Lang thang trên thành phố xưa

15/09/2022 - 07:23

PNO - "Hồn đô thị" của Phạm Công Luận (Phương Nam Book và Nhà xuất bản Thế giới) gồm 30 tùy bút do chính tác giả chọn lọc từ bộ sách của anh - "Sài Gòn - Chuyện đời của phố "(5 tập) xuất bản từ năm 2014-2018 được nhiều độc giả yêu thích.

Như lời tựa của tác giả: “… Đọc lại bản thảo đã chọn, chợt nhớ mênh mông bao nhiêu người đã lang thang cùng tôi trên vỉa hè, ôn lại những ngày giáp tết trên con phố bán đồ cổ Lê Công Kiều, kể chuyện cũ trong hẻm Tô Châu hay trong hẻm nhỏ gần chợ Thiếc ở Chợ Lớn, nhắc nhớ ông già Áo Đen bán thịt bò khô bên bờ kênh Nhiêu Lộc, mê mải chuyện xưa mà quên cả cầm đũa trong những buổi giỗ ở ngã tư Bình Hòa…”. Với Hồn đô thị, bạn đọc sẽ được nhìn toàn cảnh Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, rồi dần đi vào cận cảnh - những con phố nhỏ, những cư dân bình dị trong suốt hơn một thế kỷ qua.

Trong sách, bạn đọc biết được câu chuyện về những người miền Bắc đem hàng thủ công mỹ nghệ vào Nam gửi cho mấy tiệm lớn ở Sài Gòn bán giúp. Bạn sẽ biết thêm về lòng hiếu khách, tính hiệp nghĩa của người Sài Gòn qua câu chuyện của nhà văn Thượng Sĩ được gia đình anh xích lô máy giúp đỡ. Bạn còn biết câu chuyện về những tháng ngày long đong của nhà văn Sơn Nam lúc mới lên Sài Gòn kiếm sống sau năm 1954 hay câu chuyện thời ấu thơ của nhà nghiên cứu Lý Lược Tam - Lý Thân…

Nhà văn Phạm Công Luận nhắc nhớ hồn đô thị Sài Gòn qua không khí ngày tết của gia đình tác giả khi xưa, từ những người xung quanh, từ bạn học cũ, từ những người sống xa Sài Gòn đã mấy mươi năm nay trở về… Đó là chậu thủy tiên trắng - món quà đơn sơ ông bố đặt mua từ Đà Lạt gửi về Sài Gòn để tặng con gái vào dịp tết, con gái bé bỏng ngày nào nay thành người mẹ đã rưng rưng nước mắt như thấy được tuổi nhỏ của mình, những ngày sống ở Hà Nội. Đó là đêm thức canh nồi bánh chưng của đôi bạn trẻ, lung linh ánh lửa, thiếu nữ mắt đen long lanh đôi má ửng hồng, chàng trai hát nhỏ vài bài vu vơ mà lòng bâng khuâng mãi mấy chục năm.

Hồn đô thị lẩn khuất trong nếp sinh hoạt của cư dân Sài Gòn với “dầu dừa, tóc mượn, vòng cẩm thạch cẩn”; qua sự đùm bọc lẫn nhau của 31 hộ người Hoa sống trong hẻm cụt số 47 đường Trần Hưng Đạo, đối diện lò bánh mì Đồng Khánh, Chợ Lớn - hẻm Tô Châu…

Tôi từng đọc Sài Gòn - Chuyện đời của phố của Phạm Công Luận, giờ đọc Hồn đô thị, tôi như được nhìn lại từng cảnh Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn qua “máy xem hình”(*) món đồ chơi tôi rất thích, do cha tôi mua cho thuở nhỏ. Tôi như một lần nữa được lang thang qua những con phố quen, hồi ức những kỷ niệm, nhớ tháng ngày yên vui thời thơ ấu. Đọc Bộ ảnh gia đình, tôi tiếc mãi hơn 300 tấm ảnh gia đình tôi chụp ở Sài Gòn suốt thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, nay chỉ giữ lại được vài chục tấm. Tôi nhớ đêm thức canh nồi bánh chưng cách đây hơn 40 năm. Tôi hát Một lần nào cho tôi gặp lại em của Vũ Thành An khi nghĩ về người bạn đang lênh đênh trên biển khơi…

Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng với tinh thần “dấn thân yêu đời” của người Sài Gòn, Sài Gòn luôn đáng yêu, đáng sống, luôn được nhớ trong lòng tác giả, trong lòng nhiều người, trong đó có tôi.

Hoàng Phương Anh

 

(*): máy xem hình giống thân máy ảnh có hai lỗ nhìn vào đĩa quay (được gắn bên ngoài vào, mỗi đĩa có 8 miếng phim, xem hết ảnh đổi đĩa khác). Khi xem, để máy hơi ngước lên trời cho có ánh sáng, xem hết ảnh này gạt cần xem tiếp ảnh kế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI