Phía sau phù phiếm là gì?

16/04/2018 - 12:00

PNO - Lụa, như một người phụ nữ đẹp, đỏng đảnh, khó chiều, đòi hỏi ở họa sĩ sự nghiêm cẩn, tính toán từng chút một cho từng nét vẽ mà vẫn bay bổng, làm chủ được sáng tạo.

Triển lãm lần này của Bùi Tiến Tuấn mang cái tên mô tả phong thái đó: Hơi thở nhẹ. Tuy nhiên, phụ nữ trong tranh Tuấn, dù được hòa sắc êm ả, vẫn toát lên vẻ mãnh liệt, thời thượng và bứt phá khỏi những giới hạn từng được gán ghép.

Phia sau phu phiem la gi?

Tác phẩm Phuong Lolita (mực acrylic trên lụa, 74cmx127cm, 2018)

Bùi Tiến Tuấn, như nhiều họa sĩ khác, chọn cách biểu lộ cảm tình với xã hội đương đại qua hình ảnh người phụ nữ thị thành. Song thay vì tả thực, Tuấn chọn cách vẽ như những bản sketch (phác họa), để cô đọng, giữ lại những trạng thái mong manh, dễ mất. Từng đường nét mỏng manh của sợi tóc, hoa văn trên áo, váy, trên vớ… đều được đặc tả sống động.

Họa sĩ Nguyễn Quân:

Tôi nghĩ, không nên chỉ gán ghép tranh của Bùi Tiến Tuấn vào chất liệu lụa mà hãy chú ý đến ngôn ngữ tác phẩm, cách Tuấn thể hiện mối quan tâm đến đời sống thị dân. Tuấn đánh động và chấp nhận thị hiếu thường bị xem là tầm thường của tầng lớp thị dân, chấp nhận họ sống nhố nhăng cũng được. Nội dung trong tranh Bùi Tiến Tuấn, vì vậy, thở rất gấp, rất hổn hển.

Dễ dàng nhận thấy ba “tín hiệu” lặp đi lặp lại, tạo thành đặc trưng trên tranh của Tuấn: những nét mảnh, sắc nhọn (móng tay), khối tròn trịa (tóc bồng bềnh, khuôn ngực, các mảng hình thể…) và những chấm tròn (trên cơ thể, áo, váy, trái bi-a…).

Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn, nói như nhà nghiên cứu Huỳnh Vũ Trọng, “là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây”.

Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thoát khỏi hình ảnh, đường nét dịu dàng thường thấy với áo dài, với vẻ đẹp mộc mạc, chân phương, gắn liền với đời sống lao động bình dị.

Họ là những phụ nữ thị thành, xinh đẹp, sắc sảo, gợi cảm và phù phiếm, từ mùi hương đến hình thể, với môi son mọng đỏ, móng tay chăm sóc cẩn thận, rành rẽ xu hướng thời trang…

Họ không phải những cô gái mới lớn, còn e ấp, mà là người từng trải, đã đi qua hạnh phúc và cả nỗi đau nhưng lúc nào cũng ngây thơ, háo hức. Đó chắc chắn không phải là người phụ nữ dễ chiều mà đỏng đảnh, ý thức rõ vẻ đẹp của bản thân, tưởng chừng lả lơi, ngả ngớn, đầy nhục cảm, nhưng không sỗ sàng, táo tợn. Một kiểu tội lỗi 
bất thành.

Phia sau phu phiem la gi?

Tác phẩm Như là cơ thủ (mực acrylic trên lụa, 52cmx120cm, 2017)

Mang trái tim nhạy cảm, Bùi Tiến Tuấn muốn chuyển tải vào tranh lụa hơi thở của đời sống thị thành, nhưng vấp phải nỗi sợ của chính anh: “không vượt qua được cái bóng của các bậc thầy tranh lụa từ Trường Mỹ thuật Đông Dương”. Thế nên, dù tốt nghiệp chuyên ngành tranh lụa từ năm 1998, mãi 10 năm sau, Bùi Tiến Tuấn mới có triển lãm đầu tay, từ sự khích lệ và con mắt tinh tường của nhà phê bình - họa sĩ Nguyễn Quân.

Điều vô cùng đặc biệt, Tuấn “thú nhận”, anh không biết chơi bi-a. Thế mà trong tranh anh rất nhiều người đàn bà đẹp đang chơi trò này. “Hơi thở nhẹ xâu chuỗi lại quá trình thai nghén kéo dài. Nơi đây, tôi khước từ những ước lệ mang tính đa nghĩa; từ nhận diện hiện thực đến tư duy hình tượng. Việc đặt để/khoác lên các chủ thể một hình ảnh chỉ là cái cớ, nhằm mở rộng tính tương tác, soi rọi vào bản chất thị dân của hoàn cảnh. Tôi vay/mượn/tựa vào đó để một lần nữa phơi bày chất phù phiếm, hoặc gợi cảm sắc dục, hoặc sức sống thanh tân. Tất cả như là trò chơi, như trò đời - một bông đùa, một ỡm ờ, một ngả ngớn, một ỏn ẻn, một e thẹn... Trên hết, như một mộng mị giữa ban ngày” - Tuấn nói.

Có phải, sau những đường cắt từ bố cục trên tranh của tay chân, của cây cơ bi-a trên tay người đàn bà đẹp, là khát khao muốn phá bỏ, muốn vượt những giới hạn, những đè nén nội tại để được sống, được bay nhảy? Có gì sau trò đùa cợt với những phù phiếm, ngoài những khoảng trống, những nỗi buồn của sự sáo rỗng, hời hợt, cả những nỗi buồn không cơn cớ mặc nhiên hiện hữu và đeo bám?

Lại vùng dậy, đánh môi son thật đỏ, lại lao vào những cuộc mua sắm, những cuộc vui không bờ bến, để che đi khoảng trống trong chính mình. Chính ở đó, thấp thoáng nụ cười giễu nhại của Bùi Tiến Tuấn. Cười đó mà đau đó, thương đó. 

Hơi thở nhẹ là triển lãm cá nhân thứ chín của Bùi Tiến Tuấn, gồm 12 bức tranh mới, đồng thời là tên quyển sách tập hợp các bức tranh của anh trên chặng đường 10 năm. Triển lãm kéo dài từ ngày 14 - 22/4 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM).

Sách là hành trình 10 năm làm việc chuyên nghiệp của Bùi Tiến Tuấn, gồm bài viết của nhiều tác giả uy tín, giới thiệu các tác phẩm trên những chất liệu như lụa, giấy dó, sơn mài, sơn dầu, phác thảo… bên cạnh hình ảnh từ trong xưởng vẽ ra ngoài xã hội, từ nhà trường trở về nhà… Đặc biệt, sách cũng hé lộ một số tác phẩm thuộc các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng.

Hoàng Linh Lan
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI