Phim truyền hình Hàn Quốc và "bài toán" giữ quyền kiểm soát nội dung

03/09/2020 - 14:00

PNO - Bên cạnh thành công khi tiếp cận thị trường thế giới, ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc không giấu sự lo ngại rằng Netflix sẽ kiểm soát quá mức thị trường nội dung địa phương.

Netflix định hình lại xu hướng phim truyền hình Hàn Quốc

Khi ngành công nghiệp phim truyền hình Hàn Quốc đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong công thức thành công, chuyển trọng tâm từ bối cảnh trong nước sang thị trường toàn cầu, thì gã khổng lồ phát trực tuyến Netflix tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, đưa ra những giao dịch, lời chào mời hấp dẫn cùng cơ hội vươn ra quốc tế mà các nhà sản xuất xứ Hàn khó lòng khước từ. 

Nếu ngày trước tỷ suất người xem là yếu tố sống còn để các đài truyền hình cân nhắc trước khi đầu tư thì hiện tại, vấn đề này không còn quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc, thị hiếu khán giả địa phương không còn là tiêu chuẩn trọng yếu khi Netflix với nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng tài trợ phần lớn kinh phí cho các dự án mới lạ, bất kể có được lòng người xem xứ Hàn hay không.

Netflix mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường Hàn Quốc.
Sau thời gian dài từ chối hợp tác, các hãng phim và đài truyền hình lớn Hàn Quốc đã bắt tay cùng Netflix.

Điển hình như tác phẩm Quân vương bất diệt, có kinh phí sản xuất lên đến 32 tỷ won (tương đương 26,8 triệu USD) nhưng chỉ kết thúc với mức rating thất vọng 8%. Tuy nhiên, phim không hề lỗ vốn mà thậm chí còn đạt mức hòa vốn ngay cả trước khi lên sóng, nhờ thỏa thuận cấp phép nước ngoài giữa SBS và Netflix.

"Netflix đưa ra những thỏa thuận tốt không thể phủ nhận, vì vậy hầu hết các studio sản xuất đều muốn hợp tác với nền tảng này" - một quan chức của công ty sản xuất địa phương nói với Korea Times.

Mặc dù Netflix ra mắt tại Hàn Quốc khá muộn, năm 2016, nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường xứ kim chi với 3,28 triệu người đăng ký (dữ liệu tháng 4/2020), tăng 1,42 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Và để đạt được điều này, gã khổng lồ không ngại vung tiền đầu tư.

Tầng lớp Itaewon và Hạ cánh nơi anh được phát trực tuyến trên Netflix cùng thời điểm công chiếu tạo Hàn.
"Tầng lớp Itaewon" và "Hạ cánh nơi anh" được phát trực tuyến trên Netflix cùng thời điểm công chiếu tại Hàn.

Trước đó, 3 đài truyền hình trung ương (KBS, SBS và MBC) đã thực hiện thỏa thuận ngầm không bán các bộ phim truyền hình mới phát sóng, nhằm nỗ lực hạn chế Netflix xâm nhập thị trường nội địa. Nhưng tất cả đã chấm dứt vào năm 2018, khi SBS Content Hub bán bản quyền phát trực tuyến Hymn of Death (tựa Việt: Thánh ca tử thần) cho Netflix, vì doanh thu quảng cáo khó lòng bù lỗ chi phí sản xuất. Từ đây cũng mở ra con đường mới giúp Netflix nới rộng sức ảnh hưởng của mình đến ngành công nghiệp K-Drama (phim truyền hình Hàn Quốc), vốn được xem là lãnh địa độc tôn của các nhà đài xứ kim chi.

Netflix sẵn sàng trả phần lớn chi phí đầu tư cho loạt phim thông qua các hợp đồng cấp phép toàn cầu. Cụ thể, Netflix đã đài thọ ít nhất 65% trong tổng số 43 tỷ won (36 triệu USD) kinh phí sản xuất cho loạt phim bom tấn Quý ngài Ánh Dương (năm 2018) của đài cáp tvN. Lãng khách của SBS cũng thu về một nửa ngân sách 25 tỷ won (21 triệu USD) từ Netflix, trong khi Nhà sử học tân binh Goo Hae-ryung của MBC được phía nền tảng này chi trả toàn bộ mức phí 13 tỷ won (11 triệu USD) năm 2019.

Nhờ sự chịu chi của mình, Netflix tiếp tục thâu tóm một số phim truyền hình nổi bật xứ Hàn như Điên thì có sao (tvN), Hạ cánh nơi anh, Tầng lớp Itaewon (JTBC), Quân vương bất diệt và Hyena (SBS) để phát trực tuyến trên toàn thế giới từ đầu năm 2020 đến nay. Thậm chí, 2 tập đoàn lớn CJ ENM và Studio Dragon còn ký hợp đồng sản xuất và phân phối hơn 20 loạt phim cho Netflix trong vòng 3 năm tới.

Rating lẹt đẹt nhưng Quân vương bất diết vẫn thu lời nhờ hợp tác cùng Netflix.
Rating lẹt đẹt nhưng "Quân vương bất diệt" vẫn thu lời nhờ hợp tác cùng Netflix.

Từng bước thay đổi nội dung K-Drama

Ngoài dòng vốn dồi dào, không thể phủ nhận Netflix đã đánh trúng tâm lý những nhà làm phim Hàn Quốc, khi thoải mái chấp nhận nhiều thể loại mới lạ giả tưởng, xuyên không vốn kén người xem như Quân vương bất diệt, Điên thì có sao… hay những đề tài cũ xoay quanh các câu chuyện tình cảm lãng mạn như Chuông báo tình yêu, Do Do Sol Sol La La Sol… đã không còn được khán giả xứ Hàn "mặn mà". Do đó, nền tảng này đã trở thành đối tác hàng đầu được các đơn vị sản xuất địa phương nhắm đến thay vì các nhà đài như trước.

Một quan chức trong ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc nói với Korea Times: “Khi chúng tôi sản xuất một loạt phim, việc huy động ngân sách luôn khó khăn bởi nhiều lý do, đặc biệt là tỷ lệ người xem thấp. Nhưng khi Netflix mua giấy phép (hợp tác-PV) giúp chúng tôi có thể đi đúng hướng với quá trình sản xuất của mình.”

Điên thì có sao nhận được sự yêu mến của khán giả quốc tế khi phát trực tuyến trên Netfflix.
"Điên thì có sao" nhận được sự yêu mến của khán giả quốc tế khi phát trực tuyến trên Netflix.

Tương tự, nhà phê bình phim truyền hình Yun Suk-jin cho biết: “Các nhà đài luôn chi phối quá trình sản xuất vì họ chính là người ấn định thời gian phát sóng. Điều này cho phép các đài truyền hình thay đổi những chi tiết, cốt truyện, thậm chí là chủ đề của các dự án phim”.

Chưa kể, phía nhà đài chỉ cung cấp một phần kinh phí nên phần lớn các đơn vị sản xuất phải nỗ lực thu hồi vốn nhờ doanh thu quảng cáo, buộc họ gượng ép lồng ghép nhiều sản phẩm của nhà tài trợ, làm giảm chất lượng tác phẩm.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp phim ảnh xứ kim chi cũng đủ tỉnh táo để không bị cuốn theo những hào quang trước mắt. Cảnh báo quy mô phát triển nhanh chóng của Netflix dấy lên một số lo ngại về việc kiểm soát quá mức thị trường nội dung địa phương.

"Netflix nhận được rất nhiều đề xuất nội dung (kịch bản-PV), vì vậy họ phải xem xét và chọn cái nào phù hợp để hợp tác và từ chối. Công ty này có khả năng trở thành nguồn chi phối, lựa chọn nội dung có sẵn cho khán giả và xa hơn là định hình thị trường" - quan chức của một công ty sản xuất phim ảnh Hàn nhận xét.

Hiện tại, điều quan ngại trên cũng đã xảy ra. Nhìn vào danh sách các bộ phim K-Drama mà Netflix ký hợp đồng từ đầu năm 2020, công chúng dễ dàng thấy rõ nền tảng này chủ yếu xoay quanh những nội dung chính trị, giả tưởng, dòng melodrama (hài lãng mạn)… quy tụ các ngôi sao nổi tiếng toàn châu Á và thế giới như Lee Min Ho, Kim Soo Hyun, Kim Tae Hee, Son Ye Jin, Hyun Bin… Bởi bản thân các nghệ sĩ đã sở hữu lượng lớn người hâm mộ toàn cầu.

Quả thực chiến lược này của Netflix hoàn toàn chuẩn xác bởi về mặt tỷ suất người xem Quân vương bất diệt, Điên thì có sao, Hi bye, mama tại Hàn chỉ có mức rating trung bình nhưng bù lại, các dự án này luôn lọt top phim được xem nhiều nhất trên bảng xếp hạng Netflix thế giới.

Thay vì chú trọng rating trong nước, các nhà sản xuất Hàn Quốc đang dần chạy theo thị hiếu của Netfflix.
Thay vì chú trọng rating trong nước, các nhà sản xuất Hàn Quốc đang dần chạy theo thị hiếu của Netfflix.

Theo The Diplomat, ngoài góp công lớn trong việc quảng bá phim Hàn Quốc ở nước ngoài, Netflix cũng đang tìm cách mở rộng ranh giới, nhận thức nội dung K-Drama. Hướng đi trong tương lai của nền tảng nhắm đến là dần thay thế thể loại hài lãng mạn sang các dòng phim mang yếu tố kinh dị, bí ẩn. Trong khi đó, thể loại gia đình vốn là thế mạnh của xứ kim chi bấy lâu dường như vắng bóng hoàn toàn khi không phù hợp với hướng đi mà Netflix vạch ra.

Để không bị kiểm soát, hiện các nhà đài Hàn Quốc cũng đang mở rộng ứng dụng trực tuyến nhằm cạnh trạnh, ngoài ra Studio Dragon cũng đang tìm cách vượt ra khỏi Netflix để đảm bảo chỗ đứng của mình trên thị trường toàn cầu. Hãng phim đã khai trương chi nhánh tại Mỹ vào đầu năm 2020, trở thành công ty sản xuất đầu tiên tấn công thị trường Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, Studio Dragon còn  ký hợp đồng hợp tác với Công ty sản xuất Skydance (Hoa Kỳ) vào tháng 2/2020, làm lại Hotel del luna, tác phẩm ăn khách màn ảnh nhỏ xứ kim chi năm 2019.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI