Sao phải sợ người lao động không quay lại?

10/10/2021 - 17:54

PNO - Trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực lao động, theo các chuyên gia, đây là thách thức cũng là cơ hội để TPHCM đánh giá lại mô hình phát triển kinh tế, định hướng mô hình kinh tế 4.0 hấp dẫn hơn, phát triển mạnh mẽ hơn. Khi mô hình sản xuất hấp dẫn, lương cao thì TPHCM không lý do gì lo ngại người lao động không quay lại. ​

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ, vừa qua lượng người lao động đổ về quê nhiều vì họ vừa khó khăn, vừa lo lắng sẽ có đợt phong toả lần nữa. Trong thời gian tới, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương sẽ thiếu lượng lao động rất lớn.

Tuy nhiên, có thể thấy, những người ở lại TPHCM đều được tiêm vắc xin, nên cơ hội tái hoà nhập sản xuất sẽ rất cao. Hiện nay, để thu hút người lao động, một số công ty có chính sách phúc lợi rất tốt, nếu sớm hoà nhập thì người lao động sẽ có cơ hội hưởng được các chế độ tốt. Trước đây, nguy cơ thất nghiệp cao, bây giờ người lao động sẽ được quyền chọn lựa nhiều hơn, công việc tốt hơn, lương cao hơn.

Hiện có 2 nhóm lao động là nhóm lao động trí óc và lao động chân tay. Trong đó, nhóm lao động trí óc sẽ không bị thiếu hụt nhiều bởi họ có thể làm việc từ xa. Riêng nhóm lao động chân tay sẽ thiếu nghiêm trọng, bao gồm cả lao động đơn giản và lao động phức tạp đòi hỏi tay nghề cao.

"Hậu COVID-19 có thể đối diện nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thấy rõ Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn nhân lực rất dồi dào. Đây là lợi thế lớn của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương có thể tận dụng phát triển. Đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chính xác, tăng cường đầu tư nhiều hơn nhằm kết nối các tỉnh miền Tây và miền Đông với nhau. Chẳng hạn đầu tư hệ thống đường cao tốc ở phía Nam. Bên cạnh đó, các trung tâm kinh tế - tài chính như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nên bắt đầu hướng đến các công ty tự động hoá nhiều hơn để chủ động hơn trong vận hành sản xuất', ông Trần Nguyên Đán nói. 

h
Người lao động rời TPHCM về quê - Ảnh: Tam Nguyên

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: "Chúng ta luôn nói kinh tế chủ lực của TPHCM sẽ đi vào hướng gia tăng giá trị công nghệ cao, mô hình TP dịch vụ tài chính… TP đang phát triển theo mô 4.0 thì tại sao lại sợ người lao động không quay trở lại".

Theo ông Đinh Thế Hiển, hiện nay có thể thấy TPHCM và các tỉnh đang cục bộ với nhau. Có nghĩa, hạ tầng đang được phát triển theo hướng liên vùng nhưng trong quản lý thì mỗi nơi 1 kiểu, không có sự kết nối. Đây là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước tái cấu trúc và quy hoạch phân công lao động lại ở cấp vùng.

"Qua sự việc lần này, chúng ta nên đánh giá lại mô hình phát triển. Liệu hiện nay TPHCM có nên tiếp tục phát triển theo mô hình đặt nhà máy ở TPHCM và kéo người lao động ở các tỉnh lên không? Chúng ta đang bắt tay vào thực hiện kinh tế 4.0 thì bắt buộc phải tái cấu trúc, tự động hoá cao để giảm bớt nhân công. Đồng thời, các doanh nghiệp ở TPHCM phải tăng mặt bằng lương để thu hút nhân lực chất lượng cao…", ông Đinh Thế Hiển nói. 

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ, trước đây nguồn cung lao động rất lớn, giờ đây nguồn lao động đang thiếu là cơ hội lớn cho những người ở lại. Trong bối cảnh hiện nay người lao động ngoài việc bảo vệ sức khoẻ cũng nên sắp xếp cuộc sống để tìm cơ hội, thời cơ sớm hoà nhập để có công việc tốt. Về phía Nhà nước, đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho cả người lao động và doanh nghiệp. Như vậy, chỉ còn ở doanh nghiệp phải có cơ chế đãi ngộ về lương và môi trường làm việc sao cho hấp dẫn để thu hút người lao động đến. 

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI