Phụ huynh bức xúc vì đề thi cẩu thả

10/03/2017 - 12:19

PNO - Nhiều phụ huynh học sinh (HS) Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) hoang mang, bức xúc gọi đến đường dây nóng báo Phụ Nữ khi phát hiện cách ra đề trong kỳ kiểm tra mới đây.

“Cho dù chỉ là bài kiểm tra giữa kỳ, nhưng ai lại cho các cháu chỉ ôn hai đề, thi một đề. Đã thế, phần “đọc hiểu”  cũng y chang với đề mà giáo viên (GV) đã ôn trên lớp” - chị Kim Th., một phụ huynh có con đang học lớp 10 phản ánh.  

Đề thi bị lộ?

Chuyện là vào chiều ngày 2/3 vừa qua, sau buổi kiểm tra giữa kỳ môn văn dành cho HS khối 10 tại trường THPT Thủ Thiêm, HS tại năm lớp 10 đã la toáng lên vì… trúng tủ. Cụ thể, ở phần “làm văn” (7 điểm), đề yêu cầu HS “thuyết minh về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi” là một trong hai đề mà các em đã được ôn.

Nhưng điều đáng nói hơn là, ở phần “đọc hiểu” (3 điểm), đề ra gần giống hệt với đề mà cô giáo đã “giải” và dặn các em về học kỹ trước đó ba ngày. Riêng câu hỏi số 3 phần đọc hiểu, đề có thay đổi nhưng đáp án lại quên sửa khiến nó không chuẩn. Tất cả những điều không bình thường này khiến chị Th. và nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng.

Phu huynh buc xuc vi de thi cau tha
Phụ huynh làm hồ sơ cho con vào lớp 10 Trường THPT Thủ Thiêm

Một phụ huynh cho biết: “HS lớp con tôi đang rất bất bình, các cháu đòi phải tổ chức thi lại cho công bằng”. Nhiều phụ huynh thắc mắc: "Tại sao lại chỉ cho ôn hai đề và chọn thi một đề? Đề thi có bị lộ? Đáp án không chuẩn có ảnh hưởng đến kết quả chấm?".

Để có câu trả lời, chúng tôi đã gặp ông Phạm Văn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm - nhưng ông Nghĩa nói: “Vụ này tôi đã giao cho thầy Phụng, hiệu phó chuyên môn” và bảo chúng tôi gặp ông Nguyễn Hoàng Phụng. Khi chúng tôi liên lạc thì ông Phụng nói “để xin ý kiến ông Nghĩa”, sau đó ông Phụng trả lời rằng ông Nghĩa không chịu ủy quyền cho ông!

Nhiều GV tại tổ đề văn của trường THPT Thủ Thiêm cho biết, họ cũng bất bình về chuyện cho ôn hai, thi một, vì “như vậy là không bao quát chương trình, là đối phó”, nhưng là GV chỉ biết tuân lệnh.

“Cách làm đề thi và chọn đề như vậy là không đúng quy trình, không khách quan, dễ phát sinh tiêu cực. Cho nên, nếu có bị nghi ngờ thì cũng là bình thường” - một GV của trường nhận xét. 

Đề thi “Có ý kiến cho rằng: “Truyền thuyết truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy đã thể hiện thái độ nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung của nhân dân ta, cùng bài học lịch sử về cách ứng xử trong các mối quan hệ riêng - chung cho thế hệ trẻ. Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy để làm sáng tỏ nhận định trên”, đòi hỏi HS phải nắm vững phương pháp nghị luận, phân tích, chứng minh, nhưng vào thời điểm làm bài, HS lớp 10 chưa được học phương pháp này.

Cô PHẠM THỊ KIỀU
(GV dạy văn Trường THPT Thủ Thiêm)

Đề luộm thuộm, lan man

Những phiền toái liên quan đến việc ra đề thi, chấm thi, đáp án  môn văn tại trường THPT Thủ Thiêm đã xuất hiện từ giữa học kỳ I, nổi cộm là trong đợt kiểm tra giữa kỳ và thi HS giỏi.

Sau kỳ hai kỳ thi này, nhiều phụ huynh đã than phiền rằng đề thi mắc nhiều lỗi sơ đẳng, khó hiểu, ra những nội dung mà HS
chưa học…

Tìm hiểu sự việc mới rõ, những điều phụ huynh than phiền là hoàn toàn có cơ sở. Chẳng hạn, ở đề thi dành cho HS lớp 10 có câu: “Có ý kiến cho rằng: “Truyền thuyết truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy đã thể hiện thái độ nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung của nhân dân ta, cùng bài học lịch sử về cách ứng xử trong các mối quan hệ riêng - chung cho thế hệ trẻ”. Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy để làm sáng tỏ nhận định trên”.

Bất kỳ ai cũng có thể thấy ngay sự luộm thuộm trong diễn đạt ở đề thi trên. Riêng về câu trích dẫn, một chuyên gia từng tham gia phản biện sách giáo khoa ngữ văn và làm đề cho các kỳ thi THPT quốc gia nhận xét: “Câu trích dẫn quá tối, hai cụm từ trong câu không đối ứng và mờ về nghĩa. HS sẽ rất khó nhận diện được những luận điểm chính mà đề yêu cầu, dẫn đến các em sẽ viết lan man”.

Tương tự, là đề về  bài ca dao Khăn thương nhớ ai, theo phân phối chương trình, HS chưa được học, nhưng vẫn bị cho thi. Nhiều GV cho biết, đề ra một đằng, đáp án một nẻo; đáp án hời hợt, lan man, tối nghĩa; đáp án không phải là đáp án… Ai cũng biết, bài ca dao Khăn thương nhớ ai gồm 10 dòng bốn chữ, kết thúc bằng câu lục bát nhưng đáp án lại “biến” nó thành thể lục bát - song thất lục bát(!). 

Không chỉ ở khối 10, đề thi khối 11, 12 cũng không chuẩn trong diễn đạt, bắt HS phân tích, chứng minh những nhận định rối rắm về cấu trúc và ngữ nghĩa; nội dung trích dẫn không dẫn nguồn và mắc nhiều lỗi chính tả. Đề thi HS giỏi khối 11 có tổng điểm là 20, nhưng tổng các điểm thành phần trong đáp án chỉ có 17.

Thậm chí, đề thi văn khối lớp 12 (phần nghị luận xã hội), do đáp án không chuẩn nên đã phải hủy để thay bằng đáp án khác. Nhiều đáp án không phải là đáp án, có phần I nhưng không có phần II, thiếu những nội dung quan trọng, diễn đạt còn lan man, tối nghĩa…

Những “rắc rối” nêu trên không được nhà trường quan tâm chấn chỉnh, khiến nhiều GV bất mãn. Và, hậu quả của nó thì không thể tránh. Chỉ có 18% HS khối 10 đạt điểm trung bình trong kỳ thi kiểm tra giữa kỳ I, nhiều lớp chỉ có 2-3 HS đạt điểm trung bình.

“Những HS học hành tử tế sẽ cảm thấy bất công, hoang mang và mất niềm tin. Những em được cô giáo “giúp sức” để có điểm thì ngày càng mất căn bản khi lên lớp 11, 12, thi đại học và cả sau này khi ra đời. Đó là chưa kể, các em cũng bị nhiễm thói gian dối từ chính những thầy cô của mình” - chị M.Nh. - phụ huynh một HS lớp 10 trường THPT Thủ Thiêm ngao ngán.

Ra đề quá cẩu thả!

Con tôi học lớp 3 tại một trường thuộc vùng ven TP.HCM. Mấy hôm nay, cháu được phát bài làm về nhà, ghi là “ôn kiểm tra năng lực”. Mới đây, con nhờ hướng dẫn, tôi phát hiện nhiều bài toán không thể giải vì thiếu dữ liệu. Ví dụ: trong một đề trắc nghiệm toán, ghi Kết quả của phép chia:… và cho các đáp án a, b, c, d với kết quả cụ thể, nhưng đề không nêu số bị chia và số chia. Đề có 20 câu, đánh máy sai thứ tự câu: câu 16, tiếp đó là câu 15 rồi đến câu… 18.

Phần đầu của đề ôn này còn đánh máy nhầm: khoanh vầo chữ đặt trước vào kết quả đúng. Nếu đánh máy đúng chữ vầo là vào thì trong cụm từ này có hai chữ vào. Chưa kể, bảng ghi kết quả trắc nghiệm để học sinh chọn chỉ có ba ô: a, b, c, trong khi đề bài có bốn đáp án; với câu phải chọn đáp án d thì học sinh khoanh vào đâu? Đề toán như vậy thật thiếu logic. Đây không phải lần đầu tôi phát hiện đề ôn của con được làm cẩu thả. Rất mong các trường, giáo viên khi ra đề cần kiểm tra kỹ. Việc ra đề như vậy khiến học sinh rất vất vả, và khi giải không được thì hoang mang.

 Nguyễn Hoàng Lan

Minh Nhật 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI