giáo viên học nâng cao trình độ…
Với cách của mình, suốt 18 năm qua, bà Mai đã âm thầm kết nối những tấm lòng nhân ái để sẻ chia yêu thương. Không ít học sinh được bà hỗ trợ nay đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, cán bộ công chức, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
 |
Lãnh đạo TPHCM trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025 |
Cả bà Mai, bà Hạnh đều là những điển hình tiêu biểu trong 341 tập thể, cá nhân vừa được thành phố tuyên dương tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2025 diễn ra ngày 19/5 vừa qua.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: “Đây là những bông hoa rất đẹp, một phần trong hàng vạn tấm gương tiêu biểu luôn cống hiến, hy sinh thầm lặng, tỏa sáng giữa đời thường, rất đáng trân trọng. Mỗi tập thể, cá nhân đã khẳng định tinh thần học tập, làm việc, lao động, chiến đấu và cống hiến, thể hiện tinh thần vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng kỳ vọng và tin tưởng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh… sẽ tiếp tục lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa, thấm sâu vào lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cấp, từng đơn vị, từng người để cùng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tiếp tục tham gia đóng góp ngày càng nhiều cho thành phố, xã hội và cho đất nước.
Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự đi vào đời sống Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2016-2025), việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là những hô hào khẩu hiệu mà đã thực sự đi vào đời sống. TPHCM đã có 748 mô hình mới, cách làm hay và 409 nội dung đột phá, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội; 3.364 gương điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp thành phố; 37.150 gương điển hình cấp quận, huyện và cơ sở đã được phát hiện. Đặc biệt, TPHCM đã triển khai xây dựng được 5.676 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Các thiết chế này không chỉ có trong các cơ quan, công sở, trường học, mà còn trong cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư, trong không gian hoạt động văn hóa nghệ thuật và trên không gian mạng. Sự đa dạng trong hình thức triển khai cho thấy sự quyết tâm đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân. Ông Nguyễn Tấn Thanh Bình - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 - tự hào chia sẻ về những kết quả: “Đến nay quận đã có 17 cơ sở tôn giáo thực hiện thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; 12 thiết chế ngay tại cộng đồng dân cư, trong nhà của các đảng viên, cán bộ mặt trận, hội viên hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…”. Ngoài ra, quận 11 còn tiên phong xây dựng “Thư viện sách nói” bằng cả tiếng Việt và tiếng Hoa, lưu giữ những câu chuyện cảm động về Bác Hồ; thực hiện mô hình “Bản đồ số thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh quận 11”… Những câu chuyện về Bác trên thư viện số được đăng tải trên các trang Facebook, fanpage và Zalo Official của mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên, giúp tăng khả năng tiếp cận của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Tương tự, tại phường 4, quận 3, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đoàn Thanh niên phường đã vận động xây dựng và ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đình Phú Thạnh - di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, xây dựng 3 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường học, thực hiện “Góc đọc sách báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại các khu phố thông qua hình thức quét mã QR tại 10 điểm sinh hoạt của khu phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin và học tập về Bác mọi lúc mọi nơi. |
Trang Nguyễn