Rưng rưng giờ học ngoài giáo án

16/03/2016 - 19:03

PNO - Có những giờ học không phải để lấy điểm, để thi, mà học để hiểu, tự hào và biết cách sống sao cho ý nghĩa.

Tại một số ít trường THPT, thầy và trò đã cùng nhau tạo nên những tiết dạy - học ngoài giáo án sinh động. Đã có những giọt nước mắt xúc động, tự hào về sự hy sinh anh dũng, bi tráng của những người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

1.Hình ảnh 64 chiến sĩ ngã xuống cùng hai tàu HQ 604, HQ 605 vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển của Tổ quốc trong trận hải chiến Gạc Ma 1988 khiến hàng trăm học sinh (HS) Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) khóc òa. Đây cũng là hình ảnh rất “đắt” trong lễ chào cờ đầu tuần vào ngày 14/3 của hơn 500 HS Trường THPT Nhân Việt. Khác với mọi khi, lễ chào cờ lần này không bàn đến thi đua, khen ngợi hay nhắc nhở chuyện học hành thi cử…chỉ đọng lại trong tâm trí thế hệ trẻ là hình ảnh bi hùng về một sự kiện lịch sử của dân tộc mà sách giáo khoa lịch sử vẫn còn “nợ”.

Giai điệu bi tráng ở cuối bài Chiến sĩ Gạc Ma cùng hình ảnh vòng tròn bất tử bảo vệ lá cờ Tổ quốc đã đưa những người có mặt tại buổi chào cờ đầu tuần trở lại khung cảnh ngày 14/3 cách đây 28 năm. Giọng người thuyết trình rưng rưng: “Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma để hạ cờ Việt Nam, dùng vũ lực uy hiếp nhằm làm quân ta phải rút khỏi đảo”.

Cùng lúc, nhóm HS lớp 10 hóa thân thành những chiến sĩ hải quân Việt Nam kiên cường. Một nam sinh trong vai thiếu úy Trần Văn Phương hô lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân anh hùng”. Thiếu úy Trần Văn Phương cùng đồng đội đã anh dũng lập đội hình thành “vòng tròn bất tử” quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc. Và họ ngã xuống trước họng súng của kẻ thù. Cả sân trường nín lặng, liền sau đó là những tiếng nấc nghẹn.

Rung rung gio hoc ngoai giao an
Học sinh trường Nhân Việt trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma 1988

Buổi lễ chỉ vỏn vẹn 30 phút nhưng trở thành một khoảng lặng trang nghiêm đọng lại trong tâm trí những người có mặt. Tất cả thầy trò mang trên mình bộ đồng phục hải quân. Các em được nghe thầy hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu kể cặn kẽ câu chuyện oanh liệt trên đảo Gạc Ma. Thầy gửi gắm: “Ngày hôm nay không chỉ giúp các em biết thêm về lịch sử, về biển đảo thiêng liêng mà còn nhắc thầy trò chúng ta không được quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân để bảo vệ đảo, bảo vệ Tổ quốc trước quân xâm lược; nhắc các em không ngừng nỗ lực học tập để xứng đáng với sự hy sinh đó và nối tiếp truyền thống bảo vệ biển, đảo của chúng ta”.

Đặc biệt, sự kiện này do chính các HS lớp 10 - Gạc Ma lên ý tưởng và dàn dựng.

Ngay từ đầu năm học, 14 lớp học ở Trường THPT Nhân Việt đã được đặt tên gắn liền với tên 14 hòn đảo thiêng liêng ở quần đảo Trường Sa như Gạc Ma, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn... Những tên gọi gợi lên tình yêu, sự gần gũi của HS đối với mảnh đất xa xôi của đất nước. Đây cũng là cách giúp các em có cơ hội tìm hiểu và bổ sung kiến thức về địa lý, lịch sử.

2. Ngày 17/2/2016, hơn 2.000 HS với 27 quốc tịch khác nhau của hệ thống Trường quốc tế Canada (Q.7, TP.HCM) đã có một buổi lễ rất xúc động. Hôm ấy, thầy và trò của trường đã đồng lòng tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Quốc tịch và màu da không còn quan trọng. Vào đầu giờ học, sau lời tóm tắt về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của phía Trung Quốc vào ngày 17/2/1979 (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) do các em HS đọc trên hệ thống phát thanh của trường, toàn thể HS cùng các thầy cô giáo của trường đã có một phút mặc niệm tại chỗ để tưởng niệm những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh.

Trong tiếng nhạc trầm buồn của bài Hồn tử sĩ, nhiều người đã bật khóc khi thấy những người Canada cùng đứng lên nghiêm trang mặc niệm, cúi đầu. Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường nói: “HS ngày nay có thể nắm rất kỹ, nhớ rất rõ ngày lễ Valentine và vô vàn những ngày lễ du nhập từ nước ngoài, nhưng khi hỏi 17/2 là ngày gì thì tuyệt đại đa số không biết. Tôi thật sự biết ơn sáng kiến của các thầy cô giáo dạy lịch sử và sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ lãnh đạo người Canada trong việc tổ chức một phút tưởng niệm vô cùng ý nghĩa này. Hôm nay, không chỉ có HS Việt Nam mà các em HS của 26 quốc gia khác đang học tại đây cũng đã biết và nhớ rằng ngày 17/2/1979 là ngày gì trong lịch sử dân tộc Việt”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI