KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)

Theo tiếng gọi của Bác, về nước xây dựng quê hương

20/05/2025 - 06:45

PNO - Hơn 60 năm trước, nghe theo lời kêu gọi hồi hương của Bác Hồ, hàng vạn kiều bào đã trở về quê lập nghiệp, vượt qua muôn vàn khó khăn để phát triển kinh tế, góp sức cho tiền tuyến. Họ đã xây dựng nhiều bản làng giàu bản sắc ở vùng núi phía tây tỉnh Nghệ An. Mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ, họ quây quần kể chuyện xưa, thắp hương lên bàn thờ Bác.

Bà Lê Thị Ngọc cùng chồng thắp hương dâng lên bàn thờ Bác dịp 19/5 - ẢNH: PHAN NGỌC
Bà Lê Thị Ngọc cùng chồng thắp hương dâng lên bàn thờ Bác dịp 19/5 - Ảnh: Phan Ngọc

Nhà nào cũng lập bàn thờ Bác

Cùng chồng thắp hương dâng lên bàn thờ Bác Hồ, bà Lê Thị Ngọc - 66 tuổi, ở bản Việt Hương, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu - nói, mùng Một và ngày Rằm hằng tháng, vợ chồng bà đều thắp hương để tưởng nhớ Bác. Những ngày lễ lớn của dân tộc - đặc biệt là ngày sinh nhật và ngày giỗ của Bác - họ chuẩn bị thêm bánh và hoa trái dâng lên bàn thờ.

Từ khi Bác qua đời, thờ ảnh Bác Hồ trở thành phong tục ở bản Việt Hương. Gia đình nào cũng dành nơi trang trọng nhất trong nhà đặt bàn thờ Bác để ghi nhớ công ơn của Người. Lúc còn sống, Bác Hồ sống rất giản dị, nên bàn thờ Bác cũng được dân bản làm đơn sơ, không quá cầu kỳ. “Ở bản này, gia đình nào cũng tôn kính và luôn căn dặn con cháu ghi nhớ công ơn của Bác Hồ. Nếu không có Bác thì không có bản Việt Hương” - bà Ngọc nói.

Hơn 60 năm trước, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi kiều bào trở về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi người không chút đắn đo. Khi tới đất Nghệ An, gia đình bà Ngọc cùng 48 gia đình khác ngược lên vùng đất bên bờ sông Hiếu, xã Châu Hội khai hoang, lập nghiệp. Mảnh đất này từng là “rừng thiêng nước độc”, nên họ phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Khi cuộc sống dần ổn định, họ lập bản, đặt tên là Việt Hương (quê Việt).

Ở tuổi 76, bà Trần Thị Bình vẫn nhớ như in khung cảnh hơn 60 năm trước ở cảng Hải Phòng. Khi chuyến tàu đưa những gia đình Việt kiều ở Thái Lan về nước kéo còi lên từng hồi, tiếng loa thông báo tàu sắp cập cảng, ai nấy quên hết mệt mỏi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, cùng lên boong tàu nhìn về đất liền quê hương.

“Dù chưa được gặp Bác Hồ nhưng từ thời còn ở Thái Lan, tôi đã được nghe kể nhiều về Bác, học được nhiều điều từ Bác, nhất là lối sống giản dị và tiết kiệm. Ngày nghe tin Bác mất, cả bản chúng tôi ai cũng dừng hết công việc dang dở trên rừng, về nhà chịu tang” - bà kể.

Treo lá cờ đỏ sao vàng trước cửa nhà, bà Bình nói, người dân bản Việt Hương xem ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày lễ lớn nên nhà nào cũng treo cờ. Hết lễ, họ cất cờ vào tủ để cờ không bị bạc màu.

Bận rộn mưu sinh nhưng đến ngày sinh nhật Bác, tết Độc lập, người dân bản Việt Hương đều dành thời gian quây quần bên nhau. Trong những dịp đó, trai gái, già trẻ trong bản lại say sưa trong điệu múa lăm vông, thể hiện sự đoàn kết của bản làng, lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ đã mang đến cho người dân cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Theo ông Nguyễn Đình Lời - Trưởng bản Việt Hương - ngày mới về nước, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mỗi dịp sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh 2/9, bà con chỉ làm lễ đơn sơ. Khi cuộc sống dần khá lên, những ngày này trở thành ngày lễ hội của cả bản. Từ 69 hộ khai hoang vùng đất mới những năm 1960, nay bản Việt Hương có 174 gia đình, hầu hết là con cháu của bà con kiều bào từ Thái Lan về. Năm 2017, Việt Hương được công nhận là bản văn hóa.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt, dâng hoa ở Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh nhân dịp sinh nhật Bác - ẢNH: HỒ VINH
Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt, dâng hoa ở Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh nhân dịp sinh nhật Bác - Ảnh: Hồ Vinh

Nhắc nhở con cháu sống theo gương Bác

Ngày 10/1/1960, tàu Anh Phúc chở 922 kiều bào từ Thái Lan trở về nước cập cảng Hải Phòng, mở đầu đợt hồi hương lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Từ đó đến đầu năm 1964, đã có hàng chục chuyến tàu đưa hàng vạn bà con ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới (2 quần đảo Nouvelles-Hébrides và Nouvelle-Calédonie ở tây nam Thái Bình Dương) trở về quê hương.

Ông Hồ Văn Vinh - Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An - cho biết, trong số hơn 45.000 kiều bào từ Thái Lan hồi hương theo tiếng gọi của Bác Hồ giai đoạn 1960-1964, có hàng ngàn người đã chọn mảnh đất xứ Nghệ lập nghiệp. Nhiều người xung phong lên miền núi làm kinh tế mới, lập ra những ngôi làng đầy bản sắc ở miền tây xứ Nghệ.

Bà Võ Thị Công - Trưởng chi hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan huyện Quỳ Châu - cho hay, dù gặp muôn vàn khó khăn, những lớp Việt kiều về nước thời đó không bao giờ quên lời căn dặn của Bác. Họ vừa phát triển kinh tế, vừa đóng góp người và của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau này, khi kinh tế khấm khá hơn, bà con thường tổ chức các chuyến đi sang Thái Lan để thăm thân nhân, đến khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan dâng hương tưởng niệm.

Xuôi theo dòng sông Hiếu khoảng 60km, ở phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, cũng có ngôi làng mang tên Việt Hương, được lập cách đây hơn 60 năm.

Với 100 gia đình, đây là làng có số Việt kiều từ Thái Lan trở về định cư đông nhất ở tỉnh Nghệ An. Từ những mái nhà tranh tạm bợ ban đầu, nay làng đã trở thành một làng nghề chế biến lâm sản nổi tiếng khắp vùng với những sản phẩm như tủ, giường, bàn ghế. Người dân nơi đây vẫn trân trọng, gìn giữ điệu múa lăm vông, các món ăn Thái Lan, tạo nên nét riêng độc đáo.

Bà Mai Thị Bích Nọi - Trưởng chi hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan thị xã Thái Hòa - cho hay, từng sinh sống ở Thái Lan nên người trong làng luôn nhắc nhở con cháu nhớ và xem Thái Lan là quê hương thứ hai của mình, còn Việt Nam là Tổ quốc. Mỗi dịp lễ lớn của dân tộc, người làng tụ họp nhảy điệu lăm vông, uống rượu cần. Đây không chỉ là dịp để họ ôn lại hành trình hồi hương từ bờ Mê Kông đến đất Phủ Quỳ mà còn là dịp để tưởng nhớ công lao cũng như học tập theo gương của Bác Hồ.

“Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu sống, làm việc theo gương của Bác, đặc biệt là lối sống giản dị và khiêm tốn” - bà nói.

Ông Hồ Văn Vinh - Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An - cho biết, sinh nhật Bác Hồ (19/5) và ngày sinh nhà vua Thái Lan (5/12) là dịp họp mặt thường niên của hội.

Đây không chỉ là dịp để Việt kiều từ Thái Lan hồi hương gặp mặt, chia sẻ về cuộc sống mà còn là dịp để kết nối, thắt chặt mối quan hệ với các đối tác Thái Lan, với bà con Việt kiều đang sinh sống ở Thái Lan.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI