Phải chống ngập bằng quy hoạch bài bản

24/08/2023 - 06:22

PNO - Dù ở địa thế cao, các quận vùng ven vẫn bị ngập khi mưa lớn. Đô thị hóa đến đâu thì ngập đến đó nên tình trạng ngập lan ra vùng ven cũng không có gì lạ.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho rằng, ngành chức năng TPHCM cần chống ngập bằng việc quy hoạch bài bản, chủ động thay vì cứ lo giải quyết những điểm ngập phát sinh.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao tình trạng ngập nước hiện nay không chỉ có ở các quận trung tâm thành phố như trước mà còn lan ra vùng ven, ngoại thành?

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá: Trước đây, vùng ven, ngoại thành chưa được đô thị hóa cao, 2 bên đường là đất tự nhiên, là cây cối, đồng ruộng nên nước thoát rất bình thường. Nay, các kênh, rạch, ao, hồ đã bị lấp đi, thay bằng nhà cửa, đường sá, công trình mới theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Cho nên, dù ở địa thế cao, các quận vùng ven vẫn bị ngập khi mưa lớn. Đô thị hóa đến đâu thì ngập đến đó nên tình trạng ngập lan ra vùng ven cũng không có gì lạ.

TPHCM biến thành biển nước sau cơn mưa lớn
TPHCM biến thành "biển nước" sau cơn mưa lớn

* Ông từng cho rằng, những chủ trương sai lầm trong phát triển đô thị khiến tình trạng ngập nặng nề hơn. Xin ông nói rõ hơn về nhận định này?

- Tôi cho rằng, có sự sai lầm khi chủ trương đô thị hóa mạnh mẽ khu vực phía nam TPHCM. Khu vực này vốn được xem là hồ điều hòa tự nhiên, giúp ngăn triều, chứa nước mưa. Nguyên lý là có bao nhiêu mét khối nước đổ xuống thì có bấy nhiêu mét khối nước cần thoát, nhưng chúng ta lại bê tông hóa mất vùng trũng thoát nước, làm mất hồ điều hòa tự nhiên. Nước mưa không có chỗ trữ, nước triều lên không có chỗ dừng đã tràn ngược vào thành phố, làm ngập đô thị. 

Các chuyên gia đã từng cảnh báo phải hết sức thận trọng khi cho phát triển ở các khu vực tây nam, đông nam TPHCM bởi đây là “túi nước” của thành phố. Nhưng thời gian qua, các khu vực này vẫn đô thị hóa mạnh mẽ, nhà cao tầng đua nhau mọc, dân càng đông thì áp lực lên đô thị càng lớn. Trong khi đó, việc đô thị hóa đáng lẽ nên tập trung vào những khu vực có địa thế cao, nền đất cứng, nằm ở phía đông bắc và tây bắc thành phố, như huyện Củ Chi, quận Thủ Đức cũ.

Nếu cứ phát triển đô thị một cách thiếu định hướng rồi chạy theo để sửa chữa các hậu quả phát sinh như kẹt xe, ngập nước thì không thể hiệu quả. Lãnh đạo đảng bộ, chính quyền thành phố phải chủ động chống ngập bằng quy hoạch tổng thể và quy hoạch phải đi trước, đón đầu.

* Vậy thì hiện tại, cần có giải pháp chống ngập bền vững nào cho TPHCM, thưa ông?

- Trong giải pháp tổng thể, cần kết hợp hài hòa các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội. Việc quy hoạch hệ thống thoát nước phải trên cơ sở phân vùng thoát nước theo điều kiện tự nhiên. Trong phát triển đô thị, phải tính toán kỹ diện tích bê tông hóa với diện tích đất trống; cần giữ lại phần diện tích đất thoáng, không được san lấp, nhằm điều tiết nước mưa, nước triều.

Hiện nay, diện tích đất bị bê tông hóa quá nhiều nên để điều tiết nước, cần phải xây dựng các hồ điều hòa. Những nơi không còn đủ diện tích thì chỉ làm hồ điều hòa kín hoặc hở; những nơi còn đủ diện tích (từ 0,5ha trở lên) thì nên xây dựng hồ sinh thái, vừa để tạo cảnh quan, vừa thoát nước.

Ở các quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Gò Vấp, không nên nén thêm nhà cao tầng, công trình vào nữa bởi sẽ khiến áp lực thoát nước và giao thông rất khủng khiếp. Còn việc đô thị hóa các quận vùng ven, huyện ngoại thành thì phải theo quy hoạch bài bản, việc xây dựng công trình phải đi kèm hạ tầng kỹ thuật. Phải đi từ giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch chặt chẽ mới mong giải được bài toán ngập nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

* Xin cảm ơn ông. 

Phạm Luận (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI