Phạt ngân hàng nếu máy ATM không đảm bảo hoạt động

07/03/2013 - 06:50

PNO - PN - Ngay sau khi các ngân hàng (NH) thương mại được phép thu phí rút tiền ATM nội mạng từ 1/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36 quy định về công tác tiếp quỹ, giải quyết sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng,...

Bên cạnh đó, NHNN cũng vừa hoàn thiện dự thảo nghị định (NĐ) thay thế NĐ 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH. Trong đó, NHNN ràng buộc trách nhiệm của các NH trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM. Theo đại diện NHNN, chế tài này sẽ đủ mạnh để không thể xảy ra tình trạng đã thu phí dịch vụ mà máy ATM hết tiền lại báo đang sửa chữa, bảo dưỡng... như thời gian qua.

Phat ngan hang neu may ATM khong dam bao hoat dong

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Người Lao Động

Theo quy định, để đảm bảo vận hành máy 24/24 giờ, NHNN yêu cầu các NH thương mại phải có nguồn điện dự phòng cho ATM, tránh máy “nuốt” thẻ của khách khi nguồn điện chính mất đột ngột. Đối với trường hợp vi phạm quy định về việc lắp đặt, quản lý, vận hành máy ATM, mức phạt sẽ từ 3 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, NHNN còn quy định mức phạt 300 - 600 triệu đồng đối với những đối tượng có hành vi xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu trong thanh toán để trục lợi. Dự kiến, NĐ mới sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng này.

Theo ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ ATM Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP.HCM, hiện Vietcombank có khoảng 500 máy ATM trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, nhiều máy đặt ở những khu công nghiệp, khu chế xuất có tần suất hoạt động cao sẽ không thể tránh khỏi tình trạng hết tiền ở một thời điểm nào đó. Dù NH có trang bị thiết bị dự trữ điện (UBS) để tránh sự cố mất điện khi khách đang rút tiền nhưng nếu thời gian cúp điện lâu thì đành phải chịu, vì UBS chỉ trữ điện được 30 phút. Ông Hà cho biết thêm, Vietcombank sẽ tuân thủ theo Thông tư 36 của NHNN để giảm thiểu tình trạng máy ATM bị trục trặc. “Từ ngày 1/3 đến nay, Vietcombank chưa ghi nhận trường hợp nào trục trặc nặng ở hệ thống máy ATM của NH trên địa bàn TP.HCM”, ông Hà nói. Thực tế, vài ngày qua, tình trạng “máy đang bảo dưỡng” vẫn xuất hiện ở một số NH.

Có thể thấy, dù NHNN đã cho phép các NH thương mại thu phí rút tiền nội mạng từ ATM, song có ít NH hưởng ứng. Trong khi đó, vấn đề đầu tư, duy trì mạng lưới ATM rất tốn kém. Theo thống kê của NHNN, tổng chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM năm 2012 là gần 3.700 tỷ đồng, trong khi phần tổng thu chỉ xấp xỉ 1.700 tỷ đồng. Điều này cho thấy, hầu hết các NH, chủ yếu là NH nhỏ chấp nhận lỗ thêm một thời gian để giữ khách hàng. Tuy nhiên, giữ chân khách hàng được bao lâu còn tùy thuộc vào các NH này có nâng cấp chất lượng dịch vụ ATM hay không.

Thực tế, trong vấn đề này, “thượng đế” đã không được bảo vệ. Cụ thể, sáng ngày 5/3, chị P. đi rút tiền ATM của Vietcombank trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM cả hai máy đều báo lỗi. Chưa hết, chạy đến rút ATM của Vietcombank trên đường Nguyễn Thông, Q.3, cũng có một máy báo lỗi. Mặt khác, nhiều người dân than phiền là đã thu phí rút tiền thì phải tăng lượng tiền rút, nhiều NH vẫn giữ hạn mức cũ với số tiền rút tối đa là 3,5 triệu đồng.

Một chuyên gia NH cho rằng, NHNN nên có quy định về điều kiện cần và đủ nếu muốn thu phí giao dịch rút tiền nội mạng qua ATM đối với các NH thương mại, tránh tình trạng các NH hưởng lợi từ việc tận thu phí ATM, nhưng lại ngại đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.

Khánh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI