Ở nhà mùa dịch, trẻ cận thị tăng

29/06/2021 - 06:18

PNO - Các chuyên gia khuyến cáo việc ở nhà nhiều, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, sử dụng nhiều thiết bị điện tử là nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị cận thị tăng cũng như tăng độ...

Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ tăng số, cận thị trong mùa COVID-19 vì trẻ ở nhà và sử dụng nhiều thiết bị điện tử
Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ tăng số, cận thị trong mùa COVID-19 vì trẻ ở nhà và sử dụng nhiều thiết bị điện tử

Trẻ tăng độ cận mùa COVID-19 

Con gái 12 tuổi bị cận thị hai năm nay nhưng thời gian gần đây, chị N.T.H. (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) thấy con nhìn khó khăn hơn dù vẫn đeo kính. Trẻ thường xuyên nheo mắt, tiến sát ti vi dù khoảng cách từ ghế sofa tới màn hình chỉ khoảng 3m. Phát hiện sự bất thường, chị đưa con tới bệnh viện thăm khám và kết quả con đã cận 3 đi-ốp, tăng 1 đi-ốp so với kính cũ.

Tương tự, thấy cậu con trai lớp Một thường xuyên kêu đau đầu, mỏi mắt sau những giờ học online, chị P.T.M. (Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) đưa con đi khám và bất ngờ khi con đã cận tới 2 đi-ốp. 

Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô, cho hay trường hợp của gia đình chị H., chị M. chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp cha mẹ đưa con tới bệnh viện khám mắt thời gian gần đây. Theo đó, dù trong bối cảnh dịch phức tạp, song lượng bệnh nhân tới bệnh viện khám tật khúc xạ không hề giảm mà còn có xu hướng tăng. “Đáng lưu ý, nếu trong 10 trẻ tới khám thì có tới 7-8 trẻ bị tăng độ và phải thay kính”, bác sĩ Thu Thủy nhấn mạnh.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (TP. Hà Nội) cũng vừa cảnh báo về tình trạng số bệnh nhân tới khám về tật khúc xạ mắt tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân lớn nhất, theo bệnh viện là do trẻ chịu tác động mạnh từ việc ở nhà quá lâu trong bối cảnh dịch COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp. 

Bác sĩ Thu Thủy chia sẻ: “Có rất nhiều cha mẹ khi đưa con tới khám đều than phiền, khoảng 3 - 6 tháng qua, do dịch bệnh, trẻ hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là gần đây, việc học online, sử dụng nhiều thiết bị điện tử khiến tình trạng cận thị trở nên trầm trọng hơn. Nhiều gia đình do cha mẹ bận đi làm, con ở nhà một mình nên cũng không kiểm soát được thời gian trẻ xem ti vi, điện thoại...”.

Bên cạnh việc tiếp xúc ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, gây hại cho mắt, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, khi trẻ ở nhiều trong nhà, đặc biệt là với những căn nhà ống, thiếu ánh sáng tự nhiên cũng khiến cho mắt bị giảm thị lực. 

“Một nguyên nhân khác ít người ngờ tới đó là khi ở trong nhà, tầm nhìn của mắt bị bó hẹp trong các bức tường. Về nguyên tắc, khi nhìn ở khoảng cách trên 6m, mắt sẽ không phải điều tiết nhiều. Đây được xem là tình trạng thư giãn của mắt. Ngược lại, khi không đạt khoảng cách này, mắt buộc phải điều tiết nhiều hơn và trở thành nguy cơ gây ra tật khúc xạ. Một nghiên cứu đã chỉ ra, tại vùng nông thôn, miền núi, tỷ lệ trẻ cận thị thấp hơn một nửa so với thành phố, trong đó có yếu tố trẻ được thư giãn mắt nhiều hơn ở không gian rộng lớn”, bác sĩ Thu Thủy phân tích.

Làm gì để giảm nguy cơ cận thị mùa dịch?

Để bảo vệ đôi mắt trong bối cảnh dịch COVID-19 trẻ phải ở nhà nhiều, các bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện quy tắc 20/20/20. Cứ 20 phút, trẻ nên được nghỉ ngơi 20 giây nhìn vào một vật cách xa khoảng 6m. Bác sĩ Thu Thủy cũng nhấn mạnh, phụ huynh cần chú trọng ánh sáng tự nhiên trong nhà, đặc biệt là phòng học để giảm mỏi mắt cho trẻ.

Hoạt động ngoài trời là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bệnh cận thị
Hoạt động ngoài trời là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bệnh cận thị

Sử dụng các thiết bị điện tử là điều không tránh khỏi khi học trực tuyến, song sau mỗi tiết, trẻ cần nghỉ ngơi mắt bằng việc rời khỏi bàn học, mát-xa mắt, nhìn ra xa ở khoảng cách trên 6m để mắt được thư giãn. Màn hình vi tính, điện thoại, iPad cài đặt mức độ ánh sáng trung bình, vừa phải với ánh sáng trong phòng. Việc xem màn hình trong phòng thiếu ánh sáng dẫn đến mỏi mắt và nguy cơ tổn thương võng mạc.

Hoạt động ngoài trời là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bệnh cận thị. Tuy nhiên, do COVID-19, nếu trẻ phải hạn chế ra ngoài, các chuyên gia khuyến cáo trẻ thường xuyên tập luyện mắt, nhìn ra từ cửa sổ, ban công, đặc biệt nhìn ra các khoảng xanh sẽ làm giảm nguy cơ cận thị tăng độ. 

Khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường như mỏi mắt, nhất là đau đầu, cha mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám. Lưu ý, không nên tùy tiện cắt kính cho con bởi nếu đeo kính không đúng độ của mắt sẽ rất dễ làm mắt bị mỏi cũng như lên độ nhanh hơn. Theo lời khuyên của bác sĩ, những người bị cận dưới 0,75 độ không cần phải đeo kính thường xuyên, cận từ 1 - 2 độ nên đeo kính khi nhìn các vật ở xa. Ngoài ra, phụ huynh nên đưa con đi khám mắt định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để đo độ cận, sử dụng kính đúng với tình trạng mắt. n

Không có thuốc nhỏ mắt chữa được cận thị

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều loại thuốc được quảng cáo có khả năng phòng và chữa cận thị, là sản phẩm cần thiết trong mỗi gia đình trong mùa COVID-19. Bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi cận thị. Việc tự ý dùng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng được chất lượng, không được nghiên cứu và công bố rõ ràng… sẽ rất nguy hại cho sức khỏe nói chung và đôi mắt nói riêng.

Theo bác sĩ Việt Sơn, hiện nay, chỉ có ba phương pháp để điều chỉnh tật khúc xạ là đeo kính mắt thông thường, sử dụng kính áp tròng và phẫu thuật. 

Bác sĩ nhấn mạnh, mỗi bệnh nhân cần đo rất kỹ để ra một thông số, từ đó có phương pháp điều chỉnh phù hợp, tránh nghe theo những lời quảng cáo thiếu căn cứ, có thể làm tình trạng mắt trở nên tồi tệ hơn.

Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI