Phim công nghệ thực tế ảo khuấy động LHP Venice 2016

06/09/2016 - 10:49

PNO - Phim Jesus VR: The story of Christ là điều gây tò mò nhất LHP Venice. Đây là bộ phim truyện dài ứng dụng công nghệ thực tế ảo lần đầu được ra mắt ở LHP Venice

Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 73 - sự kiện mở màn cho mùa giải thưởng điện ảnh 2016, đã đi được nửa chặng đường (diễn ra từ ngày 31/8 đến 10/9). Có một điểm đặc biệt ở mùa giải năm nay là công nghệ thực tế ảo (virtual reality - VR) dường như đang đánh cắp sự tỏa sáng của các ngôi sao.

Bộ phim ca vũ nhạc La La Land khai màn LHP Venice 2016 mà theo truyền thống gần đây phim mở màn (Gravity rồi Birdman) luôn thắng lớn ở Oscar, sự công khai lần đầu tiên trên thảm đỏ của cặp tình nhân mới Alicia Vikander - Michael Fassbender (đóng chung trong phim tranh giải Sư tử vàng The light between oceans) không phải là chuyện gây chú ý nhất ở LHP Venice năm nay.

40 phút phim Jesus VR: The story of Christ mới là điều gây tò mò nhất. Đây là bộ phim truyện dài ứng dụng công nghệ thực tế ảo lần đầu được ra mắt ở LHP Venice. Công nghệ VR không quá mới mẻ, LHP Cannes cũng đã xuất hiện phim VR nhưng chỉ là những phim ngắn, phải đến LHP Venice người ta mới được xem một phim truyện dài VR.

Phim cong nghe thuc te ao khuay dong LHP Venice 2016
Cảnh trong phim Jeus VR: The Story of Christ

Jesus VR: The story of Christ có thời lượng 90 phút và tại lần ra mắt này khán giả của LHP chỉ được xem 40 phút, nhưng cũng đủ để hình dung về sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong việc giải trí bằng phim ảnh. Jesus VR: The story of Christ (Autumn Products, VRWERX đồng sản xuất) do David Hansen và Johnny Mac đạo diễn, mô tả lại cuộc đời của Chúa. Phim có nhiều điểm chung với tác phẩm điện ảnh về Chúa từng gây tranh cãi của Mel Gibson Passion of the Christ như nhà sản xuất phim cũng là Enzo Sisti, vị tư vấn về tôn giáo cho phim cũng là Fr William Fulco và bối cảnh cũng được quay ở ngôi làng Metera (Ý).

Jesus VR: The story of Christ được quay bằng nhiều camera 360 độ 4K nhằm cho phép người xem nhìn toàn bộ khung cảnh và mọi hành động của nhân vật từ nhiều góc độ khác nhau, tùy theo hướng dịch chuyển của chiếc kính VR (thiết bị HTC Vive, Oculus Rift, Samsung Gear, PlayStation VR đều xem được) mà khán giả đang đeo. Bằng cách chìm đắm trong môi trường thực tế ảo này, người xem có cảm giác như đang du hành trở ngược về quá khứ cách đây hơn 2.000 năm chứ không đơn giản là chỉ đang thưởng thức một câu chuyện điện ảnh.

Giám đốc nghệ thuật của phim, Robert Stromberg, hào hứng: “Tôi nghĩ công nghệ này sẽ hình thành nên một định nghĩa về cách kể một câu chuyện, đó là bạn sẽ trở thành người theo dõi hay là người tham gia”.

Tuy nhiên phản ứng từ phía khán giả không được như người trong cuộc mong đợi. Sau buổi chiếu hôm 1/9, hầu hết khá n giả đều than phiền rằng diễn viên diễn dở, quay phim vụng về, chất lượng hình ảnh không tốt, chưa kể việc đeo thiết bị kính VR trên đầu trong thời gian dài khiến họ thấy khó chịu.

Điều đáng lo này không phải đợi đến khi Jesus VR: The story of Christ ra mắt ở Venice, người ta mới giật mình nhận ra mà nó đã được đạo diễn Steven Spielberg cảnh báo từ khi một vài phim VR giới thiệu ở LHP Cannes: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang dấn vào nguy hiểm với công nghệ VR. Lý do duy nhất mà tôi cho rằng nguy hiểm là vì nó cho người xem lựa chọn hướng nhìn theo sở thích chứ không đi theo hướng của người kể chuyện”.

Phim cong nghe thuc te ao khuay dong LHP Venice 2016
Có nhiều máy quay đặt trên đầu cameraman để người xem có được góc nhìn 360 độ

Quả thật đây là thử thách đối với các nhà làm phim VR bởi rất khó để vừa tìm cách lôi cuốn người xem vào câu chuyện mà vẫn không làm họ phân tâm một khi lạc bước vào không gian mở ấy.

Tuy nhiên bất chấp những e dè của những nhà làm phim truyền thống, công nghệ mới VR vẫn có sức hấp dẫn nhiều nhà sản xuất. Bằng chứng là sự kiện hội chợ Venice Production Bridge diễn ra từ ngày 1-5/9, thu hút 40 dự án phim truyện, tài liệu, truyền hình ứng dụng công nghệ VR tham gia để chào mời tài trợ.

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI