Ở nơi thất điên bát đảo

07/03/2019 - 12:00

PNO - Có một nơi, bất kỳ ai bước vào cũng được quy hoạch vô diện “có bệnh” và nhận được sự thương cảm. Ở nơi này, ai cũng phải đề phòng vì sợ mình vô tình hứng trọn cơn cuồng nộ bất thình lình của người bệnh.

7g20 ngày 28/2, vừa bước vô khu vực khám bệnh ở số 766 Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM đã thấy đám đông láo nháo bởi tiếng la hét của người đàn ông ngoài 50 tuổi. Ông vừa vung nắm đấm về phía người phụ nữ đi gần đó, vừa chửi “đồ đàn bà độc ác, tối ngày âm mưu giết chồng”.

Ở gần phòng P.007, cô gái ngoài 20 tuổi đang khóc lóc đòi chết. Cùng lúc đó, vang lên những tràng cười ngây dại, gương mặt vô hồn, những bàn tay chìa ra khung cửa sắt xin tiền ở khu điều trị nội trú nam - nữ khiến những người lần đầu đến đây không khỏi rùng mình. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì bình thường ở nơi đây - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

O noi that dien bat dao

Cô gái trẻ chửi xong, cất gọng hát cao vút tự nhiên giữa khu vực chờ khám bệnh

Hồi trước… bình thường

Người đàn ông tên Nguyễn Văn S., 56 tuổi, ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Người đi cùng là bà Mỹ - vợ ông. Vì ông lúc nào cũng trong tư thế chực đánh vợ nên bà Mỹ không dám đứng gần và luôn sẵn sàng né, chạy.

Bà phân bua với người xung quanh: “Hồi trước ổng hiền lắm, tự dưng 2 tháng nay ổng than ngủ không được rồi nói tôi ngoại tình, tôi muốn giết ổng nên ổng mới hung dữ vậy”.

Ông không đánh được vợ thì bứt rứt, đi tới lui, vặn mở cửa phòng khám này, chụp lấy sổ khám bệnh của bệnh nhân ở phòng khám kia. Một mình không giữ ông xuể, bà Mỹ nhờ tôi gọi điện thoại cho người em ở Bình Dương lên phụ. Trong lúc đó, bà luôn miệng: “Xong rồi, xong rồi, chuẩn bị về” - thì ông mới chịu ngồi yên được 2 phút.

Khi ông S. vừa mới dịu thì ở hàng ghế khu chờ khám bệnh vang lên giọng cô gái trẻ trang điểm đậm, mặc sơ-mi sọc đỏ, váy ngắn xanh. Cô tự xưng mình là diễn viên, bạn của những ngôi sao Hollywood rồi cô chửi một tràng: “Ai nói tao khùng. Tao khùng là cả dòng họ bây điên. Tao là diễn viên, ca sĩ. Tụi bây nghe tao hát là quên đường về luôn”. Chửi chán, cô đứng dậy bước ra chỗ trống cất giọng cao vút một bản nhạc nước ngoài. 

Chưa hết, tới lượt người phụ nữ cao to, được cha mẹ và cậu đưa đến khám, quát to: “Tôi bị gì mà mấy người đưa đi khám”. Người mẹ dỗ dành: “Con khó ngủ nên đến bác sĩ cho uống thuốc ngủ ngon mà”. Cô vung tay, cả ba người đều bật ra. Cả nhà lại dỗ dành dìu cô vào phòng cấp cứu ở khu vực khám theo chỉ định của bác sĩ (BS), vì cô có dấu hiệu bị kích động.

Vừa đến phòng P.006, cô khựng lại hỏi: “Sao bắt tôi vô đây? Vô chích thuốc hả?”. Người mẹ dỗ ngọt: “Không chích, vô đây nằm nghỉ thôi con”. Một lúc sau, cô gào thét khi thấy điều dưỡng cầm kim tiêm. Cô lao ra cửa, đẩy ba người thân, cùng hộ lý nam và hai điều dưỡng đang khống chế mình. Rồi cô băng băng qua phòng P.004 - nơi vừa được BS khám bệnh. Cô đập cửa, đá tung hai lá sách cửa nhôm của phòng khám.

Ba bảo vệ chạy vô “lấy dây mau lên”. Cô được trấn áp đưa vô khu nội trú nữ. Người mẹ dặn dò nhân viên: “Không nhập viện nghen cô”. Còn cha và cậu kiên quyết: “Nhập viện đi, về nhà nó quậy ai can nổi”. Người cậu buồn bã kể: “Trước đây, nó bình thường, làm giáo viên. Nhưng hình như vợ chồng có chuyện, nó trở nên ít nói, giống bị trầm cảm. Tôi khuyên đi khám, nhưng nó không nghe. Nào ngờ, mới đây nó sốc chuyện gì đó, lên cơn điên loạn cả tuần nay”.

Xảy ra với bất kỳ ai

O noi that dien bat dao

Bảo vệ, hộ lý khá vất vả khi có bệnh nhân lên cơn trong lúc chờ khám bệnh

Trong lúc tôi đứng ngay lối đi ở khu vực chờ khám bệnh trước phòng P.012, có người đàn ông ăn mặc lịch sự đi nhanh về phía tôi. Như phản xạ, tôi né qua một bên thì ông chồm tới vỗ vai người đàn ông đang ngồi sau lưng tôi: “Ủa, ông đến lâu chưa? Ngoài đường kẹt xe quá trời”. Thấy tôi nhìn, ông hỏi: “Con cũng đi khám mất ngủ hả?”.

“Cuộc sống nhiều lo toan, giờ nhiều người bị stress quá, không mất ngủ sao được”. Ông cho biết đã bị mất ngủ hơn 20 năm, rồi chỉ quanh, giọng hóm hỉnh: “Toàn là đồng môn của tôi. Mất ngủ mà chữa trễ cũng phát điên chứ không giỡn đâu”.

Sự đề phòng của tôi không thừa, bởi có những người đang ngồi thì bị người ngồi kế bên chửi, thậm chí tát vô mặt, vỗ vô đầu. Tôi đã chứng kiến người phụ nữ khoảng 30 tuổi tự dưng vỗ bộp vào đầu cô gái ngồi phía trước rồi chửi: “Đồ đàn bà lăng loàn, giật chồng người khác”.

Người chồng rối rít: “Chị thông cảm, bả bị hoang tưởng ghen tuông, gặp phụ nữ là chửi, là đánh”. Vì vậy, vào đây ai cũng đề phòng, sợ mình hứng trọn cơn cuồng nộ bất thình lình của người bệnh. Thế nhưng, ẩn sau đó là tình người ấm áp và cả tiếng cười.

Nhìn cảnh bà Mỹ né đòn và tất tả chạy theo ông S. ai cũng đau lòng vì thấy có bóng dáng sự bất hạnh của gia đình mình. Khi bà đứng ngay cửa phòng khám, đợi BS bên trong xem giấy tờ còn người chồng bỏ ra ngoài, bà hết sức bối rối. Đúng lúc đó, một phụ nữ ngoài 40 tuổi lên tiếng: “Chị lo việc đi, tôi coi ổng giùm cho”. Vừa nói cô vừa chạy theo ông: “Anh ơi, quay vô. Anh bỏ đi, vợ anh khóc kìa”.

Ông S. đứng lại nhìn cô rồi đi tiếp ra đường. Cô chạy theo, đổi chiến thuật: “Anh trở vô mau, không thì BS bắt trói và chích thuốc đó”. Nghe vậy, ông S. mới dừng lại. Lúc này, bà Mỹ đuổi kịp hai người. Cô thở hổn hển: “Trời ơi, tôi giữ ổng có 10 phút mà mệt đứt hơi, còn chị phải giữ cả ngày lẫn đêm”.

Lúc 13g15, không gian tĩnh lặng trong giờ nghỉ trưa của nhân viên bị náo động bởi tiếng gọi thất thanh của cô gái trẻ trước phòng điều trị nội trú nữ: “Chị Lon (Loan) ơi! chị Lon!”. Khi hộ lý kêu giữ yên lặng, cô la to hơn: “Cho em gặp chị Lon, em muốn gửi quà cho chị Lon”. Trong lúc hộ lý mở cửa để nhờ bảo vệ hỗ trợ, cô lách người qua khe cửa hẹp vào trong: “Em là bệnh nhân cũ ở đây. Em muốn vào thăm chị Lon”.

Rồi cô nhoài người vô song cửa sắt, chuyền cho người phụ nữ bên trong hộp sữa, “chị nhớ giữ sức khỏe để mau về nghen”. Xong, cô bước ra nói với cô hộ lý: “Em cảm ơn chị Trang”. Vừa bước đi, sực nhớ ra điều gì, cô quay lại: “Đây là địa chỉ và số điện thoại của em, chị Lon nhớ liên lạc với em nghen”...

Hộ lý Nguyễn Văn Sáu, có hơn 30 năm làm việc ở đây, cho biết: “Người bệnh thương nhau lắm, có đồ ăn chia nhau, có ly cà phê cũng chia nhau uống”. Tôi nhớ đến bệnh nhân K. - cây hài ở nơi này. Mỗi ngày mấy lượt, anh cầm xấp tiền, đứng sau cửa sắt khu nội trú la lớn “cô bác lại đây em lì xì mỗi người 2.000 đồng”. Có người chìa tay ra, rồi rụt tay lại “giỡn thôi”, thì anh K. cười giòn tan: “Em cũng giỡn thôi, chị nghĩ sao, chị người khỏe mà lấy tiền người bệnh”. 

Nơi đặc biệt này đã dung nạp mọi sự thất điên bát đảo của cuộc đời với tinh thần bình thản nhất có thể. Nhìn những người trẻ nhe răng cười vô thức, hay lảm nhảm một mình, chửi bới người khác trong khi “trước đây hiền lắm” mới thấy không điều gì quý giá hơn một tinh thần khỏe mạnh. Và khoảng cách từ nhà đến đây cũng không xa, có thể xảy ra với bất kỳ ai. Vì áp lực cuộc sống, ai cũng có thể “nổi điên” nếu không cân bằng được. 

16% dân thành phố có thể có vấn đề sức khỏe tâm thần

Theo BS Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định 800 lượt, tăng 10-15% mỗi năm.

Trong nhiều năm qua, những điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp trong dân tại thành phố cho thấy, có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong số này, có một số bệnh thường diễn tiến mạn tính như tâm thần phân liệt 0,3-1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện hoặc lạm dụng rượu 5%, đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ... Hiện bệnh viện đang quản lý 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 8.000 bệnh nhân động kinh.

Một trong những nguyên nhân khiến các bệnh về tâm thần gia tăng là do áp lực công việc, học tập căng thẳng, gánh nặng mưu sinh… Đáng lo ngại là nhiều người bỏ qua những triệu chứng ban đầu mà họ cho là bình thường như mất ngủ, lo âu… đến khi phát hiện ra bệnh thì tình trạng đã nặng.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI