Phó TT Trương Hòa Bình: không dùng ngân sách để trả nợ 12 dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’

15/06/2017 - 16:22

PNO - Chiều nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời trực tiếp các câu hỏi, chất vấn của các ĐBQH.

Trước khi bước vào phần chất vấn, Phó Thủ tướng phủ tóm lược lại, hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng trả lời chính các chất vấn của ĐBQH, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ cùng một số Bộ trưởng, trưởng ngành khác tham gia giải trình thêm. “Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước để khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành” – ông Trương Hòa Bình nói.

Pho TT Truong Hoa Binh: khong dung ngan sach de tra no 12 du an nghin ty ‘dap chieu’
ĐBQH Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn về 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ.

Nhiều ĐB nêu ra chất vấn với đại diện của Chính phủ là việc lãng phí và giàn trải trong đầu tư công, nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ nhưng thua lỗ nặng hoặc phải “đắp chiếu”, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: “Ngoài 12 dự án nghìn tỷ 'đắp chiếu' mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, còn bao nhiêu dự án có tình trạng tương tự? Chính phủ có giải pháp thế nào đối với các dự án tương tự nếu có? Và để xảy ra vấn đề đó, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Trả lời về nội dung này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, với 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, Chính phủ đã công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong thông tin, truyền thông đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án này, Chính phủ cũng đã báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp này của Quốc hội.

“Những dự án này như đã trình bày sẽ cơ cấu sản xuất lại, quan điểm của Chính phủ là không dùng ngân sách để trả nợ mà xử lý, giải quyết theo cơ chế thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban khắc phục hậu quả này” – ông Trương Hòa Bình nói.

Pho TT Truong Hoa Binh: khong dung ngan sach de tra no 12 du an nghin ty ‘dap chieu’
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

“Bây giờ ngoài 12 dự án nói trên còn dự án nào nữa hay không? Tôi xin trả lời mang tính chất ước lệ không khẳng định rằng, trên tinh thần chung là còn những dự án như thế, phải rà soát mới biết. Chính phủ đã yêu cầu phải rà soát, báo cáo. Về giải pháp, phải làm hết sức để không còn những dự án như thế, tăng cường thực hiện chỉ đạo để ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói thêm.

Chất vấn với Phó Thủ tướng, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) hỏi quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc Bộ GD&ĐT đề xuất thí điểm việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng đang khiến cử tri ngành giáo dục lo lắng. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đề xuất này nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị giáo dục nâng cao chất lượng.

“Đây là vấn đề liên quan đến chủ trương, đồng thời liên quan đến pháp luật và chính sách. Pháp luật ở đây là Luật cán bộ công chức, viên chức; chính sách đối với viên chức, người lao động, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ý muốn chúng ta là muốn làm thế nào công chức trở thành người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền, còn với bộ máy các đơn vị sự nghiệp thì chuyển sang viên chức.

Cho nên đây là vấn đề cần phải có sự nghiên cứu kỹ. Đề xuất này là của Bộ GD-ĐT mới chỉ là đề xuất thôi, chưa phải Chính phủ đã quyết định. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trình hội nghị trung ương 6 vào tháng 10-2017 tới đây. Khi đó hội nghị sẽ xem xét việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức theo tờ trình của Chính phủ” – Phó Thủ tướng nói.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI