Phát hiện 6,1% học sinh tự hủy hoại bản thân bằng cách cắt, cắn, nhéo cơ thể

09/04/2023 - 14:57

PNO - Trong 213 học sinh THCS,THPT có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân, 96,3% em cắt, khắc lên cổ tay hoặc bộ phận khác trên cơ thể; 83% em cắn, cào, ngắt, nhéo cơ thể…

Đây là thông tin được thạc sĩ, nghiên cứu sinh Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH TPHCM - đưa ra tại chuyên đề triệu chứng tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi THCS, do Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) tổ chức. 

Thực hiện nghiên cứu về hành vi tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên trên 3.480 học sinh THCS, THPT tại 8 đô thị phía Nam (bao gồm TPHCM), thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh cho hay, kết quả cho thấy 213 học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân, chiếm tỉ lệ 6,1%. 

Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh cho hay, tỷ lệ học sinh vị thành niên tự huỷ hoại bản thân chiếm 6,1%
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh cho hay, tỉ lệ học sinh vị thành niên tự hủy hoại bản thân chiếm 6,1%

Trong đó, 96,3% em tự hủy hoại bằng các hành vi như cắt, khắc lên cổ tay hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; 83% học sinh cắn, cào, ngắt, nhéo cơ thể mình; 84% học sinh tự đánh hoặc đập vào cơ thể, đầu hoặc bộ phận khác; 85,5% học sinh tự kéo tóc, bứt tóc, nhổ tóc. 

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, có tới 46,5% học sinh im lặng, che giấu, không cho ai biết hành vi của mình; 7% các em mong muốn tiếp tục thực hiện thêm nhiều lần để làm đau cơ thể hơn nữa; 10,3% học sinh không muốn ai giúp đỡ mình… 

Nghiên cứu cũng cho thấy 40,4% học sinh tự đánh giá hành vi tự hủy hoại bản thân là không nghiêm trọng (không để lại tổn thương, dấu vết trên cơ thể); 29,6% cho rằng ít nghiêm trọng (tổn thương mất đi sau vài ngày, không để lại tổn hại trên cơ thể); 16,9% cho rằng nghiêm trọng (để lại vết thương nhưng tự chăm sóc vết thương và bản thân được, để lại sẹo), 6,6% cho rằng rất nghiêm trọng (nhập viện cấp cứu, để lại hậu quả lâu dài về mặt tâm lý và tinh thần), 1,4% khá nghiêm trọng (cần sự trợ giúp y tế)…

“Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ở tuổi vị thành niên có hành vi tự hủy hoại bản thân. Có thể do ảnh hưởng bởi người khác, bởi mạng xã hội, internet. Cũng có thể đây là cách thức để các em giảm nỗi đau tinh thần, quên đi một điều gì đó. Có thể các em muốn gây ảnh hưởng đến người khác, tìm kiếm sự giúp đỡ, muốn được chú ý hoặc lấy lại cảm giác làm chủ…”- thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh cho biết. 

Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - cho biết, hành vi tự hủy hoại bản thân ở học sinh THCS đang xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều em luôn tự làm đau bản thân khi có mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn với bạn bè hoặc khi điểm số không như mong muốn.

nhà trường, gia đình và xã hội cần cùng nhau phối hợp để gieo vào học sinh những suy nghĩ tích cực
Nhà trường, gia đình và xã hội cần cùng nhau phối hợp để gieo vào học sinh những suy nghĩ tích cực

“Điều nguy hiểm là không nhiều phụ huynh nhận thức được mối nguy cơ từ việc này. Thậm chí, có phụ huynh còn cho rằng đây là hành vi “ăn vạ”, “làm nũng” của trẻ để đòi hỏi, yêu cầu phụ huynh phải “xuống nước”. Có phụ huynh còn cảm thấy “xấu hổ” khi con có hành vi này, không thừa nhận với giáo viên song lại lén lút đưa con đi khám… Như vậy, để nâng đỡ tinh thần, giúp các em tránh xa các hành vi tiêu cực thì cả gia đình, nhà trường cùng phải nhận thức đúng đắn về hành vi này để có cách xử lý phù hợp”- cô Nguyễn Đoan Trang bày tỏ. 

Lý giải nguyên nhân hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên, chuyên gia Mai Mỹ Hạnh phân tích, lứa tuổi này là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với internet và điện thoại thông minh, có trải nghiệm rất khác về thế giới. Đây cũng là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với nội dung độc hại trên các phương tiện truyền thông và công nghệ như quấy rối, bắt nạt trên mạng. 

“Thế hệ Z dễ mắc các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Ngày càng trở nên đơn độc khi gánh nỗi lo không sánh bằng bạn bè đồng trang lứa. Đây cũng được gọi là thế hệ lo âu” - thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh phân tích. 

Bà nhấn mạnh, để phòng ngừa tình trạng trẻ ở lứa tuổi vị thành niên có hành vi tự hủy hoại bản thân, nhà trường, gia đình và xã hội cần cùng nhau phối hợp để gieo vào học sinh những suy nghĩ tích cực. 

“Tự hủy hoại bản thân luôn đi cùng với trầm cảm. Trầm cảm đang được xem là “ung thư tinh thần”, rất khó để can thiệp. Do vậy, khi thấy con buồn hay có các biểu hiện về sức khỏe tinh thần, cha mẹ, thầy cô nên nâng đỡ con bằng tình yêu thương, chia sẻ. Nhà trường nên lồng ghép các hoạt động chăm sóc và nâng đỡ sức khỏe tinh thần học sinh trong hoạt động giáo dục, kỹ năng sống, phối hợp với phòng tư vấn tâm lý học đường để phòng ngừa…”.

Quốc Trung

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI