Ở vườn thú lâu đời nhất Việt Nam

17/09/2022 - 07:10

PNO - Trong số danh sách 20 kỷ lục bất biến của Việt Nam (do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings vừa công bố) có Thảo Cầm Viên Sài Gòn - vườn thú lâu đời nhất Việt Nam. Đây là một nơi chốn quen thuộc của TP.HCM, là ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ…

“Hồi đó, mình cũng được ba mẹ dắt đi Sở Thú”

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (còn gọi là Sở Thú) được người Pháp xây dựng từ năm 1864, với tên ban đầu là Vườn Bách Thảo. Giám đốc đầu tiên của Vườn Bách Thảo là nhà thực vật học Jean Baptiste Louis Pierre. Ông cũng là người đã góp công gầy dựng, ươm trồng những hàng cây cổ thụ trên các tuyến đường trung tâm Sài Gòn và công viên Tao Đàn.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn - nơi chốn quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ thơ thành phố (nguồn ảnh: Fanpage Thảo Cầm Viên - Sài Gòn Zoo & Botanical Gardens)
Thảo Cầm Viên Sài Gòn - nơi chốn quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ thơ thành phố (nguồn ảnh: Fanpage Thảo Cầm Viên - Sài Gòn Zoo & Botanical Gardens)

Năm 1956, Vườn Bách Thảo chính thức được đặt tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đây không chỉ là vườn thú lâu đời nhất Việt Nam, mà còn thuộc top 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới. Nơi này đã đón biết bao thế hệ trẻ thơ đến tham quan, vui chơi, nhìn ngắm những hươu, nai, voi, tê giác, linh dương, khỉ, ngựa vằn, gấu chó…

“Đi Sở Thú” trở thành một cụm từ thân thương trong ký ức tuổi thơ của bao người. Cho đến bây giờ, vào những dịp lễ tết, không chỉ người dân ở TP.HCM, mà từ nhiều tỉnh, thành lân cận cũng đổ về vui chơi ở Thảo Cầm Viên.

“Hồi đó mình cũng từng được ba mẹ dắt đi Sở Thú” là câu nói quen thuộc của nhiều người, giờ đã là ông bà, cha mẹ. Chị Trần Ngọc Minh Thư (33 tuổi, nhân viên văn phòng, hiện sinh sống tại quận 4) bày tỏ, bây giờ mỗi lần đưa các con đến Thảo Cầm Viên, chị đều như thấy bóng dáng tuổi thơ mình ở đó.

Thời thơ ấu của chị cũng từng gắn bó với nơi này, không nhớ hết bao nhiêu lần được ba mẹ cho đi chơi, rồi trở thành người dẫn dắt các em/các cháu và giờ là các con của mình đến đây. 

Không chỉ là điểm vui chơi, giải trí, Thảo Cầm Viên còn có một địa chỉ đặc biệt: quán Nhan Hương từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong suốt giai đoạn từ 1963-1975. Nơi này là hậu cứ quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Cùng với đền thờ Vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, quán Nhan Hương - được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố năm 2014 - cũng là một trong những điểm đến ý nghĩa cho du khách.

Hơn 150 năm, nhiều thế hệ đã lớn lên cùng ký ức với vườn thú. Nhưng nếu chỉ nhìn ngắm thôi, vẫn không thể nào hiểu hết những thăng trầm, những giai thoại/chuyện lạ về muông thú nơi này. Tiến sĩ Phan Việt Lâm - nguyên Giám đốc Thảo Cầm Viên - từng viết bộ ba cuốn sách Chuyện lạ Thảo Cầm Viên, Thực vật Thảo Cầm Viên và Thảo Cầm Viên - Chuyện lạ chưa dứt (Nhà xuất bản Kim Đồng, sách đã nhiều lần được tái bản, bản in 2019 gộp thành một cuốn có tựa chung: Chuyện lạ Thảo Cầm Viên). Là người yêu động vật, lại có thời gian công tác và gắn bó mật thiết với Thảo Cầm Viên, tiến sĩ Phan Việt Lâm đã kể cho người đọc nghe những câu chuyện thú vị, ly kỳ, hài hước, và cũng đầy yêu thương về vườn thú.

Từ những chuyến hải trình gian nan đưa thú từ các nước về Việt Nam, đến những chuyện “cười ra nước mắt” với các loài thú trong Thảo Cầm Viên. Chuyện các nhân viên vườn thú trắng đêm đi “bắt nai” ở Đồng Nai. 

Mỗi loài động vật trong vườn thú đều có riêng những câu chuyện dài, có những cá thể được nuôi lớn từ khi còn nhỏ cho đến lúc già đi. Càng đọc càng xúc động, và càng đến thăm lại càng thấy yêu thương hơn nơi này.

Vườn thú thời công nghệ

Thảo Cầm Viên ngày nay đã là một vườn thú lớn, với hơn 1.300 cá thể động vật thuộc 125 loài; cùng khoảng hơn 2.500 cây xanh thuộc hơn 900 loài thực vật, trong đó có những cây cổ thụ tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Mùa dịch bệnh, không gian rộng gần 17ha ấy vắng lặng. Vườn thú trải qua giai đoạn khó khăn nhất cùng thành phố, đến mức phải nhờ đến sự chung tay của cộng đồng, góp thức ăn cho động vật.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn – nơi chốn quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ thơ thành phố.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn – nơi chốn quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ thơ thành phố.

Nhưng cũng trong chính khoảng thời gian ấy, Thảo Cầm Viên đã thường xuyên kể những câu chuyện đáng yêu, hài hước về muông thú trên fanpage Thảo Cầm Viên - Sài Gòn Zoo & Botanical Gardens. Đó là những hình ảnh cầy vằn tha con “về thăm ngoại”, gấu nhỏ nghịch ngợm trèo cây, chim công múa, gấu ngựa lột vỏ dừa... Cũng trong mùa dịch bệnh, có những con non thuộc loài quý hiếm đã ra đời: tê tê, cầy vằn... Hình ảnh chăm sóc thú thường ngày của nhân viên vườn thú cũng được tiếp cận gần gũi hơn với công chúng. 

Ở Thảo Cầm Viên cũng ngày càng có nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị dành cho bạn nhỏ tại đây: chương trình đọc sách dưới vòm cây chủ đề “Cây xanh rì rào”, các hoạt động rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm; trải nghiệm làm tranh từ lá, vẽ tranh trên gỗ, quả, hay giấy phân voi… Với những giá trị đặc thù, Thảo Cầm Viên Sài Gòn hoàn toàn có thể tận dụng mạng xã hội để lan tỏa ngày càng nhiều hơn nữa những hình ảnh sinh động, đáng yêu, hài hước về các loài động vật. Đó cũng là cách để công chúng cả trong và ngoài nước biết đến, luôn nhớ về và được nhìn thấy những hình ảnh quý giá từ muông loài, ở một vườn thú lâu đời nhất Việt Nam.

Ngoài Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ cũng được ghi nhận vào danh sách top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam. Trong hành trình tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp danh thắng/giá trị di sản của đất nước, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã công bố các kỷ lục bất biến dành cho: Văn Miếu Quốc Tử Giám, Cầu Long Biên, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), Trạm khí tượng thủy văn Phù Liễn (Hải Phòng), Nhã nhạc cung đình Huế, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Cầu quay sông Hàn (Đà Nẵng), Động Thiên Đường (Quảng Bình), Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)… Các kỷ lục được ghi nhận nhằm lưu dấu ấn đặc biệt, giúp người dân trong nước và du khách nước ngoài có thể hiểu hơn về những di tích/danh thắng nổi tiếng của Việt Nam. 

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI