“Tự họa” tạo ra bản chất của nghệ thuật

18/01/2022 - 06:54

PNO - Nhân dịp ra mắt quyển sách nghệ thuật và triển lãm "Vẽ gì cũng là tự họa" của họa sĩ Trịnh Lữ tại Hà Nội, Omega+ cùng The Muse Art, The Book Lag đã phối hợp tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề này.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng “vẽ gì cũng là tự họa” chỉ là một quan điểm làm nghệ thuật của ông. Nhưng nhìn rộng ra, cái sự “tự họa” ấy, cái sự “là mình”, không phải “là ai khác” khi sáng tác ấy, trở thành một trong những cách tiệm cận nhất bản chất của nghệ thuật nói chung, không riêng gì mỹ thuật.

Vẽ là đi tìm mình?

Từ trước tới nay, các họa sĩ thường nói vẽ là đi tìm chính mình, và nhiều người nghĩ làm nghệ thuật là cả một quá trình tìm lại bản ngã. Theo ông, điều đó “không đúng lắm”. Bởi lẽ, ai sinh ra, làm gì, đặc biệt những người làm nghệ thuật - ở đây là trong sự vẽ, sự viết - đã bộc lộ hết tâm tình của con người đó rồi. Chẳng phải đi tìm ở đâu cả. “Nếu đi tìm, nghĩa là, anh chưa biết mình là ai và muốn trở thành một cái gì đó, khác với con người của mình. Tiếc là, hiện nay, điều đó lại thành một hiện tượng khá phổ biến”, ông chia sẻ. 

Người Trung Hoa hay nói, "lời nói cũng là âm thanh của tâm". Những nét vẽ, chữ viết là từ tâm mà ra, không thể tránh khỏi người ta nhìn con người mình qua nét vẽ, chữ viết, dù là kẻ phàm phu hay bậc trí giả. Không ai không có cái ngã của mình.

Vẽ gì cũng là tự họa, trở thành một quan điểm bao trùm những tính cách khác nhau, và cho tất cả những lĩnh vực nghệ thuật khác, không chỉ riêng mỹ thuật.

Cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa không chỉ là “những câu chuyện riêng” của họa sĩ Trịnh Lữ, mà trong tổng thể, cuốn sách gợi ý về một cách tiếp cận nghệ thuật giản dị và rất gần con người  ẢNH: OMEGA+
Cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa không chỉ là “những câu chuyện riêng” của họa sĩ Trịnh Lữ, mà trong tổng thể, cuốn sách gợi ý về một cách tiếp cận nghệ thuật giản dị và rất gần con người ẢNH: OMEGA+

Nghệ thuật phải có nghệ thuật

Con người bộc lộ cái ngã qua công việc. Nhưng nếu trong một môi trường mà con người không phát huy hết cái tôi của mình thì sao?

Được sinh ra trong cái nôi văn hóa cứu quốc, có thời gian sống với những văn nghệ sĩ, bậc ông, cha, cô chú, đàn anh, có điều kiện tiếp xúc với không khí đầy đủ của văn thơ, nhạc, họa, điện ảnh, sân khấu… thời đó; sau này, lại có một thời gian tham gia công tác của Hội, nên họa sĩ Thành Chương nhìn câu chuyện trong sự vận động, tiệm tiến.

Khi đất nước chưa mở cửa, các hiệp hội, hội được lập ra, được Nhà nước cấp kinh phí để hoạt động. Các sáng tác mục đích chính là phục vụ các nội dung chính trị, thuộc đề tài chiến tranh, cách mạng, xây dựng đất nước. “Vì điều kiện lúc đó, tính tập thể được đề cao.

Không khí lúc đó không chấp nhận con người cá nhân, tính cá nhân. Các nghệ sĩ không có điều kiện được là mình. Thậm chí, phải vẽ, viết nhạc, viết văn, làm thơ… theo đường lối, nội dung có sẵn, sáng tác những tác phẩm có khi chẳng phải là tâm tư, tình cảm của chính mình”, họa sĩ Thành Chương nhớ lại. Ông đánh giá, một trong những đóng góp lớn nhất của công cuộc đổi mới, là trả lại chức năng chuẩn nhất cho nghệ thuật: nghệ sĩ được là chính mình.

“Nhiều nghệ sĩ có tài năng, nhưng mất nửa đời, thậm chí gần hết đời mới ngộ ra, họ đã sống một đời sống không phải là mình, sáng tác những tác phẩm không dành cho mình. Trong khi đó, phải là mình mới là giá trị chân chính nhất của nghệ thuật”. Theo họa sĩ, mục đích cuối cùng của nghệ thuật vẫn là phục vụ con người. Nghệ sĩ phải là chính họ, thì mới phục vụ được đất nước, xã hội, nhân dân; nếu không, sẽ trở thành một sự giả dối…

Ông Thành Chương nói rõ hơn: Nghệ thuật chỉ có thể phục vụ được đất nước, xã hội, nhân dân khi nghệ thuật ấy có nghệ thuật. Nếu không, sách viết ra không ai đọc, phim làm ra không ai xem, viết nhạc ra không ai nghe, tranh vẽ ra không ai thưởng thức… Vậy tiêu chí tiên quyết, để nghệ thuật phục vụ con người, nghệ thuật ấy phải có nghệ thuật. Khi có nghệ thuật, nghệ sĩ sáng tạo ra cái gì, họ cũng là chính mình.

“Có một thời gian dài, vì điều kiện lịch sử, nghệ thuật cứ phải viết chiến tranh, cách mạng mới được xem là phục vụ và có ích cho đất nước. Thực ra, nếu tác phẩm có nghệ thuật, tác phẩm Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng trở thành bảo vật quốc gia, cũng được xem là đóng góp cho đất nước…”, họa sĩ Thành Chương gợi dẫn. 

Từ trái qua:  Họa sĩ Thành Chương và Trịnh Lữ ẢNH: OMEGA+
Từ trái qua: Họa sĩ Thành Chương và Trịnh Lữ ẢNH: OMEGA+

Cái ngã riêng trong cái ngã chung

Vậy bản ngã có làm nên tác giả, tác phẩm đích thực không? Họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng, mỗi người có một quan niệm về cái ngã khác nhau. Với riêng ông, khi vẽ bất cứ cái gì, đặc biệt phong cảnh hay tĩnh vật, ông vẽ và muốn ghi lại cảm xúc của ông khi đứng trước cái quang cảnh đang - là nó, ông có thể thở, có thể sống với nó. Khi ấy, cái ngã của mình có thể hội nhập được cái ngã lớn của tự nhiên. Thực ra, cái ngã cá nhân rất bé so với một cái ngã lớn hơn”.

Trịnh Lữ kể, hồi cha ông (họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) còn sống, ông hay nói, đi ra vẽ bên ngoài để quên những thứ nhỏ nhặt của mình đi. Đi ra để thu năng lượng của trời đất mênh mông vào một bàn tay… Cha ông nói, hội họa có một cái phúc lớn nhất là nó làm nghệ sĩ hòa nhập được với thiên nhiên. Lúc đó, cái ngã cá nhân của mình nối được với cái ngã rộng lớn ngoài kia.

Vì lẽ đó, khi quen thuộc cảnh nào, Trịnh Lữ sẽ vẽ nó qua bốn mùa. Ông kể, dưới sân có cây táo dại, ông ở lâu, nó tự nhiên thành một người bạn của mình. Tôi đặt nét vẽ đầu tiên với suy nghĩ như thế nên với bất cứ cái gì vẽ ra, dù chỉ một vài nét, ông cũng thấy rất quý.  Ông nói: “Tôi đã để hết tâm tưởng, tình cảm vào bức tranh. Tôi không bao giờ muốn chia tay nó”.

Cốc Vũ

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI