Ra mắt sách “Đại tự điển Hán - Việt” của soạn giả Trần Văn Chánh

01/08/2022 - 15:30

PNO - “Đại tự điển Hán Việt - Hán ngữ cổ và hiện đại” của soạn giả Trần Văn Chánh được đánh giá là công trình nghiên cứu công phu, có nội dung cập nhật, phong phú.

Soạn giả Trần Văn Chánh là tên tuổi quen thuộc đối với những độc giả quan tâm đến các ấn phẩm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu chữ Hán, đặc biệt đối với Hán cổ (hay chữ Nho). Nhiều cuốn được lưu hành rộng rãi từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Mới đây, soạn giả Trần Văn Chánh giới thiệu cuốn Đại tự điển Hán Việt - Hán ngữ cổ và hiện đại. Tác phẩm được biên soạn “nhắm vào” đối tượng học sinh cấp trung, đại học cho đến những người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật và người tự học.

Đại tự điển Hán Việt - Hán ngữ cổ và hiện đại gồm 2.000 trang, với tổng 12.000 đơn vị tự, gần như nhiều nhất so với các từ điển Hán - Việt ở Việt Nam đã có từ trước tới nay.

Cuốn
Cuốn Đại tự điển Hán Việt - Hán ngữ cổ và hiện đại là công trình tâm huyết của soạn giả Trần Văn Chánh

Trong từ điển, một số chữ Hán đặc biệt được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí có từ lên đến 30 nghĩa, từ nghĩa rất cổ cho đến những nghĩa chung, nghĩa cận hiện đại, nghĩa mới (xuất hiện trong khoảng 5 - 10 năm gần đây).

Ngoài ra, nhiều từ mới, phương ngôn, khẩu ngữ, ẩn ngữ/hàng thoại (tiếng lóng) cũng được điểm khá đầy đủ. Mỗi mục chữ Hán đều cho nhiều thí dụ là những từ ghép, thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ (cụm từ quen dùng) hoặc câu văn, có kèm phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa.

Theo đánh giá của GS.TS Huỳnh Như Phương, Đại tự điển Hán - Việt do nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh biên soạn là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có nội dung cập nhật, phong phú và được thực hiện đúng quy cách khoa học của một cuốn tự điển. Với độ dày gần 2.000 trang (khổ 21 x 29 cm), đây có thể xem là bộ tự điển Hán - Việt có quy mô lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay.

“Lịch sử giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Hoa cho thấy ảnh hưởng quan trọng của chữ Hán đối với tiếng Việt. Bộ tự điển này không chỉ giúp học tập chữ Hán mà còn giúp trau dồi tiếng Việt. Đây là một cuốn sách công cụ cần thiết cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và giảng viên cũng như cho những độc giả có quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ. Chúng tôi cho rằng Đại tự điển Hán - Việt của tác giả Trần Văn Chánh là một công trình có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đã đáp ứng tốt những yêu cầu về nội dung và hình thức của một cuốn tự điển trong giai đoạn hiện nay”, GS.TS Huỳnh Như Phương nói.

Với Đại tự điển Hán Việt - Hán ngữ cổ và hiện đại, soạn giả Trần Văn Chánh đã nỗ lực giải quyết bước đầu một số vấn đề mà các nhà biên soạn từ điển tiền bối chưa kịp quan tâm một cách đầy đủ.

Trước nhất là việc xác định lại các âm đọc Hán Việt của chữ Hán, chỉnh sửa một số âm đọc sai do sự suy đoán tùy tiện của những người đi trước, bằng cách lấy phương pháp chú âm phiên thiết làm căn bản rồi vận dụng thích hợp vào thực tế đa tạp của ngôn ngữ Hán Việt, trên cơ sở vẫn tôn trọng giữ lại những âm đọc truyền thống cố định từ xa xưa đã được toàn thể học giới và xã hội công nhận (như: nhất, nhị, tam, thiên, địa, phụ, mẫu, tử, tôn…).

Việc thứ hai liên quan một số thuật ngữ khoa học, đặc biệt về tên gọi các loài động - thực vật (chim, cá, cỏ cây…), cần được nhận thức một cách chính xác. Để làm được điều này, soạn giả đã phải tra cứu đối chiếu với các tài liệu chuyên ngành, để ở mỗi thuật ngữ đều có chú giải thêm từ tiếng Anh, hoặc cả tên khoa học cho các giống loài động - thực vật.

Cuối sách có 4 phụ lục: Thuyết minh âm đọc Hán Việt trên cơ sở phiên thiết; Bảng tra tên tiếng Anh và tên khoa học các giống loài động - thực vật; Tiểu từ điển bằng hình gồm 570 hình vẽ minh họa cho những từ ngữ đã có trong phần chính văn và Bảng tra 360 tục tự thường dùng.  

Hạo Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI