Singapore tăng cường nuôi trồng để tự túc 30% nhu cầu thực phẩm

24/05/2020 - 15:09

PNO - Chính phủ Singapore mới đây đã vạch ra một chiến lược gồm ba phần để khắc phục sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm trên diện rộng nhằm đảm bảo an ninh lương thực ở mức độ cao hơn. Nước này đã phát triển các công nghệ “canh tác theo chiều thẳng đứng” và sử dụng, tảo, côn trùng làm nguồn thay thế protein.

Người dân mua trứng tại một siêu thị ở Singapore - Ảnh: Reuters
Người dân mua trứng tại một siêu thị ở Singapore - Ảnh: Reuters

Nỗi ám ảnh của Singapore đối với thực phẩm sâu sắc hơn nhiều so với món đặc sản cua sốt ớt và bún laksa nổi tiếng thế giới.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, Singapore là một trong những quốc gia có mật độ dân số lớn nhất hành tinh với 5,7 triệu người hầu hết phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm từ nước ngoài. Chỉ 0,9% diện tích đất đai của đảo quốc rộng khoảng 700 km2 được phân loại là đất nông nghiệp (số liệu năm 2016).

Mặc dù tự sản xuất rất ít, nhưng người Singapore lâu nay được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao và giá cả phải chăng. Đất nước này đứng đầu về chỉ số an ninh lương thực trong hai năm gần đây và hiện tập trung sâu sắc vào vấn đề này, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Và một đất nước nhỏ nhưng giàu như Singapore nhận thức rõ nét về tính dễ bị tổn thương của chính mình để thực sự nghĩ đến tự lực thực phẩm.

Giờ đây, khi các nước trên thế giới đối mặt với nhu cầu lương thực được dự báo sẽ tăng hơn một nửa vào năm 2050, Singapore thấy mình là người tiên phong trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân trong khi giải quyết hạn chế về đất đai và nguy cơ biến đổi khí hậu.

Giáo sư Andrew Borrell - chuyên gia sinh lý học cây trồng tại Liên minh Đổi mới nông nghiệp và thực phẩm Queensland của Úc (QAAFI) - cho biết ông “có thể quan sát và học hỏi để rút ra những bài học bổ ích từ các nước như Singapore”. Ông cho rằng, người Singapore “nghĩ về điều này trong nhiều năm và bây giờ họ đã nhận được những lợi ích từ việc đó”.

Ì
Khách hàng đứng trước các kệ trống của một siêu thị ở Singapore - Ảnh: Bloomberg

Để đáp ứng trực tiếp cho cuộc khủng hoảng COVID-19, chính phủ Singapore đã tăng tốc tài trợ cho các trang trại địa phương để “trồng nhiều hơn và trồng nhanh hơn” trong vòng 6 đến 24 tháng tới, theo Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA). SFA cũng đang làm việc để bổ sung vào mạng lưới cung cấp thực phẩm đã khai thác gồm 170 quốc gia hoặc khu vực.

Về lâu dài, chính sách an ninh lương thực cao hơn của Singapore dựa trên chiến lược ba phần nhằm đa dạng hóa nguồn thực phẩm quốc gia, hỗ trợ các công ty phát triển ở nước ngoài và nâng cao sản xuất trong nước. Phần thứ ba (nâng cao sản xuất trong nước) là mục tiêu tham vọng nhất, nhưng được cho là quan trọng nhất trong việc khắc phục sự gián đoạn nguồn cung trên diện rộng: sản xuất đủ thực phẩm trong nước để đáp ứng 30% nhu cầu dinh dưỡng đến năm 2030, từ mức dưới 10% hiện nay.

Để đạt được điều này, Singapore phát triển các công nghệ như canh tác theo chiều thẳng đứng; thu hồi chất dinh dưỡng từ chất thải thực phẩm; sử dụng côn trùng, vi tảo và thịt chăn nuôi làm nguồn protein thay thế, theo giáo sư William Chen - Giám đốc Chương trình Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Michael Fam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore.

Chính phủ tài trợ cho nghiên cứu về nuôi trồng đô thị bền vững cũng như các loại thực phẩm trong tương lai như protein thay thế và tìm cách mở rộng nuôi cá ngoài khơi bờ biển phía nam của đất nước. Singapore cũng tài trợ công nghệ để giúp tăng sản lượng từ các trang trại hiện có, với tổng số khoảng 200 trang trại hoạt động được cấp phép vào năm 2018, sản xuất chủ yếu là rau, cá và trứng gà.

Theo SFA, công việc đang được tiến hành để cung cấp nhiều không gian hơn cho sản xuất thực phẩm đô thị, ví dụ như trên mái nhà các bãi đậu xe nhiều tầng. Trong một cấu trúc giống như cái lồng trên đỉnh một bãi đậu xe ở quận Ang Mo Kio, Công ty Citiponics Pte Ltd. trồng khoảng 4 tấn rau diếp Georgina và các loại rau xanh khác trong một tháng, trong khi một phần của trường trung học cũ ở trung tâm gần đây cũng đã được tái sử dụng để canh tác đô thị.

Sau khi hoạt động đầy đủ, hệ thống thực phẩm đô thị Singapore có thể được xuất khẩu sang các nước láng giềng. Trong thời kỳ khủng hoảng, niềm tin thông qua làm việc cùng nhau cũng sẽ giúp giữ cho chuỗi cung ứng thực phẩm được nguyên vẹn.

Hòa Ninh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI