Quy định chặt chẽ hơn về tình huống có nồng độ cồn không phải do bia rượu

22/05/2024 - 16:14

PNO - ĐBQH đề nghị quy định chặt chẽ để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu khi lái xe nhưng vẫn có nồng độ cồn.

ĐBQH Trần Văn Tuấn
ĐBQH Trần Văn Tuấn đề nghị quy định rõ cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh để tránh oan sai

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số ĐBQH nhất trí với quy định cấm nồng độ cồn tuyệt đối. Một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ nhất trí với quy định trên nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông...

“Tuy nhiên, quy định cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh?”, ông đặt câu hỏi.

ĐBQH trích dẫn báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệnh kết quả xử lý”.

Ông nêu vấn đề: “Việc xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ ràng”, chứ không phải là không có căn cứ; “thực tiễn phát hiện là rất hiếm” chứ không phải là không có; và “có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu”, nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu? Đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong Luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.

ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung quy định của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”.

Đồng thời, luật cần quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Quốc hội thảo luận
Quốc hội thảo luận về dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 22/5

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục về quy định nồng độ cồn khi lái xe.

Tại Kỳ họp thứ 6, ĐBQH đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, theo thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy, người Việt vẫn còn nể nang nhau khi uống rượu, nhất là trong đám hỏi, đám cưới. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho Luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

“Ví dụ như, có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra và trong số vụ tai nạn do rượu bia ấy, có bao nhiêu phần trăm vụ, chủ yếu ở độ tuổi nào, các đặc điểm chung của các nhóm đối tượng vi phạm… Nếu số lượng vụ vượt ngưỡng chiếm đa số các vụ tai nạn do rượu bia gây ra và chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và và áp dụng các biện pháp giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, nghĩa là không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.

Ngược lại, nếu số liệu thống kê cho thấy, loại hình tai nạn do rượu bia gây ra chiếm tỉ lệ lớn, phân bổ ở mọi đối tượng, thành phần, độ tuổi không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào Luật. Có như vậy thì Luật được thông qua sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan”, ĐBQH dẫn chứng.

Minh Quang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Loan 22-05-2024 21:27:18

    Ăn cái kẹo sô cô la nhân rượu, ăn chút rượu nếp, uống 1 ly nước quả dâu ngâm đường lên men . .. test thử chắc chắn nồng độ cồn khác 0. Tuy nhiên, nếu sử dụng các thực phẩm, đồ uống trên liệu có ai mất năng lực điều khiển phương tiện không?

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu