Ông rể nào cũng tinh tướng

28/07/2020 - 05:59

PNO - Mình vẫn còn ba má, mình có thể tổ chức ăn cơm gia đình, nghe ý kiến ba má, điều đó có thể hạn chế bớt phần “tinh tướng” của mấy ông con rể.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 
Gia đình em có ba chị em, nên có ba ông con rể. Có lẽ vì nhà toàn con gái, đều được ba mẹ nuôi dạy theo kiểu nhu thuận, hiền lành, nên các ông con rể trở thành tiếng nói chính quyết định mọi việc trong nhà.

Ba má em tuổi cao sức yếu, giờ quyết định ba má ở với ai, các gia đình chung sức đóng góp như thế nào để chăm lo cho ba má… là những việc bàn hoài không đi đến thống nhất được. 

Vợ chồng chị Hai cho rằng ba má cứ ở nhà ba má, vợ chồng chị thay phiên lên chăm sóc, lo cơm nước, thuê người giúp việc để buổi tối có người ở cùng nhà đỡ đần ba má.

Nhưng vợ chồng chị Ba không chịu, nói là không đủ khả năng trả tiền người giúp việc, nên muốn đón ba má về ở chung nhà để lo, còn ngôi nhà ba má thì đóng cửa để đó, hoặc cũng nên bán đi để lo thuốc thang chăm nom ba má đến tận cuối đời.

Vợ chồng em là con út, không biết tính sao giữa cuộc tranh cãi của các anh chị. Em chỉ thấy ba má là người phải chịu hậu quả của sự bất đồng ý kiến này, thật tội ông bà.

Cả ba má em đều đã lớn tuổi, việc sinh hoạt ăn uống phải có người giúp đỡ, ba thì đã lẫn, nhiều khi ra khỏi nhà không biết đường về.

Em cũng đi làm suốt, các con đều còn nhỏ, không thu xếp được thời gian để lên nhà ba má ở lại với ông bà buổi tối. Em không biết làm sao để gia đình thống nhất ý kiến, các anh em rể không ai nghe ai, ông nào cũng tinh tướng coi ý mình là đúng nhất. Thật vô cùng mệt mỏi…

Thuận Nhiên (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thuận Nhiên thân mến, 

Chăm sóc cha mẹ già yếu đang là một vấn đề lớn của các gia đình trong thời đại công nghiệp này. Các gia đình sống tách riêng, người trẻ bận rộn công việc, học hành, còn thường xuyên làm thêm, học thêm; người già sống cô đơn, những lúc bệnh tật hoặc khó khăn trong sinh hoạt không ai chăm sóc, giúp đỡ.

Đây là chuyện phổ biến, có thể bây giờ đang là chuyện riêng của gia đình ba má em, nhưng sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra ở các gia đình chị em. Vậy nên em cần kiên nhẫn nói chuyện với các anh chị, trước sau gì mọi người cũng nhận thấy cần phải có một giải pháp thống nhất, để còn sắp xếp những việc khác trong nhà nữa. 

Chuyện trong gia đình, lẽ thuận là ưu tiên ý kiến của các thành viên trong gia đình trước. Em cứ hỏi ý kiến chị Hai, chị Ba, bàn bạc với các chị. Các chị có thể hỏi ý kiến chồng, nhưng cuối cùng thì các chị em vẫn phải trao đổi và thống nhất với nhau.

Nếu các anh rể không thống nhất được, các chị em có thể phải họp riêng để nói chuyện dễ dàng hơn. Cần thống nhất những chuyện chính như khoản tiền đóng góp từ các gia đình và người chăm sóc, chuyện này sẽ quyết định những việc khác, nhỏ hơn.

Tùy hoàn cảnh kinh tế, mỗi gia đình có thể đóng góp theo khả năng, gia đình nào có điều kiện hơn có thể gánh đỡ thêm một phần. Khi có quỹ rồi, việc quyết định thuê người hay đưa ông bà về ở chung có thể được quyết định dễ dàng hơn. 

Sự hòa thuận trong mỗi gia đình rất đáng quý, nhưng khi có việc cần thiết, mình cũng phải chủ động đứng ra nêu ý kiến giải quyết. Nếu cứ tránh né mãi, những lúng túng, trách móc, bất đồng ý kiến trong việc chung sẽ ảnh hưởng đến sự hòa thuận.

Em đừng ngại gì, chị em trong nhà, cứ mạnh dạn hỏi ý kiến, nêu ý kiến của mình. Mình vẫn còn ba má, mình có thể tổ chức ăn cơm gia đình, nghe ý kiến ba má, điều đó có thể hạn chế bớt phần “tinh tướng” của mấy ông con rể. Cứ kiên nhẫn em ạ, đây là việc nhà mình, mình chủ động để ba má mình được chăm lo tốt nhất có thể. Chúc em thành công. 

HẠNH DUNG

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI