Phụ nữ Nam bộ trong Mậu Thân 1968

27/04/2013 - 11:11

PNO - PN - Ngày 25/4, nhân kỷ niệm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đợt hai (từ 5/5 - 18/6/1968), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức cuộc tọa đàm khoa học Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định và khu Tây Nam bộ trong Mậu Thân 1968.

Phu nu Nam bo trong Mau Than 1968

Hơn 20 bản tham luận của các nhà khoa học, cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và các bảo tàng bạn, ghi nhận từ các nhân chứng, lẫn trên nguồn sử liệu, đã phác họa khá rõ nét vai trò, chân dung của phụ nữ Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh miền Tây Nam bộ trong cuộc tổng tiến công này.

Tinh thần chung của cuộc tọa đàm khẳng định phụ nữ Nam bộ đóng vai trò quan trọng trong các chiến thắng trên nhiều lĩnh vực: chính trị, tình báo, giao liên, vũ trang, phục vụ chiến đấu... Nhiều tấm gương được biết đến như nữ tình báo Yên Thảo đã mưu trí cứu nhà tình báo Tư Cang, cụm trưởng cụm tình báo H.63 khỏi vòng vây kẻ thù trong đêm mùng Ba Tết Mậu Thân, cán bộ Thành Đoàn Sài Gòn Lê Thị Bạch Cát chỉ huy tổ vũ trang tuyên truyền Q.4 phát động quần chúng nổi dậy đánh địch tại bến Vân Đồn, nữ thanh niên xung phong Giáp Thị Thanh Tiến dùng ván nhà kho làm trụ cầu cho bộ đội cáng thương đi qua suối Bà Tiên, Tây Ninh…

Trong khuôn khổ tọa đàm còn có cuộc gặp gỡ giao lưu với hơn 30 nhân chứng là các má, các dì ở TP.HCM và các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh… đã trực tiếp tham gia trên các mặt trận mùa xuân 1968. Điển hình như Anh hùng Lực lượng vũ trang, nữ trinh sát Võ Thị Tâm, người dẫn đường cánh Phân khu 2 khi tấn công vào nội đô Sài Gòn trong Mậu Thân 1968, kể lại những câu chuyện giả vờ băm rau che giấu cán bộ, rải truyền đơn giữa lòng địch, hết sức chân thực, hấp dẫn… PGS-TS Vũ Quang Hiển, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Cuộc chiến đấu của các mẹ, các chị đã cùng nhân dân vẽ nên bức tranh đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, một bản hùng ca trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh”.

Mai Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI