“Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”: Nỗi buồn trong suốt

20/01/2022 - 06:34

PNO - “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” (Nhà xuất bản Trẻ) là truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà văn của tuổi thơ ghìm mình vào buồn đau riêng, để chọn cho trang viết một khu vườn bừng nắng, và một thế giới loài vật giàu yêu thương. Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng được anh viết trong những ngày giãn cách của thành phố. 

Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng (Nhà xuất bản Trẻ) là truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vừa chính thức được phát hành vào ngày 16/1. Việc nhà văn của tuổi thơ ra mắt tác phẩm mới không phải là điều quá bất ngờ. Nhiều năm qua, mỗi năm anh đều gửi đến bạn đọc một câu chuyện mới. Nhưng với Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, điều đặc biệt là câu chuyện được viết trong đại dịch, khi mà chính nhà văn cũng không tránh khỏi tâm trạng trầm uất, bất an, đau đớn trước mất mát quá lớn của đời người, của chính mình. Nhưng ông đã không chọn viết về nỗi buồn, dù “đã bị sốc một thời gian dài và không thể bình tĩnh làm bất cứ chuyện gì”. Thay vào đó, ông ngồi vào bàn viết, chữa lành vết thương trong tâm hồn mình bằng một câu chuyện cho tuổi thơ thanh khiết, rực rỡ sắc màu, và lộng lẫy vẻ đẹp của yêu thương.

“Đó là cách chúng ta vượt qua khó khăn, là cách chúng ta chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống luôn tiến về phía trước. Chúng ta đâu thể ngưng sống, ngưng làm việc để chờ dịch bệnh qua đi. Khi cặm cụi trên những trang văn, tôi chỉ nghĩ giản dị như vậy. Tôi chọn viết về các con vật để tìm thấy sự bình yên. Thế giới hồn nhiên, rộn ràng, tươi vui của các con vật ngộ nghĩnh giúp tâm hồn tôi lấy lại thăng bằng. Đối với tôi, đó giống như một liệu pháp tinh thần” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ. 

Bối cảnh của truyện là một khu vườn trại gần đồng cỏ lau, với các nhân vật: với những chú gà mang tên Mắt Tròn, Cánh Cam, Ướt Mưa, Sợi Tơ Vàng, bác chó Tai Dài, em cún Su Su, mẹ con nhà vịt Bông Súng và Gì Cũng Biết, mẹ con nhà cáo Mõm Nhọn và Tia Chớp, hai anh em chuột Xám anh, Xám em… Trong khu vườn đầy cỏ hoa và nắng ấm, có lớp học của loài vật, có cô bồ câu thông thái chuyên gia tư vấn tâm lý, có chú ngựa Ô - bậc trưởng thượng uyên bác của vườn - và cả nhạc sĩ dế Ánh Sao chuyên khảy những khúc nhạc buồn đêm đêm… Nhà văn đã đắm mình vào thế giới trong vắt ấy, tựa vào thiên nhiên, cỏ cây, muôn loài để đi qua những ngày khó khăn nhất của đại dịch.

Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng vì thế không chỉ là một câu chuyện cho tuổi thơ, đó còn là một tác phẩm cứu rỗi, đủ sức xoa dịu nỗi buồn và chữa lành cho những ai đọc sách. Thiên nhiên, đất trời, vạn vật vẫn bừng sức sống, hoa kèn hồng vẫn nở bên bờ suối, trong vườn lộc vừng vẫn nở hoa.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói ông không phải là người giỏi viết về đề tài thời sự, nhưng trong tác phẩm về loài vật này, phảng phất những hình ảnh nhắc nhớ thời dịch bệnh. Là lúc bé gà Sợi Tơ Vàng bị cách ly vì mắc phải căn bệnh lạ. Là khi dịch cúm tràn qua khu vườn và gà vịt đều cùng chung những triệu chứng, chỉ nằm chờ chết. May mắn có bác sĩ Vinh Quang Tháng Ba - cô bói cá - đã tìm thấy loại thảo dược đặc trị cứu cả khu vườn trại. Tâm trạng khi sống chung với dịch bệnh được nhà văn so sánh như khi “sống chung với kẻ xấu, lòng dạ lúc nào cũng nơm nớp không yên, tâm trạng sẽ ngày càng tệ đi”. Và nỗi buồn chia ly được gói trong câu viết về ý nghĩa sự sống: “Người sống lâu nhất, có lẽ là người tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống được nhiều nhất chứ không hẳn là người nằm xuống sau những người khác”, “Những người tốt dường như ít có khả năng sống lâu hơn những người khác, họ thường chọn xông pha vào nơi hiểm nguy để bảo vệ mọi người…”.

Có nhiều cách để một người cầm bút gửi gắm tâm cảm vào trang viết, nhưng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông chữa lành cho mình và cho mọi người bằng một nỗi buồn trong suốt, với những con chữ lấp lánh vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng còn là một bài học trưởng thành và nhận diện những giá trị cuộc sống dành cho thanh thiếu niên, thông qua nhân vật chú gà Mắt Tròn. Câu chuyện giàu tình yêu thương, thấm đẫm giá trị nhân văn và tính hướng thiện qua “bí mật” của chú chó Tai Dài và mẹ cáo Tia Chớp. Sự dịu ngọt mà những trang chữ mang lại đẹp trong từng chi tiết, dù hài hước hay cảm động.

Thế giới tuổi thơ trong trang viết Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng rực rỡ sắc màu. Ông nói mình “bị ám ảnh bởi ký ức tuổi thơ” và miền quê nơi ông đã rời đi từ khi còn rất nhỏ. Miền quê ấy trở thành vùng đất trong tâm tưởng của nhà văn, và mãi là một vùng thiên nhiên ban sơ, trong lành, đẹp đẽ. Đắm mình trong thế giới lộng lẫy ấy, ông đã kể những câu chuyện tràn đầy sức sống, trong veo như giọt sương mai, đẹp như màu hoa kèn bên bờ suối. Nơi đó có những loài hoa dân dã của miền quê: xuyến chi, muồng vàng, ích mẫu…

Nơi đó có những ngày nắng ấm và những ngày lá rụng đầy sân, có cây cối đồng cỏ, có suối có rừng. Nắng mưa và năm tháng cứ trôi qua, muôn loài lớn lên và gặp biết bao chuyện buồn vui, nhưng thế giới ấy vẫn tinh khiết, trong ngần, sáng bừng vẻ đẹp của sự sống và tình yêu thương.

“Thế giới tuổi thơ trong trẻo, thánh thiện nhất. Độc giả và cả tác giả có thể xem đó như là một tấm gương soi chiếu để thanh lọc tâm hồn mình, điều chỉnh cách sống của mình. Khi tôi viết cho trẻ nhỏ, trong lòng tôi cảm thấy rất bình an” - nhà văn của tuổi thơ tâm tình. Đó cũng là cách mà ông gọi là “khêu một ngọn đèn” thắp sáng tâm hồn của mỗi người, vun đắp nhân cách và làm đầy trái tim con người tình yêu thương, lòng trắc ẩn.

Ngôn ngữ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh hiếm khi làm khó người đọc, câu chuyện dễ tiếp cận, thông điệp truyền tải dễ hiểu. Nhưng sức nặng ở tính tư tưởng và trái tim của một nhà văn lớn luôn yêu thương con người và tác phẩm của ông mãi là mạch ngầm nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách đạo đức cho nhiều thế hệ. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI