Phép mầu nào để chợ truyền thống hồi sinh?

09/09/2019 - 08:14

PNO - Chợ truyền thống tại TP.HCM không 'chết' vì sự nở rộ của hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại mà vì không tự đổi thay, chuyển mình trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ.

Tiểu thương “đuối” theo chợ

Mới 15g, bà Nguyễn Thị Mai - tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3 - đã rục rịch dẹp hàng. Cầm chiếc váy được thiết kế bắt mắt, bà Mai rớm nước mắt: “Riêng quần áo, sạp của tôi không thiếu thứ gì về mẫu mã, chất lượng. Nhưng đã hai ngày nay, tôi chưa bán được một sản phẩm nào. Cứ thế này, tiểu thương chúng tôi chỉ có chết mà thôi”. Chị Hà - chủ quầy mỹ phẩm kế bên sạp bà Mai - đau khổ: “Hổm rày ế quá. May sao, hôm nay tôi bán được một hộp kem giá 200.000 đồng”.

Thấy chị Hà và bà Mai chuẩn bị dẹp hàng, bà Liễu - chủ sạp vải - thở dài: “Ráng thêm một xí rồi cùng đóng cửa sạp được không? Ít ra nhìn vào, người ta còn biết đây là cái chợ đang hoạt động chứ không phải chợ hoang”. Tôi đi dọc khắp chợ, thấy mình là vị khách duy nhất. Sợ nhầm, hôm sau, tôi đi lúc gần 10g sáng, vẫn lèo tèo vài vị khách. Ế ẩm, hàng chục tiểu thương bắc ghế ngồi “tám” chuyện.

Phep mau nao de cho truyen thong hoi sinh?
Tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi nhiều năm nay rơi vào tình trạng chán nản, đành... bắc ghế ngồi tám chuyện

Chợ Nguyễn Văn Trỗi ở mặt tiền đường Lê Văn Sỹ, bãi giữ xe trải dài theo chợ, khá tiện cho việc gửi xe của khách, nhưng số khách đến chợ đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm liền. Bà Mai chỉ tay vào dãy sạp mấy tháng nay đã đóng cửa, ngay sau lưng sạp của bà: “Hai mươi sạp thì hết một nửa cho thuê làm kho, nửa còn lại bỏ trống”.

Tính đến tháng 8/2019, chợ Nguyễn Văn Trỗi chỉ còn 594 sạp hoạt động trên tổng số 715 sạp. Hơn 30 năm bán quần áo ở chợ, ở tuổi 60, bà Mai ngậm ngùi: “Tôi cũng muốn dẹp sạp, nhưng cứ cố để kéo dài cái nghề đã đeo bám lâu nay. Mà nếu dẹp, lấy gì ăn? Nếu cứ kéo nhau dẹp hết, cũng tiếc cho cái chợ mấy mươi năm nay, hàng trăm người đã đổ mồ hôi, công sức để gầy dựng”.

Không chỉ lèo tèo khách khứa khiến tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi muốn dẹp quầy, đóng chợ, họ còn đối diện với chi phí quá cao. Tùy từng mặt hàng kinh doanh, tiểu thương phải chi trả khác nhau. Chị Hằng - chủ một sạp giày dép - nói, tiểu thương phải ngồi chơi, trong khi nhiều loại phí lại cứ tăng vô lý. Ngoài phí hoa chi, thuế kinh doanh, thuế môn bài, hiện nay tiền rác 90.000 đồng/sạp, phí bảo vệ 70.000 đồng/sạp, trong khi trước đây chỉ xấp xỉ 50.000 đồng.

Nhắc đến điện, chị nổi xung: “Ở đâu ra quy định “giờ cao điểm”? Tiểu thương đã trả theo giá điện kinh doanh, nhưng ở chợ này, cứ đến hai khung giờ 10g-13g và 17g-19g lại tính giá khác, tăng 1.500 đồng/kWh”. Mặc dù vậy, ban quản lý chợ suốt thời gian qua chỉ chăm chăm thu tiền, không có một lời hỏi thăm tình hình hoặc động viên, huống hồ cùng tiểu thương bàn cách vực dậy một ngôi chợ đang chết.

Đối nghịch sự hiu hắt của chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) vẫn buôn bán náo nhiệt. Thế nhưng, sự sầm uất đó thực chất chỉ diễn ra ở các khu vực “chợ ngoài chợ”, còn trong chợ chính, lượng khách vào chủ yếu là mối quen. Chợ Tân Bình nằm giữa bốn trục đường gồm Lý Thường Kiệt, Lê Minh Xuân, Tân Tiến, Phú Hòa. Hơn 10 năm nay, hàng ngàn cửa hàng có mặt bằng từ nhà dân “ăn theo” hoạt động của chợ mọc lên chi chít.

Bao quanh chợ Tân Bình, hàng ngàn cửa hàng này kéo dài cả cây số dọc các tuyến đường Tân Trang, Lạc Long Quân, Ba Gia, Vân Côi... đến nỗi Giáo xứ Tân Trang và Trường THCS Quang Trung cũng lọt thỏm trong khu chợ. Một tiểu thương có sạp trong chợ Tân Bình bức xúc: “Khách muốn vào chợ chính phải gửi xe, còn những cửa hàng này, khách chỉ việc dựng xe ngay trước nhà, lại kinh doanh tại nhà nên họ tha hồ treo hàng để giới thiệu”. Lượng khách đổ vào chợ giảm dần; thay vào đó, họ chọn mua hàng ở các cửa hàng thuộc địa phận “chợ ngoài chợ”.

Phep mau nao de cho truyen thong hoi sinh?
Mặt bằng chợ Nguyễn Văn Trỗi nhìn ra con đường Lê Văn Sỹ nhưng vắng người mua

Tình trạng chợ tự phát bao quanh các ngôi chợ truyền thống hiện diễn ra ở hầu hết các chợ. Đơn cử, chợ Bàn Cờ (Q.3) có hơn 900 hộ kinh doanh, gồm khu vực nhà lồng và các con hẻm xung quanh, nhưng trong số đó, có chưa đầy 200 sạp nằm trong diện tích được công nhận là chợ. Bà Lan - tiểu thương chợ Bàn Cờ - ngao ngán: “Đã kéo hết khách trong chợ, những cửa hàng đó còn không chịu sự quản lý của ban quản lý chợ nên không phải đóng các loại phí duy trì hoạt động chợ”.

Thay đổi hoặc chết

Hơn 10 năm trước, tiểu thương ở chợ Tân Phú (Q.9) đã đồng loạt bỏ sạp. Thế nhưng, cũng như bao ngôi chợ khác, “chợ” vẫn hoạt động bởi các quầy hàng tự phát bao quanh. Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND Q.9 - người dân thích ngồi trên xe để mua hàng khiến chợ tự phát có đất sống, còn khu chợ chính chết mòn.

Mới đây, trong quá trình tìm hướng giúp chợ Tân Phú hồi sinh, UBND Q.9 đã lấy ý kiến các tiểu thương cũ, có đến 80% tiểu thương muốn quay lại chợ. “Nhưng chúng tôi chỉ quay lại nếu nhà nước dẹp được các khu chợ tự phát bao quanh chợ, đồng thời phải thay đổi cách quản lý, hoạt động của chợ” - vợ chồng ông Vũ, bà Hiền, những tiểu thương cũ của chợ Tân Phú, khẳng định.

TP.HCM hiện có 239 chợ truyền thống, do UBND quận, huyện lập ban quản lý hoặc UBND phường, xã trực tiếp quản lý. Trước tình trạng “chợ ngoài chợ” như hiện nay, đang có sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý giữa ban quản lý của quận và UBND phường, dẫn đến cách tính và thu phí khác nhau, gây bức xúc cho tiểu thương trong chợ. Sự quản lý chồng chéo, vô lý này đã góp phần đẩy chợ truyền thống đến cái chết nhanh hơn, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

Phep mau nao de cho truyen thong hoi sinh?
Chợ Nguyễn Văn Trỗi đang chết trước tình trạng không có khách mua sắm, hơn 100 sạp hiện bỏ trống còn tiểu thương thì bức xúc với ban quản lý của chợ

Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - những năm qua, chính quyền và tiểu thương gom góp, đổ hàng trăm tỷ đồng vào việc duy tu, nâng cấp các ngôi chợ truyền thống, nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn do hư đâu sửa đó.

Chợ Minh Phụng (Q.6) mất gần 4 tỷ đồng sửa chữa, trùng tu năm 2018 nhưng đến nay, nhiều tiểu thương than phiền mưa xuống là dột, ảnh hưởng đến mặt hàng kinh doanh. Những sạp hàng cá thịt bày bán ban ngày, từ 18g chuyển thành “chợ đêm” được dùng bán áo quần khiến mùi hôi, tanh gây ái ngại cho khách. Hơn thế, khách chuyển sang mua ở các sạp tự phát quanh chợ.

Chợ Bến Thành cũng tốn hàng chục tỷ đồng để sơn sửa, chống dột nhưng tiểu thương vẫn phản ánh “nóng thì nóng quá, mưa thì dột quá”. Chị Diệp - chủ sạp gốm sứ của chợ này - cho hay, sức bán, người mua tại chợ Bến Thành hiện cũng ế ẩm như tình trạng chung của các chợ dân sinh.

Trong công cuộc hiện đại hóa đô thị, chợ truyền thống với hình thức kinh doanh quầy hàng lộn xộn, sạp vải bên sạp rau cùng sự quản lý kém hiệu quả, chồng chéo trách nhiệm đã như một giấc ngủ quá lâu, khó thức dậy để chuyển mình, nhập cuộc.

Thực chất, người dân không hề quay lưng với chợ truyền thống khi mà “mảnh đất” này mang đầy giá trị của bản sắc địa phương, của văn hóa cộng đồng. Thói quen đi chợ để trò chuyện gần gũi hay để được mua sắm từ mối quen, được chọn lựa bó rau, con cá còn tươi sống vẫn đang là nhu cầu của người mua.

Bởi thế, có thu hút được người tiêu dùng đến chợ hay không, trước tiên, theo các tiểu thương, cần có một cuộc chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản lý. Chợ Thủ Đức là một điển hình về sự thay đổi. Năm 2013, trước sự ngắc ngứ của chợ Thủ Đức, UBND Q.Thủ Đức đã cho phép chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý sang hình thức doanh nghiệp tư nhân quản lý.

Bà Tạ Thị Kim Anh - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quản lý chợ Thủ Đức - cho biết, bà đã áp dụng Luật Doanh nghiệp vào quá trình điều hành, quản lý chợ. Nếu như trước kia, tiểu thương mỗi ngày đều cúng bái, nhang khói để cầu may khiến chợ luôn trong tình trạng căng mình chống cháy thì nay đã không còn tình trạng này.

Bà Kim Anh chia sẻ: “Với những tiểu thương lớn tuổi, không am hiểu về nguồn gốc hàng hóa hay tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chúng tôi phân tích và đưa ra nhiều tiêu chí mà người tiêu dùng quan tâm để tiểu thương đáp ứng”.

Theo bà Kim Anh, chính phương châm quản lý “coi tiểu thương như người trong nhà” đã tạo được sự tin cậy của tiểu thương, giúp tiểu thương nắm bắt được xu hướng mua bán. Hơn 5 năm chuyển đổi mô hình quản lý, chợ Thủ Đức đã có sức sống mới, tiểu thương an tâm kinh doanh và người tiêu dùng tin cậy về chất lượng.

Con số chợ chuyển đổi mô hình quản lý hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng kinh doanh của chợ truyền thống hiện nay, nếu không gấp rút chuyển đổi chủ thể và cung cách quản lý, chợ truyền thống sẽ đồng loạt chết trước khi chủ trương “phát triển chợ kết hợp phát triển du lịch” được hiện thực hóa.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI