Quy trình cấp cứu lỏng lẻo khiến bé gái 3 tuổi tử vong ở Bệnh viện Nhi đồng 2?

16/08/2019 - 09:27

PNO - 1 giờ 45 phút ngày 3/7/2019, bé N.H.T.T. nhập viện cấp cứu với chẩn đoán ban đầu là rối loạn tiêu hóa. Sau 4 giờ nằm viện, bé T. tử vong với chẩn đoán nghi do viêm cơ tim tối cấp.

Vẫn không thể tìm ra nguyên nhân khiến bé tử vong

Sáng 16/8, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết vừa gặp gỡ thân nhân bé N.H.T.T. (3 tuổi, ở quận Bình Thạnh) để thông báo kết quả họp hội đồng chuyên môn lần thứ 2 (diễn ra vào ngày 8/8/2019). 

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 và gia đình bé T. đã gặp nhau vào chiều 16/7/2019 nhưng thân nhân không chấp nhận kết quả của Hội đồng chuyên môn bệnh viện. Gia đình bé gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế TP.HCM vào ngày 19/7. 

Quy trinh cap cuu long leo khien be gai 3 tuoi tu vong o Benh vien Nhi dong 2?

Sở Y tế TP.HCM cho rằng đây là vụ tranh chấp dân sự trong khám chữa bệnh nên yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 2 tổ chức lại Hội đồng chuyên môn và thông báo cho gia đình.

Tuy nhiên, kết quả họp hội đồng chuyên môn lần 2 của Bệnh viện Nhi đồng 2, một lần nữa vẫn không thể kết luận được vì sao bé N.H.T.T. chết tại phòng cấp cứu. Lý do bệnh viện đưa ra do “bệnh nhi tử vong nhanh, bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm chưa đầy đủ”.

Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng nhiều khả năng nhất là bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp do nhiễm trùng.

Ngoài ra, bé T. tử vong cũng có thể do nguyên nhân sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa với các dấu hiệu như đau bụng, ói, bạch cầu tăng cao, siêu âm bụng phát hiện có quai ruột nhiều dịch.

Tuy nhiên gia đình bệnh nhi không đồng ý với kết luận này của Bệnh viện Nhi đồng 2 vì những dấu hiệu trước khi tử vong của bé T. không phải là dấu hiệu của bệnh viêm cơ tim tối cấp. 

Quy trinh cap cuu long leo khien be gai 3 tuoi tu vong o Benh vien Nhi dong 2?
Người dân đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Lang, 62 tuổi – ông ngoại bé T. cho biết cháu gái của ông chỉ có triệu chứng bất thường vào lúc 1 giờ sáng 3/7/2019. Khi đang ngủ, bé bỗng thức giấc ôm bụng kêu đau và ói ra thức ăn, sữa. Bé T. đi đại tiện nhưng không được. Nếu là viêm cơ tim tối cấp, cũng không thể diễn tiến dẫn đến tử vong nhanh chỉ sau 4 giờ đồng hồ.

Gia đình bé T. nghi ngờ nguyên nhân tử vong có thể do tác dụng phụ của thuốc Motilium và sốc phản vệ do dùng thuốc Cefixim. Tuy nhiên, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định không có cơ sở để nghĩ đến nguyên nhân này.

Cháu bé không được giải phẫu tử thi để tìm nguyên nhân tử vong.  

Tử vong sau khi lòng vòng qua 3 khoa điều trị lúc nửa đêm

Gia đình bé T. và Bệnh viện Nhi đồng 2 không tìm ra được nguyên nhân trực tiếp khiến em tử vong. Nhưng cái chết của bé cho thấy quy trình cấp cứu lỏng lẻo ở Bệnh viện Nhi đồng 2.

1 giờ 45 phút ngày 3/7/2019, bé N.H.T.T. được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì đau bụng quằn quại và nôn ói. Cháu bé đến bệnh viện chỉ sau khoảng 30 phút di chuyển.

Bác sĩ N.T.B. (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2) khám, nhận định tổng trạng sức khỏe trong giới hạn bình thường. Nhưng thấy bé T. quấy khóc do đau bụng nhiều nên cho đi siêu âm bụng với chẩn đoán theo dõi viêm ruột thừa.

Hơn 2 giờ sáng, sau khi xem kết quả siêu âm bụng do người nhà mang về, ghi nhận các bộ phận gan, mật, lách, tụy, thận, niệu quản, bàng quang... bình thường, chỉ có các quai ruột nhiều dịch. Dựa vào đây, bác sĩ N.T.B. đề nghị đưa bé sang phòng khám Ngoại vì tình trạng bệnh nhi chưa có chỉ định nhập khoa Cấp cứu.

Quy trinh cap cuu long leo khien be gai 3 tuoi tu vong o Benh vien Nhi dong 2?
Ông Nguyễn Văn Lang - ông ngoại của bé T.

Để được khám bệnh ở khoa Ngoại, do không phải trường hợp cấp cứu và không đúng tuyến bảo hiểm y tế nên nhân viên bệnh viện yêu cầu gia đình bé phải lấy số thứ tự.

Gia đình bệnh nhi bức xúc vì thủ tục khám chữa bệnh rườm rà nên các bác sĩ không có thêm thời gian theo dõi; thậm chí có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của bé.

Ở phòng khám khoa Ngoại, bác sĩ N.T.T.T. khám và chẩn đoán bé T. rối loạn tiêu hóa, cần làm xét nghiệm máu.

Đến 2 giờ 30 phút cùng ngày, người nhà cầm kết quả xét nghiệm máu về cho bác sĩ T. xem. Bạch cầu trong máu bệnh nhi lúc này tăng cao nên bác sĩ N.T.T.T. đề nghị nhập viện vào khoa Điều trị ban ngày.

Số lượng bạch cầu White Blood Cell (WBC) trong máu của bé T. lúc này được ghi nhận là 24.34 K/uL, cao gấp 2,4 lần so với giá trị bình thường (từ 4.0 – 10.0). Nhưng theo một bác sĩ nhi khoa, với kết quả này, lẽ ra bác sĩ phải thực hiện thêm ngay lập tức các cận lâm sàng khác để chẩn đoán bệnh chính xác; phải theo dõi tích cực.

Tuy vậy, bé T. vẫn không đủ “chuẩn” để vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2.

Quy trinh cap cuu long leo khien be gai 3 tuoi tu vong o Benh vien Nhi dong 2?
Kết quả xét nghiệm máu của bé T.

Vào lúc 2 giờ 55 phút, bé T. được đưa vào khoa Điều trị ban ngày. Lúc này, bác sĩ K.B.L. khám, ghi vào bệnh án: “Bé tỉnh, môi hồng, chi ấm, mạch rõ”. Chẩn đoán viêm họng, rối loạn tiêu hóa nên bác sĩ L. kê 3 loại thuốc cho bệnh nhi uống là Bicebid 100mg, Hoastex 90ml, Motilium.

Nhưng ông Nguyễn Văn Lang khẳng định với phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM, thời điểm bác sĩ K.B.L. khám cho bé T., bé đã có nhiều biểu hiện không bình thường. Lúc này, bé T. vẫn đau bụng quằn quại.

Khi bác sĩ L. khám, bé ói ra một ít chất nhầy có lẫn máu bầm. Gia đình dùng khăn giấy lau và đưa chất nhầy có lẫn máu để báo bác sĩ nhưng bác sĩ không nói gì. Bác sĩ K.B.L. chỉ đưa 3 loại thuốc nói trên kèm theo hướng dẫn sử dụng và chỉ định về nằm ở phòng 207 – là phòng bình thường, không phải phòng cấp cứu của khoa này.  

Trước khi vào nằm ở phòng thường ở khoa Điều trị ban ngày, gia đình phải đi đóng tiền thuốc và tiền phòng. Ông Nguyễn Văn Lang còn cho biết: "Khi cho cháu uống thuốc dạng gói, cháu ói ra dịch nhầy, có lẫn máu bầm nhiều hơn. Lúc này tay chân cháu lạnh (không phải ấm như trong bệnh án – ông Lang nhấn mạnh) nhưng bé lại than nóng, đòi xuống nằm dưới sàn nhà; than khát, đòi uống nước nhiều lần".

Tới 5 giờ 15 phút, bé T. kêu mệt, hơi thở gấp gáp, sau đó giẫy mạnh và bất động. 5 giờ 40 phút, em được nhập vào khoa Cấp cứu. Tình trạng bé T. lúc này tím toàn thân, tay chân lạnh, mạch không tìm thấy, tim đập rời rạc, đồng tử không phản xạ ánh sáng.

Sau 50 phút hồi sức vô hiệu, bé T. tử vong. Nguyên nhân tử vong ghi trong giấy báo tử là theo dõi viêm cơ tim tối cấp.

Không đủ điều kiện vào phòng cấp cứu nhưng lại chết ngay tại bệnh viện

Trong biên bản ghi lại cuộc gặp giữa lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 và ông Nguyễn Văn Lang – ông ngoại bé T. vào chiều 14/8/2019, đại diện bệnh viện đã chỉ ra một số điểm chưa đúng của các bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho bé T.

Bác sĩ CK2 Võ Quốc Bảo – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - cho rằng lẽ ra bé gái 3 tuổi cần được nằm phòng cấp cứu, chứ không phải phòng thường tại khoa Điều trị ban ngày.

Bác sĩ CK2 Võ Quốc Bảo – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - nhận định: “Bác sĩ N.T.B. – khoa Cấp cứu thực hiện sai quy trình tiếp nhận cấp cứu, dẫn đến bác sĩ N.T.T.T. thực hiện chưa đúng quy trình chuyên môn khi hướng dẫn người nhà quay lại khoa Cấp cứu.

Bác sĩ K.B.L. – người quyết định chế độ điều trị và theo dõi đã nhận định chưa đúng. Đáng lẽ bé T. cần được nằm giường cấp cứu của khoa Điều trị ban ngày”.

Bác sĩ Võ Quốc Bảo cũng giải thích: “Bệnh viện xây dựng tiêu chuẩn cấp cứu để sàng lọc bệnh, đảm bảo điều trị kịp thời. Không phải trường hợp bệnh nặng nào cũng đều nằm cấp cứu. Trường hợp bé T. khi có bạch cầu cao vẫn có thể được theo dõi ở phòng cấp cứu của khoa Điều trị ban ngày”.

Tuy nhiên, bé T. chỉ được nằm phòng thường của khoa Điều trị ban ngày. Người nhà cho biết bác sĩ K.B.L. không hề dặn họ phải lưu ý những dấu hiệu nặng của bé để kịp thời kêu cứu. Sau khi bé về phòng và uống thuốc, cũng không có bác sĩ hay điều dưỡng nào đến hỏi bệnh.

Quy trinh cap cuu long leo khien be gai 3 tuoi tu vong o Benh vien Nhi dong 2?
Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Lang vì sao cháu ông không được đưa vào khoa Cấp cứu ngay từ ban đầu, bác sĩ Nguyễn Thành Đạt – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho rằng phải căn cứ vào một số dấu hiệu về hô hấp, tuần hoàn, tri giác mới có thể cho trẻ vào cấp cứu. Nếu không có những dấu hiệu này thì bác sĩ hướng dẫn ra phòng khám. 

Trường hợp bé T., dù bạch cầu trong máu tăng cao, nghĩa là có vấn đề nhiễm trùng nên bác sĩ chỉ định nhập viện. Nhưng tùy theo nhận định mà bác sĩ sẽ cho nằm phòng thường hoặc phòng cấp cứu của khoa.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 đánh giá: tuy điều trị và theo dõi đúng phác đồ nhưng các bác sĩ chưa đánh giá được tình trạng bệnh nhi khi nhập viện, chưa tiên lượng được diễn tiến nhanh và nặng của bệnh nhi nên theo dõi chưa sát. Khi bệnh nhi trở nặng được chuyển đến khoa Cấp cứu nhanh chóng và được xử trí tích cực.

Quy trinh cap cuu long leo khien be gai 3 tuoi tu vong o Benh vien Nhi dong 2?
Khu vực cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Lang cho biết y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phải chịu trách nhiệm về cái chết của cháu ông. Bác sĩ đã nhận định không đúng bệnh, không làm xét nghiệm đầy đủ để có cơ sở chẩn đoán đúng bệnh.

Gia đình cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên Bộ Y tế để làm rõ nguyên nhân vì sao bé T. tử vong; đồng thời yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 2 phải thay đổi quy trình cấp cứu, cần có khu vực tiếp nhận, lưu trú bệnh nhi ngay tại khoa Cấp cứu để kịp thời theo dõi tình trạng bệnh nhi, tránh những cái chết đau lòng.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI