Sợ vợ - Đề tài cũ lắm rồi!

28/06/2020 - 13:16

PNO - Biên kịch, đạo diễn phim Việt nên từ bỏ cách khai thác hình ảnh người đàn ông sợ vợ, như là một thủ pháp hài hước gây cười để làm nên tác phẩm của mình.

Từ rất lâu, tôi ghét xem phim hài, bởi lẽ, ngoài chủ đề “sợ vợ”, đề tài về cái hài của phim Việt rất nghèo nàn. Cứ điểm qua vài phim hài nổi tiếng trên mạng, dù nội dung khác nhau, có khi chẳng liên quan gì tới chuyện vợ chồng, nhưng thể nào cũng có nhân vật sợ vợ. Sợ vợ là yếu tố gây hài, bởi nó dựa trên tiền đề của nền văn hóa gia trưởng. Vợ sợ chồng là bình thường, chứ chồng sợ vợ là lố bịch, là hèn, là thứ đáng để giễu cợt.

Thử tìm một phim hài của nước ngoài về chủ đề sợ vợ mà xem, rất khó; thậm chí không có. Những diễn viên hài nổi tiếng của Mỹ như Jim Carrey, Adam Sandler, Owen Wilson, Ben Stiller... làm rất nhiều phim với đủ đề tài và nội dung phong phú, nhưng chẳng phim nào có nội dung sợ vợ. Gần hơn, diễn viên nổi tiếng kiêm đạo diễn Trung Quốc Châu Tinh Trì cũng vậy. Thử tìm phim hài của anh nói về sợ vợ, làm gì có!

Bởi lẽ, với họ, nếu sợ vợ thì cũng là chuyện bình thường, chả có gì buồn cười hay đáng giễu cợt.

Ngự lâm không kiếm - một trong những bộ phim xây dựng hình ảnh những người đàn ông sợ vợ
Ngự lâm không kiếm - một trong những bộ phim xây dựng hình ảnh những người đàn ông sợ vợ

Nhưng thật sự, có những người đàn ông sợ vợ hay không?

Trong bộ phim Trung Quốc khá nổi tiếng Diệp Vấn, kể về vị võ sư huyền thoại của môn võ Vịnh Xuân Quyền. Khi có kẻ đến nhà thách đấu, anh một mực từ chối. Vợ Diệp Vấn ra mắng kẻ thách đấu, đại ý rằng “nhà tôi không phải chỗ đánh nhau”, nhưng kẻ thách đấu cố tình hạ nhục cả hai vợ chồng bằng những lời lẽ xúc phạm. Chính vợ Diệp Vấn quay sang bảo chồng: “Đừng có làm vỡ đồ của em”, ý nàng đồng ý cho chồng ra tay.

Lúc đó, gã thách đấu bảo Diệp Vấn rằng: “Không ngờ cao thủ như ông lại sợ vợ”. Diệp Vấn trả lời: “Không có người đàn ông sợ vợ, chỉ có người đàn ông tôn trọng vợ”. Ngay lập tức, câu nói này gây sốt “rần rần”, khiến Diệp Vấn trở thành soái ca mạng xã hội một thời.

Những người đàn ông Việt chúng tôi, tri thức đầy mình, khi nhậu thường “chém gió” đủ thứ, trong đó có phê phán “hủ nho Khổng giáo”, nhưng thật ra, bên trong, ai cũng đều có một ông Khổng Tử theo nghĩa tiêu cực nhất mà họ không biết. Để thực sự biết tôn trọng vợ nói riêng, tôn trọng phụ nữ nói chung, họ cần phải học.

Và các biên kịch, đạo diễn phim Việt cũng nên thay đổi cách nghĩ, họ nên từ bỏ cách khai thác hình ảnh người đàn ông sợ vợ, như là một thủ pháp hài hước gây cười để làm nên tác phẩm của mình. Đề tài ấy cũ lắm rồi! 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI