Sách giáo khoa sẽ làm nóng nghị trường Quốc hội?

21/10/2020 - 13:47

PNO - Ngày 20/10, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc kỳ họp lần thứ 10, nhiều báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách, tài chính của năm sau và 5 năm tới đã được trình Quốc hội trong ngày làm việc đầu tiên.

Trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, sáng 20/10 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, sáng 20/10 - Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kiểm soát dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Trước thực tế này, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép (phòng, chống dịch và phát triển kinh tế), tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng phù hợp, phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau... Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD, tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Báo cáo tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Trong đó, sách giáo khoa là một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Bên cạnh ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, nhiều ý kiến bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước.

Đặc biệt, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, thiếu hướng dẫn và thông tin rõ ràng về việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường. “Việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp Một - bộ Cánh diều - gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, nhưng cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường” - ông Trần Thanh Mẫn nói.

Sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều gây nhiều phản ứng trong dư luận
Sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều gây nhiều phản ứng trong dư luận

Liên quan tới vấn đề này, bên lề kỳ họp, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) cho biết, những ngày gần đây, bà nhận được rất nhiều ý kiến cử tri. Bà đã cố gắng tìm mua các bộ sách với mong muốn tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, cặn kẽ nhưng không được. “Tôi rất tiếc, hầu hết các nhà sách tư nhân ở địa phương tôi đang sống không có đủ. Điều này làm tôi băn khoăn. Sách giáo khoa chính là tri thức cơ bản của con người, thế mà tìm mua lại vô cùng khó khăn” - bà nói. 

Về các ý kiến tranh cãi xoay quanh ngành giáo dục và sách giáo khoa, bà Hiền cho rằng, có nhiều ý kiến chưa chuẩn xác về thông tin, mang tính suy diễn và xúc phạm cá nhân: “Theo tôi, khi chúng ta lên tiếng phản biện bằng tinh thần xây dựng, cần dựa vào sự thật, có cơ sở, nói đúng, nói thẳng. Đặc biệt, đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ và giáo dục trẻ em, cần phải đề cao tính khách quan, trung thực về thông tin”. Bà Hiền hy vọng, kỳ họp Quốc hội này sẽ dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, đánh giá một cách nghiêm túc về nội dung này. 

Minh Quang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI