Sóng đang nuốt dần bờ biển Hội An

27/11/2020 - 08:11

PNO - Những resort, bãi dừa ven biển Hội An đang dần chìm xuống biển.

 

Sóng biển đánh tan tành bờ biển Hội An vào mùa mưa bão năm 2015 - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Sóng biển đánh tan tành bờ biển Hội An vào mùa mưa bão năm 2015 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Nhà hàng lấn ra biển, biển ngoạm vào bờ

Phần lớn trong hơn 7,9km đường bờ biển của TP. Hội An đã được giao cho các doanh nghiệp, hộ tư nhân đầu tư các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng; phần còn lại là các công viên công cộng do Nhà nước quản lý. Những năm gần đây, tuyến đường ven biển này liên tiếp bị sạt lở và xâm thực. Có nơi, biển lấn sâu vào hơn 100m.

Ông Lê Văn Hùng ở phường Cẩm An, TP. Hội An - cho biết lâu lâu, bờ lại sạt lở, biển cứ lấn dần về phía đất liền. Nhà sát biển, ông Hùng dựng một quán nhỏ để buôn bán nhưng nay đã bị sập và phần nền đất cũng đã trôi ra biển. “Cứ sau mỗi cơn bão hoặc sau mùa đông, biển lại lấn sâu vào thêm vài chục mét khiến nhiều công trình của tôi bị hư hại. Đặc biệt, sau cơn bão số 9 và số 13, gia đình tôi bị thiệt hại rất nặng nề. Mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình tôi được di dời đến vị trí khác để ổn định cuộc sống” - ông Hùng nói.

Cùng cảnh ngộ, nhiều chủ homestay, nhà hàng ven biển Cửa Đại và Cẩm An cũng bị sóng biển đánh sập, thiệt hại ban đầu lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng người dân đành phải cắn răng chịu đựng vì không biết làm cách nào để chống lại biển.

Đã mười năm nay, chính quyền TP.Hội An liên tục cho xây kè biển với tổng kinh phí hơn 250 tỷ đồng nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn. Để tự bảo vệ, nhiều doanh nghiệp cũng tự đầu tư, gia cố đê kè.

Ông Nguyễn Thành Sang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phước Thịnh - Palm Garden Resort - cho biết công ty gặp nhiều khó khăn trong việc gia cố bờ biển: “Chúng tôi đã chi hàng chục tỷ đồng để làm kè nhưng không ăn thua. Chính quyền cần sớm có giải pháp để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp và nhân dân, giữ lại tài nguyên du lịch cho thành phố”.

Còn theo bà Trần Hạnh An - chủ hộ kinh doanh ven biển - cho rằng khi kinh doanh càng phát đạt, các chủ doanh nghiệp càng có xu hướng tiến sát ra biển. Do đó, chính quyền TP.Hội An cần tuyên truyền để các doanh nghiệp kinh doanh ngưng lấn sát ra biển để bảo toàn tài sản của mình. Bà An cho biết, các chủ hộ kinh doanh ven biển họp bàn phương án kè biển bằng những cách thức truyền thống như đóng cọc tre, chất bao chứa cát nhưng do kinh phí và nguồn lực hạn chế nên việc làm kè chắn vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến thiếu hiệu quả.

Phóng lao theo lao
 

Một resort ở biển Cửa Đại  bị sóng biển cuốn sập vào năm 2014  Ảnh: Lê Đình Dũng
Một resort ở biển Cửa Đại bị sóng biển cuốn sập vào năm 2014 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An - cho biết trước đây, dọc đường bờ biển Hội An là những rặng thông, phi lao để chắn gió, chắn sóng nhưng sau đó đã phân chia đất bờ biển cho các doanh nghiệp quản lý. Hiện đã có hàng loạt resort, khách sạn ven biển.

“Phóng lao thì phải theo lao để mà giữ biển. Mỗi mét đất của Hội An hiện nay đã là vài chục triệu đồng. Đó là tài sản của dân, của doanh nghiệp, chúng ta phải giữ lại, còn sau này, làm thế nào để cân bằng hệ sinh thái lâu dài thì sẽ tính tiếp. Khi các doanh nghiệp xong vấn đề thuê đất 50 năm thì UBND thành phố sẽ tính đến việc không cấp đất nữa, để tạo lại bãi, rừng.

Nhưng còn mấy chục năm nữa, họ cũng phải kinh doanh, phải sống, phải tạo sản phẩm cho du lịch Hội An, nên chúng ta bắt buộc phải giữ, nếu không thì sau này, con đường cũng không có mà đi” - ông Sơn thừa nhận.

Cũng theo ông Sơn, hiện UBND thành phố đang tìm những giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ biển Hội An khỏi sạt lở, trong đó, ngoài việc chống sạt lở, còn phải giữ được bờ, tạo được bãi. Nếu chỉ giữ bờ mà không có những bãi tắm thì Hội An cũng không còn tài nguyên du lịch.

Ông nói: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để kè, có kè cứng và kè mềm, nhưng không mấy hiệu quả. Phải làm đồng bộ, hoàn thành hệ thống kè xuyên suốt bãi biển, nếu không thì mỗi khi có bão, lại phải lo biển sạt, lo mất tài sản, tài nguyên”.
 

Ông Nguyễn Xuân Phúc  khảo sát bờ biển Hội An bị sạt lở vào năm 2015, khi ông đang là  Phó thủ tướng Chính phủ Ảnh: Lê Đình Dũng
Ông Nguyễn Xuân Phúc khảo sát bờ biển Hội An bị sạt lở vào năm 2015, khi ông đang là Phó thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Lê Đình Dũng

Cần tôn trọng tự nhiên 

Không chỉ sóng, gió khiến bờ biển Hội An ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Theo kiến trúc sư - tiến sĩ Ngô Anh Đào - Giám đốc Công ty Tư vấn quy hoạch và Thiết kế cảnh quan LAPAT International - cần phải nghiên cứu về dòng chảy con nước của các dòng sông đổ ra biển, vì đó là một trong những tác nhân gây sạt lở ở cửa biển.

Bà Ngô Anh Đào phân tích thêm: “Ngoài ra, chúng ta phải có thái độ thuận thiên, hợp theo ý trời. Kể cả sạt lở ở bờ sông hay bờ biển thì chúng ta cũng phải có thái độ hợp tác, mới giảm được những thiệt hại. Hiện tại, chúng ta đang chống lại thiên nhiên để giữ được đất, cứ khư khư muốn giành lại những gì đã lấn chiếm mà không nghĩ đến hậu quả. Cứ thế dồn công sức, tiền bạc để chống sạt lở”.

Theo tiến sĩ Ngô Anh Đào, chính những hoạt động lấn chiếm của con người đã khiến yếu tố đất tăng lên, yếu tố nước giảm đi. Việc can thiệp của con người vào thiên nhiên hiện nay đã mang lại nhiều hậu quả, kéo theo các hiệu ứng domino khác.

Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An - hiện các khu vực sạt lở đều ở các cửa biển như Cửa Tùng, Cửa Việt, Cửa Thuận An, Cửa Đại, Cửa Lở... Ông Sự cho rằng, nguyên nhân chính khiến biển lở là do dòng chảy của sông thay đổi. Việc phá rừng nơi đầu nguồn đã gây ra những hậu quả khôn lường, làm thay đổi dòng chảy. Sóng và gió tác động đến bờ biển là điều hiển nhiên, nhưng không thể cứ đổ hết cho sóng, gió được.

“Chúng ta loay hoay sửa dưới chân tường trong khi nhà đã dột trên nóc. Những cây trụ cầu Cửa Đại cũng là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy quá trình sạt lở diễn ra nhanh. Rồi dự án trồng dừa nước dưới cầu Cửa Đại lấn ra nửa sông cũng thế. Tôi cảm thấy vô cùng lạ. Dòng chảy bị đẩy qua phía nam mang theo bùn đất, bên này không có bùn đất thì bị lấy đi thôi. Sau khi tôi phản ứng thì người ta đã nhổ đi 50% diện tích trồng dừa” - ông Nguyễn Sự nói.
 

Bờ biển Hội An bị sóng đánh tan hoang trong mùa mưa bão năm 2020 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Bờ biển Hội An bị sóng đánh tan hoang trong mùa mưa bão năm 2020 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ông Sự cho rằng, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ hàng chục năm trước nhưng không nghiêm trọng như bây giờ. Trước đó, vào những năm 1998-1999, TP. Hội An đã di dời dân tại bờ biển An Bàng vào sâu bên trong. “Khi con người làm việc mà không màng đến quy luật của tự nhiên thì hậu quả sẽ đến. Cho nên việc nghiên cứu chỉnh trị cửa biển vẫn là ưu tiên số một, bởi dòng chảy đã bị thay đổi” - ông Sự nói thêm.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thông tin, hiện UBND tỉnh đang cho thử nghiệm làm kè phá sóng cách xa bờ biển 250m và âm dưới nước 150m. Dự án tiếp theo là tiếp tục kè ra phía Palm Garden Resort, sẽ triển khai vào quý I/2021 với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, cam kết sẽ khơi thông dòng chảy Cửa Đại trong thời gian tới. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án làm kè chỉnh trị dòng sông, kinh phí 1.000 tỷ đồng, dự tính khởi động từ năm 2022.

Ông Hồ Quang Bửu nói: “Hiện nay, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc kè biển Hội An. Phải làm đồng bộ cứng hoặc mềm, không thể làm như kiểu răng cưa được. Có thể cứng hóa khu vực đường đi và khu vực bờ biển An Bàng đi ra. Nguồn lực có thể lấy từ TP.Hội An là chính và một phần hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp”. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI