Sập bẫy “nạn nhân”

29/03/2020 - 05:10

PNO - Trong quá trình tư vấn, tôi gặp nhiều thân chủ luôn thấy người khác có lỗi với mình, còn mình là nạn nhân, mình đáng thương...

Họ than thở, trách móc. Và tệ nhất là họ luôn nghĩ họ sẽ khá lên khi người kia thay đổi theo hướng tốt với họ, chỉ có như vậy thì họ mới vui... Hậu quả là "nạn nhân" không hạnh phúc, họ luôn chìm vào những cảm xúc tiêu cực, luôn nói lời trách móc, luôn thất vọng vì mong chờ người khác mang niềm vui đến cho mình nhưng không được. 

Ai cài bẫy “nạn nhân”?

Có chồng cờ bạc, chị Hồng T. rầu rĩ, than trách số mình sao mà khổ. Nhưng khi được hỏi: “Chị có quyền rời bỏ nếu anh ta vẫn tiếp tục cờ bạc, sao chị không làm?”, thì chị T. lại đưa ra một loạt lý do chưa thể bỏ dù rất muốn. Chị ấy đã lựa chọn người chồng đó, đã quyết định sống tiếp với người chồng đó. Vậy cái khổ mà chị đang chịu một phần có trách nhiệm của chị. Thay vì than phiền chồng, chị có hai lựa chọn: ly hôn hoặc chung sống tiếp, và tìm cách hạn chế thấp nhất hậu quả thói xấu cờ bạc của chồng, giúp chồng bớt dần tệ nạn. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Anh Thanh Q. than với chúng tôi vợ đi làm suốt, bỏ mặc chồng con tự lo. Anh thất vọng vì vợ, oán trách sao anh lại lấy phải người như vậy? Vợ chồng thường xuyên cãi vã. Nhưng khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình thì mới rõ lương anh thấp, hai con đang tuổi ăn học nên nhu cầu tiền bạc trong nhà trông cả vào vợ.

Hơn nữa, anh đi làm giờ hành chính có thể về lo đón con, cơm nước nội trợ thuận lợi hơn vợ. Vợ kinh doanh nên thời gian linh hoạt và bận rộn hơn anh. Anh đã không thông cảm cho vợ, không chung tay lo việc gia đình như một trách nhiệm chung, mà chỉ biết đổ lỗi vợ không chu toàn. 

Người xưa có câu "tại anh, tại ả, tại cả đôi bên", chính là dạy chúng ta luôn biết mọi chuyện xấu tốt đều có trách nhiệm của các bên liên quan. Trước khi trách người hãy tìm ra trách nhiệm chưa tròn của mình, “tiên trách kỷ - hậu trách nhân”.

Như trường hợp chị Lan V. nghi chồng có người khác, chị ghen tuông dằn vặt đau khổ, chị kết luận chồng không ra gì. Nhưng khi tâm sự về hoàn cảnh sống của hai vợ chồng, chị đã tự nhận ra lâu nay mình coi thường chồng, lạnh nhạt chăn gối, vợ chồng thường xuyên cãi nhau, anh than sống trong nhà mà như địa ngục... Chị đã nhận ra một phần trách nhiệm của mình trong chuyện vợ chồng, tự mình biến gia đình thành “tổ lạnh” nên người khác mới có cơ hội chen vào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi nhận ra lỗi của bản thân và tìm cách cải thiện, sửa đổi... chúng ta sẽ tác động lên người khác những hành vi tích cực, lời nói tích cực, thái độ tích cực... và người kia sớm muộn cũng sẽ thay đổi. Ta không thể thay đổi bất kỳ ai, ta chỉ thay đổi được chính mình mà thôi.

Nếu thay đổi bản thân để cải thiện vấn đề, nỗ lực hết sức mà người kia vẫn có những hành vi sai, thì quyền thay đổi người, thay đổi hoàn cảnh vẫn trong tay mình. Vấn đề là mình có quyết tâm muốn thay đổi không mà thôi.

Hoặc vun đắp, hoặc giải thoát đời nhau

Chị T. nỗ lực khuyên răn chồng, kiểm soát tiền bạc... tìm mọi cách hạn chế việc chồng cờ bạc không được thì tốt nhất nên giải thoát cho mình khỏi người chồng tệ nạn đó. Anh Q. nếu hiểu và thông cảm cho vợ, tự mình lo chu toàn chuyện nhà cửa con cái giúp vợ, hoặc tìm thêm việc làm để chia sẻ gánh nặng tài chính cho vợ... thì vợ chồng sẽ lại đồng thuận vượt qua khó khăn. Chị V. sớm nhận ra trách nhiệm của mình và nói chuyện với chồng, xem anh còn muốn quay về hay không.

Nếu hai vợ chồng còn tình nghĩa sẽ thống nhất việc anh cần rời bỏ người thứ ba, anh nên thay đổi như thế nào, em sẽ thay đổi ra sao... để cùng nhau vun đắp gia đình. Trong trường hợp người chồng không bỏ được kẻ thứ ba, thì chị V. có quyền thay đổi gia đình bằng giải pháp ly hôn. Không ai có thể bắt người vợ ấy mãi sống chung với ông chồng phản bội, trừ khi chính người vợ muốn thế... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với mọi lựa chọn, chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho kết quả của lựa chọn đó. Oán người là tự trói chân mình. Than thân trách phận chỉ làm mình ngày càng khổ, biết nhận trách nhiệm và tìm giải pháp giải quyết vấn đề mới là người "chủ động", tránh xa kiểu người "nạn nhân", từ đó chúng ta sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc không ở ngoài ta, hạnh phúc tại tâm, hạnh phúc là sự lựa chọn. Trông cậy người khác không bằng trông cậy vào chính mình. “Đời thay đổi khi ta thay đổi”. 

Bài viết xin được khép lại bằng nụ cười hân hoan của một anh tài xế trong cuốn A Complaint Free World (Thế giới không có lời phàn nàn) của mục sư người Mỹ - Will Bowen. Khoảnh khắc thay đổi đời anh không phải là lúc anh cưới được cô vợ đẹp, có công việc tốt, hay sở hữu một chiếc xe “xịn“, mà là lúc anh vô tình nghe được một cuộc đàm thoại về cuộc sống trong một tiết mục quảng cáo, khiến anh ngộ ra rằng oán trách là một độc dược.

Anh bỏ thói quen trước đây thường xuyên càu nhàu hành khách, phàn nàn giá xăng hay tình trạng giao thông, rồi chê bai chính phủ, phiền trách vợ con. Anh trang hoàng xe đẹp đẽ, thơm tho, tập cười, tập làm quen, bắt chuyện với khách, và biết lặng im khi khách cần một giấc ngủ hay thả hồn vào cảnh vật bên đường. 

Vẫn chiếc xe đó, vẫn là anh bên vô-lăng quen thuộc, nhưng doanh thu đã gấp đôi, gấp ba, và danh sách khách mối cũng tăng vọt. Nếu bản thân không vừa lòng về người khác, về thế giới, thì những chuyện không hay tự nhiên sẽ ập đến, gọi chung là “xui xẻo”. Thì sao mình không đặt tên cho hôm nay là ngày may mắn, mỗi người ta gặp đều là “quý nhân”?

Trên tất cả cuốc xe hôm nay không hẳn mọi hành khách đều hòa nhã, dễ chịu, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ thành một tài xế chỉn chu, lịch sự, ân cần, khi bạn thực sự mong muốn điều đó.

Trên hành trình cuộc đời, ai bắt được bạn hận tủi, u buồn, một khi bạn đã chọn lấy gương mặt tươi cười? 

Phạm Thị Thúy
(Chuyên viên tư vấn tâm lý)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI