Sân khấu - điện ảnh sẽ hụt lớp kế thừa?

20/02/2014 - 20:07

PNO - PN - Theo thông báo của Bộ GD&ĐT về việc tuyển sinh năm 2014, Trường Đại học Sân khấu - điện ảnh (ĐH SK-ĐA) Hà Nội sẽ phải dừng tuyển sinh 15 chuyên ngành đào tạo (ĐT). Những chuyên ngành ĐT chính: Biên kịch SK, Đạo diễn (ĐD) ĐA -...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thông tin này đã khiến những người làm NT, nhất là những người làm công tác ĐT hết sức băn khoăn. Băn khoăn không chỉ về nguy cơ có thể đóng cửa một trường ĐT nghệ thuật (ĐTNT) khi có 15/18 ngành không được tuyển sinh, mà còn về những bất cập trong ĐTNT, dẫn đến nguy cơ SK-ĐA sẽ thiếu hụt lớp kế thừa.

Có một điều được tất cả những người làm nghề thừa nhận như “luật bất thành văn” là thước đo những người thầy trong NT không gì chính xác hơn số lượng tác phẩm, uy tín, kinh nghiệm nghề nghiệp và những cống hiến cho NT của bản thân họ. Được học với giảng viên (GV) giỏi nghề, có nhiều kinh nghiệm, sinh viên (SV) sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức cần thiết hơn là học với GV có học vị nhưng lại không hề có tác phẩm.

San khau - dien anh se hut lop ke thua?

Những nghệ sĩ như NSND Hồng Vân - Quốc Thảo từng được đào tạo bởi những người thầy không có học hàm học vị

NSND Đình Quang thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Không khó và cũng không mất nhiều thời gian để ĐT những người có học vị TS, ThS ở lĩnh vực NT. Nhưng, để có được một GVNT lại không dễ, đòi hỏi cả một quá trình tích lũy lâu dài cả về vốn sống lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp. Có lẽ có một sự nhầm lẫn trong quản lý giữa các ngành ĐT thuộc tư duy hình tượng và tư duy khái niệm. NT là hình tượng, là tư duy sáng tạo, trong khi đó để có học vị, học hàm (TS,ThS, GS, PGS…) thì cần phải làm luận án. Đó là tri thức, là khái niệm chứ không phải là hình tượng”. Đồng quan điểm với NSND Đình Quang, NSƯT Công Ninh cho biết thêm: “Về nguyên tắc thì đây là một quyết định đúng, nhưng thực tế lại chưa phù hợp với các trường ĐTNT. Những người có học vị sẽ là những người thầy giỏi trong giảng dạy những môn thuộc về lý thuyết, lý luận…, nhưng để dạy “nghề” thì họ lại không có kinh nghiệm thực hành. Những người giỏi thực hành, có thể cho SV những bài học thực tế sinh động trong sáng tạo NT lại rất khó có bằng cấp, học vị, vì họ quá bận rộn với việc làm nghề, chẳng còn thời gian đi học. Quy định và thực tiễn e rằng quá mâu thuẫn”.

Thực tế ĐT tại Việt Nam cũng chứng minh ở cả SK lẫn ĐA là rất nhiều GV không hề có học vị TS, ThS như nhà biên kịch Bành Bảo, Bành Châu, Trần Trung Nhàn, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Đoàn Bá… nhưng vẫn ĐT nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, ĐD… cho SK-ĐA nước nhà và không ít học trò của họ đã là NSND, NSƯT… Ở lĩnh vực NT dân tộc, chỉ tiêu về số lượng TS,ThS trong đội ngũ GV lại càng khó thực hiện. Nếu áp dụng đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT, SK dân tộc vốn đã khó sẽ càng khó hơn. “Không thể so sánh một nghệ sĩ hàng chục năm gắn bó với SK và một TS, ThS chỉ biết học rồi làm nghiên cứu để có học hàm, học vị”- đó là quan điểm chung của hầu hết những người làm SK, đặc biệt là SK dân tộc.

“Việt Nam hiện nay chưa có chuyên ngành TS ĐD SK, TS ĐD ĐA… mà chỉ mới có TS NT học ngành SK (ĐA)”, Hiệu trưởng trường ĐH SK - ĐA HN - PGS-TS Trần Thanh Hiệp nói. Ông chia sẻ thêm: “Chúng tôi ủng hộ quan điểm nâng cao chất lượng ĐT của Bộ GD&ĐT, nhưng áp dụng các tiêu chí một cách máy móc khi chưa thật sự hiểu những đặc thù trong ĐTNT là không ổn. ĐTNT không coi thường lý luận, nhưng khi đi sâu vào chuyên môn, sáng tạo NT lại không thể chỉ có lý luận”. Cả NSND Đình Quang và PGS-TS Trần Thanh Hiệp đều khẳng định hiện nay ở các nước, rất nhiều GV nổi tiếng của lĩnh vực NT không hề có bằng TS, ThS… Phần lớn họ là những tên tuổi được công chúng biết đến qua những tác phẩm hoặc tài năng

Trong xu thế phát triển hiện nay, chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ GV của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn hợp lý nhưng cần có lộ trình trong việc thực hiện, nhất là với đặc thù của việc ĐTNT.

Trước thực tế này, đầu tháng Hai vừa qua, Trường ĐH SK-ĐA HN đã có công văn đề nghị lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Bộ GD&ĐT xem xét lại. Ngày 11/2 Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét cơ chế đặc thù trong ĐTNT. Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng, những người làm NT khó tránh khỏi tâm lý băn khoăn, lo lắng và hàng trăm thí sinh cũng rất hoang mang do đang đứng trước nguy cơ mất cơ hội có thể trở thành SV Trường ĐH SK- ĐA HN.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI