Sản phẩm độc hại trên YouTube: biết bệnh nhưng chưa tìm được thuốc

29/08/2018 - 09:30

PNO - Với cơ chế kiểm duyệt hiện tại, rất khó để các sản phẩm trên YouTube sạch hoàn toàn về nội dung, phù hợp với văn hóa từng địa phương.

YouTube hiện đang là website được phần lớn người dùng tại Việt Nam sử dụng để xem video, mang đến những lợi ích nhất định về mặt giải trí, thông tin, quảng bá… Tuy nhiên gần đây, YouTube lại đang bộc lộ nhược điểm, trở thành nơi phát tán những sản phẩm văn hóa độc hại.

Những ngày qua, Date and kiss - Hẹn hò và hôn trở thành từ khóa được dư luận quan tâm. Game show hẹn hò này được sản xuất chỉ để phát trên YouTube. Tuy nhiên chỉ sau 2 tập Date and kiss đã khiến dư luận dậy sóng với những cảnh hôn, sờ soạng dung tục, phản văn hóa.

San pham doc hai tren YouTube: biet benh nhung chua tim duoc thuoc
Cảnh hai người chơi ôm hôn trong chương trình Date and kiss

Trước đó, game show Dare pong cũng khiến người xem phản ứng với những hành vi như: tái hiện tư thế “yêu” yêu thích, cởi quần áo bạn chơi bằng răng, liếm thức ăn trên người bạn chơi…

Tuy nhiên, để giải quyết được sự tồn tại hay không của chúng trên môi trường YouTube là một bài toán khó, bởi kênh này có những đặc thù về hoạt động, kiểm duyệt.

Date and kiss hay Dare pong sẽ khó qua được vòng kiểm duyệt, nếu sản xuất để phát sóng trên truyền hình tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà sản xuất này sẽ dễ thở hơn khi chọn YouTube làm nơi phát hành, bởi việc xét duyệt nội dung ở kênh này có phần thoải mái hơn. Quá trình đăng tải video của các cá nhân, tổ chức lên YouTube cũng dễ dàng, tự do hơn.

YouTube có quy định, những nội dung đăng tải phải đảm bảo nguyên tắc cộng đồng. Trong đó, cấm các nội dung: hình ảnh khỏa thân, nội dung khiêu dâm, nội dung gây hại nguy hiểm, kích động thù địch, bạo lực hoặc đẫm máu, quấy rối đe doạ, lừa đảo, mạo danh, bản quyền, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, những nội dung này đều có ngoại lệ, tùy thuộc vào sự xem xét của YouTube.

Video clip hai người chơi hôn nhau trong Date and kiss, sờ soạng khiến dư luận phản ứng:

 

Video chứa ảnh khỏa thân hoặc nội dung khiêu dâm có thể được phép nếu mục đích chính là giáo dục, cung cấp tư liệu, phục vụ khoa học hoặc nghệ thuật và không chứa hình ảnh vô cớ. Trong trường hợp video không vượt quá giới hạn nhưng vẫn chứa nội dung khiêu dâm, YouTube có thể áp dụng giới hạn độ tuổi người xem để chỉ những người xem ở độ tuổi nhất định mới xem được nội dung đó.

Những tiêu chuẩn khá cụ thể cho sự ngoại lệ này gồm: phần ngực, mông hoặc bộ phận sinh dục có phải là tâm điểm của video hay không; bối cảnh của video có tính khiêu dâm hay không; đối tượng được mô tả có đang ở tư thế chủ ý khiêu dâm người xem hay không; ngôn ngữ được sử dụng trong video có thô tục, khiêu dâm hay không; hành động của đối tượng trong video có ám chỉ rằng họ sẵn sàng tham gia vào hoạt động tình dục; lượng thời gian hình ảnh xuất hiện trong video; thời gian xuất hiện chỉ là thoáng qua hay kéo dài đặc biệt là trong mối tương quan với tổng thời lượng của video; góc quay và tâm điểm của máy quay; độ rõ tương đối của các hình ảnh trong video...

Dare pong hay Date and kiss đều có gắn nhãn cảnh báo ở đầu video. Nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ diễn ra ở 2 chương trình này so với quy chuẩn hiện hành của YouTube vẫn hợp lệ để tồn tại. Sự phản cảm trong những ngày qua từ Date and kiss hay Dare pong đang được nhìn từ góc độ văn hóa Việt Nam.

Những quy chuẩn về văn hóa lại khác nhau giữa các quốc gia, khó có ranh giới phân định đúng, sai. Thậm chí, với cả khán giả Việt vẫn có những quan điểm mâu thuẫn về các chương trình gây tranh cãi vừa qua. Trong khi đó, YouTube lại có những tiêu chí đánh giá riêng để phân loại sự nhạy cảm của sản phẩm được đăng tải.

San pham doc hai tren YouTube: biet benh nhung chua tim duoc thuoc
Nhãn dán cảnh báo của chương trình Date and kiss

Dare pong, Date and kiss vốn đã tồn tại trên YouTube (với các bản Hàn, Nhật…) trước khi phiên bản Việt được sản xuất. Một số game show khác của nước ngoài cũng chứa cảnh hôn hít, ôm ấp, sờ soạng…  vẫn tồn tại hợp lệ trên YouTube, bởi chúng không vi phạm nguyên tắc cộng đồng của kênh này. Vì thế, sự khác biệt về văn hóa tiếp nhận của người Việt khó thể tác động đến cách kiểm duyệt video của YouTube hiện tại.

Việc gắn nhãn cho những nội dung nhạy cảm này, dù đã được thực hiện, thực chất lại không phát huy tác dụng là mấy bởi YouTube không thể kiểm soát được độ tuổi người xem.

Hiện nay, Google (đơn vị sở hữu YouTube) đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore. Vì thế, việc can thiệp vào quá trình hoạt động, kiểm duyệt nội dung của các đơn vị này là khá khó khăn.

Theo thống kê vào tháng 3/2017, YouTube có 15 kênh đưa lên hơn 8.000 video có nội dung xấu, độc, phản động, được Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu gỡ bỏ. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, Google mới chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 3.776 clip xấu, độc.

Sự tác động của cơ quan chức năng tại Việt Nam với các sản phẩm trên YouTube hiện cũng chỉ dừng ở mức hậu kiểm, cảnh báo sau khi sản phẩm đã được phát tán. Thời gian xử lý khá dài này cũng góp phần tạo thêm đất sống cho những sản phẩm văn hóa độc hại. Trong khi đó, để hiệu quả sàng lọc tốt nhất, phải bắt đầu từ khâu tiền kiểm.

San pham doc hai tren YouTube: biet benh nhung chua tim duoc thuoc
Một cảnh lapdance (nhảy kích dục) trong chương trình Dare pong

Cơ chế kiểm duyệt hiện tại của YouTube chủ yếu cũng là hậu kiểm. Vì thế, những nội dung bị dư luận phản ứng đều có khả năng được phát tán trước khi bị dừng hẳn hoặc tạm ngưng (do quyết định từ YouTube hoặc chủ ý từ bên đăng tải). Điển hình như trường hợp của Date and kiss vừa qua, dù chương trình thông báo tạm dừng phát 2 tập đầu, nhưng một số kênh khác đã kịp lưu trữ và chia sẻ ngược lại trên YouTube. Vì thế, những sản phẩm này sẽ không bị mất đi hoàn toàn.

Một trong những nguyên nhân khiến những sản phẩm văn hóa độc, hại trên môi trường YouTube vẫn có đất sống xuất phát từ khả năng tự vệ yếu kém của người xem. YouTube có chính sách chung cho tất cả video. Nếu người dùng cảm thấy một video có nội dung không phù hợp, họ có quyền gửi cảnh báo (report) cho đội ngũ của YouTube để xử lý. Tuy nhiên, khi gặp phải những sản phẩm văn hóa có vấn đề, không nhiều người thực hiện thao tác này mà chủ yếu để lại những bình luận để bàn tán, chỉ trích hoặc thậm chí tò mò xem cho biết.

Những nguyên nhân để sản phẩm văn hóa độc hại có thể tồn tại trên YouTube đã được nhận thấy rõ. Tuy nhiên, đoán được bệnh, còn thuốc chữa thì chưa thấy.

Date and kiss dừng sản xuất

Mới đây, nhà sản xuất Date and kiss ra thông báo dừng sản xuất chương trình này, vì nhận thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, nhà sản xuất cũng đã rút hết các video trên YouTube.

“Chúng tôi lấy làm tiếc vì những phiền phức đã gây ra cho quý vị khán giả và người tham gia do những khác biệt về văn hóa. Chúng tôi tuyên bố đã ngưng sản xuất và rút hết các video clip đã từng chia sẻ trên kênh Date and kiss và không phát lại trên bất cứ kênh YouTube và kênh social nào khác. Chúng tôi yêu cầu các trang YouTube, Facebook hay cát platform khác ngưng việc re-up (chia sẻ lại - PV) chương trình này, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu vẫn cố ý”, nhà sản xuất chia sẻ trên kênh YouTube.

Ngày 27/8, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, sau khi tiếp nhận phản hồi của dư luận, thanh tra Bộ đã vào cuộc để tìm hiểu, phối hợp với các ban ngành để điều tra chương trình Date and kiss. Sau khi xác minh, nếu nhà sản xuất chương trình này ở Việt Nam, sẽ có thể bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI