Nửa thế kỷ trước, sách và hoa...

30/01/2025 - 17:29

PNO - Những bài viết gieo hạt cho tâm hồn trẻ thơ, khuyến khích các em nhỏ đọc sách và làm "kế hoạch nhỏ" đã được nhìn thấy trên báo chí từ những năm 1980.

Trong nhiều số báo (giai đoạn 1979-1988, nguồn tư liệu còn lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam), báo Sài Gòn Giải Phóng đều có những chuyên mục dành cho thiếu nhi: Các em học các em chơi, Các em đọc sách mới, Các em vui Tết...; cũng như in thơ thiếu nhi của các tác giả: Thế Hưng, Hồng Hải, Hồ Sĩ Thành, Bùi Việt Phong, Trần Mộng Hoàng...

Mục Các em học các em chơi thường xuyên ca ngợi những tấm gương người tốt việc tốt, trò giỏi trò ngoan, vở sạch chữ đẹp, đưa tin về phong trào "kế hoạch nhỏ" trong cả nước...

Trẻ em được khuyến khích vẽ tranh mùa xuân
Trẻ em được khuyến khích vẽ tranh mùa xuân - Ảnh chụp lại từ nguồn tư liệu báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1979

Trên số báo ra ngày 12/1/1979, trong chuyên mục Các em đọc sách mới có bài viết Bạn hãy nghe: ''Chú dế đàn..." của tác giả Phan Cung Việt. Đây là bài giới thiệu tập thơ mới được nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành năm ấy. Trong đó có những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của non sông gấm vóc: Mũi Cà Mau đi, Trăng và diều, Bông trang đỏ chị Sáu, Tiếng sóng trưa Thuận Hải...

"Đèn cũng nhớ mẹ

Nhưng đèn không về

Cái sóng hắt qua

Đèn không chịu tắt

Đèn thức hết khuya

Soi cho biển học..." - trích bài thơ Mũi Cà Mau đi.

Bài viết cũng lồng ghép câu chuyện kể về em bé thích đọc sách và những thông điệp truyền cảm hứng cho trẻ nhỏ: "Phải làm sao đây cho xứng đáng? Phải làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, phải chăm ngoan. Đây là một cuộc thi đua ngầm rất thú vị đấy. Cả thế giới tuổi thơ đang thi ngoan, thi giỏi. Ai ngoan hơn nào?".

Sàu 4 ngày khởi hành từ Thành phố mang tên Bác,
Sau 4 ngày khởi hành từ Thành phố mang tên Bác, đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đã đến Hà Nội thực hiện "kế hoạch nhỏ"

Phong trào kế hoạch nhỏ những năm cuối thập niên 1970 cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Ngày 30/12/1978, Đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đã đến Hà Nội, với chiến dịch thu gom 4.000kg giấy vụn để đưa về nhà máy chế biến ra giấy mới.

"Từ đó, phong trào kế hoạch nhỏ đã bước sang một cao trào mới. Các em khắp nơi không chỉ có nhặt giấy, thủy tinh, kim khí, đồ nhựa vụn, lông vịt..., mà các em ở vùng nông thôn, ven biển, vùng trung du đã hăng hái trồng trọt, chăn nuôi, thả cá, bắt tôm cua..." - theo Sài Gòn Giải Phóng ngày 17/1/1979.

Thơ của các tác giả Trần Quốc Toàn
Thơ của các tác giả Trần Hữu Phúc Tiến, Trần Quốc Toàn - năm ấy còn là học sinh

Những cái tết đối với tuổi thơ những năm thập niên 1970, 1980 dẫu vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng đầy ý nghĩa và rộn ràng. Các cửa hàng đồ chơi mở cửa phục vụ xuyên tết bán bánh kẹo, pháo, đồ chơi trẻ em, nước giải khát... Đặc biệt những mùa xuân ấy còn đốt pháo, thanh âm rộn rã mừng năm mới đã được gieo vào thơ:

...Bỗng một buổi sớm mai

Pháo nổ ran, Tết đến

Những lúa và cao lương

Cũng buông dây lủng lẳng

Tràng nổ dài, vui lắm

Bé nhớ về phố yêu

Quê mới càng thêm đẹp

Nhiều dây pháo lên theo

(Trích bài thơ không ký tên tác giả, chỉ ghi "Khu kinh tế mới, Tây Ninh 1978").

Dịp tết, các em nhỏ cũng được tổ chức và khuyến khích tham gia cuộc thi vẽ tranh. Các tranh vẽ chất lượng sẽ được đăng báo và triển lãm mừng xuân - bên cạnh tranh cổ động toàn quốc.

Chợ Hoa
Chợ hoa Nguyễn Huệ vào mùa xuân năm 1979 - Ảnh in trên Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 26/1

Bên cạnh những giá trị tinh thần, các vấn đề về giáo dục-y tế, sức khỏe-dinh dưỡng của trẻ nhỏ cũng được đặc biệt quan tâm.

Toàn thành phố năm 1988 có hơn 200 ngàn trẻ em chưa vào nhà trẻ, khoảng 100 trẻ chưa học mẫu giáo, tình trạng phòng học xuống cấp, bị chiếm dụng để tổ chức sản xuất/cho thuê...còn diễn ra nhiều nơi (theo bài viết Chăm sóc thiếu nhi không thể chỉ với ước mơ, tác giả Mai Lan, báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra 31/1/1988).

Báo không ngừng khuyến đọc và góp phần nâng cao giá trị tinh thần cho người dân, đặc biệt với các em nhỏ. Trên số báo ngày 31/1/1988 có bài phỏng vấn nhà văn Vũ Tú Nam (Giám đốc nhà xuất bản Tác Phẩm Mới) về giá trị của sách.

"Sách hay kích thích sự phát triển văn học, vừa có ích cho người đọc vừa tạo nhiều thuận lợi cho việc in và phát hành. Đây là cách tốt nhất - và khó nhất - để hưởng ứng Nghị quyết của Bộ Chính trị (*)" (chia sẻ của nhà văn Vũ Tú Nam, trong bài Không ai có thể vùi dập một cuốn sách hay hoặc...)

Một trong những số báo đầu năm
Một trong những số báo đầu năm

Những mùa xuân của gần nửa thế kỷ trước, bên cạnh "việc nhà, việc phường, việc xã, lo quốc sự, bộn bề công chuyện" thì những giá trị tinh thần vẫn luôn được đặc biệt chú trọng. Thậm chí có năm, sách báo và đờn sáo hát xướng được xem là "đáng được xếp vào một trong những việc có ý nghĩa nhất của thành phố năm rồi" vì là "sự đỡ đầu văn hóa", có thể "đưa con người nhẹ nhàng bước vào năm mới".

LỤC DIỆP

(*) Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới", ngày 28 tháng 11 năm 1987. Bài phỏng vấn nhà văn Vũ Tú Nam trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 31/1/1988 cũng xoay quanh nội dung về Nghị quyết này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI