NSƯT Trung Anh: Tạo dựng hạnh phúc từ chính sức lực, tài năng

23/06/2015 - 17:38

PNO - PN - Nghệ sĩ Trung Anh được nhắc đến cùng với hàng loạt vai diễn kịch nói làm nên tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của sân khấu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Được đánh giá là diễn viên trẻ tài năng từ năm 1987, cùng với Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Lan Hương, Thu Hà... anh đóng góp cho các vở từng gây tiếng vang như Sống bằng tên người khác (tác giả Hà Đình Cẩn); Ngụ ngôn năm 2000, Cuộc phiêu lưu của những tâm hồn (tác giả Lê Hoàng); Người về từ thiên đường (tác giả Doãn Hoàng Giang); Biển cồn cào (tác giả Anh Biên)... Khi định hình vững vàng hơn, Trung Anh trở thành một trong những gương mặt được xem là “lực lượng nghệ sĩ tài năng nhất” của Nhà hát, đảm nhận những vai diễn nặng ký cho những vở diễn quan trọng. Trong đó, phải kể đến vở Trần Thủ Độ (tác giả Nguyễn Anh Biên, Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995).

Đời sống sân khấu lên bổng, xuống trầm, nhiều nghệ sĩ lớn của Nhà hát Kịch ra đi, đã có lúc Trung Anh muốn chia tay, nhưng niềm đam mê đã giữ anh ở lại...

TRẢI NGHIỆM GIÚP “CHÍN” HƠN VỚI NHÂN VẬT

NSUT Trung Anh: Tạo dụng hạnh phúc tù chính súc lục, tài nang

* Xin bắt đầu bằng điện ảnh, từ bộ phim truyền hình gần đây nhất mà anh tham gia - Hôn nhân trong ngõ hẹp. Vai diễn này mang dấu ấn can thiệp rất rõ nét của anh ở góc độ một diễn viên?

NSƯT Trung Anh: Lúc nhận vai diễn này tôi đang đi quay phim Thầu Chín ở Xiêm. Tranh thủ thời gian đọc kịch bản qua email, tôi thấy vai ông bố mà mình được mời có gì đó không ổn, thiếu nhất quán và chưa rõ nét lắm. Tính nhỏ nhen, ích kỷ, nhiều tình tiết gây hài không hợp lý của ông Minh khó thống nhất với hình ảnh một ông bố muốn giữ gìn nền nếp gia phong mà phim muốn thể hiện.

Rất may, khi trao đổi với Vũ Trường Khoa, tôi nhận được sự đồng tình của đạo diễn, chúng tôi thống nhất sẽ làm sắc hơn vai diễn ông Minh, trong đó lý lịch của nhân vật gần như thay đổi những nét chính.

* Trong thời buổi phim truyền hình mỗi ngày quay một tập như hiện nay, có lẽ việc diễn viên can thiệp vào xây dựng hình ảnh nhân vật từ trong kịch bản cũng không nhiều. Anh thấy vai diễn người cha có làm nổi bật thông điệp của bộ phim về những vấn đề của hôn nhân trong xã hội hiện đại?

- Có lẽ đấy là quan điểm nghề nghiệp của lớp nghệ sĩ như chúng tôi, đã làm thì cố gắng làm cẩn thận nhất trong điều kiện có thể. Hơn nữa, tôi cũng đã hợp tác với Vũ Trường Khoa ở nhiều phim, Khoa là đạo diễn làm việc cởi mở, nghiêm túc. Cậu ấy thường sử dụng hai máy quay, tạo điều kiện cho diễn viên có thể sửa chữa, thay đổi trong những tình huống cần thiết.

Về vai diễn người cha, trước tiên phải nói đến tổng thể bộ phim. Lúc đầu câu chuyện này có tên Sau bảy năm hạnh phúc với cốt truyện là những biến động của gia đình sau hôn nhân, từ những cặp mới cưới đến vợ chồng trẻ sau dăm bảy năm chung sống, cả vợ chồng già đã gắn bó với nhau mấy chục năm. Trong đó, ba cặp vợ chồng con cái ông bà Minh dù có lúc vượt ra khỏi khuôn khổ nhưng sâu thẳm trong mỗi người vẫn có ý quay về, cũng là bởi sự níu kéo của một gia đình có nền tảng mà ở đó ông Minh - một cán bộ về hưu ở Hà Nội luôn có ý thức giữ gìn.

Vai diễn người cha trong phim không chỉ tượng trưng cho “lối đi về” của những người con, mà bản thân ông còn là một người chồng trong mối quan hệ gắn bó nhưng hết sức “khắc khẩu” với bà vợ đảm đang và có tí đồng bóng. Vai diễn ông Minh có vai trò làm nổi các nhân vật chính và chủ đề của phim.

* Mấy chục năm làm diễn viên sân khấu và điện ảnh mà còn nhiều trăn trở thế, vậy vai diễn điện ảnh nào thuở mới vào nghề khiến anh hài lòng?

- Đó là vai một vị chỉ huy đại đội trong phim Đồng đội của đạo diễn Hà Sơn, quay năm 1987, khi ấy tôi đã tốt nghiệp lớp diễn viên khóa I của Nhà hát Kịch Việt Nam, vừa thực hiện xong hai năm nghĩa vụ quân sự cùng với Quốc Khánh, Đỗ Kỷ.

Thú thật, khi vào vai tôi đã mang tâm thế, kinh nghiệm sống của một người có hai năm trải nghiệm trong quân ngũ để thể hiện hình tượng người lính, cũng như những đấu tranh nội tâm của anh trong chiến đấu. Trong đó có nỗi sợ hãi bình thường của con người trước sự sống-cái chết, bên cạnh đó là bản năng của người lính, vượt qua tất cả để chiến đấu khi chứng kiến người bạn thân và bạn gái của mình hy sinh.

Tôi hài lòng khi thể hiện hình tượng một chỉ huy đại đội trẻ một cách rất con người, đồng thời cũng lý giải sâu sắc sự chuyển biến tâm lý và thái độ dứt khoát của anh trong những giờ phút sinh tử của cuộc chiến.

NSUT Trung Anh: Tạo dụng hạnh phúc tù chính súc lục, tài nang

NSUT Trung Anh: Tạo dụng hạnh phúc tù chính súc lục, tài nang

Trong phim Hôn nhân trong ngõ hẹp

* Đi nghĩa vụ quân sự hai năm trong khi vừa tốt nghiệp trở về nhà hát, hẳn giai đoạn này cũng là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của anh?

- Thú thật, khi tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên của nhà hát kịch, tôi cũng như bạn bè lúc bấy giờ đều mong được thể hiện mình bằng các vai diễn. Thực hiện nghĩa vụ quân sự ở biên giới lúc ấy quả thực cũng là một thử thách với chúng tôi. Nhưng sau này nhìn lại, mới thấy đó là hai năm trải nghiệm và rèn giũa mình ghê gớm.

Tôi nhớ bộ phim điện ảnh đầu tiên chúng tôi tham gia chính là trong thời gian ở quân ngũ này. Lúc đó đạo diễn Bạch Diệp làm phim Trừng phạt có lên đơn vị xin phép cho bốn chúng tôi gồm tôi, Trọng Trinh, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh về làm phim. Lúc đầu đơn vị không cho, sau đó đạo diễn Bạch Diệp phải xin giấy của Tổng cục Chính trị thì chúng tôi mới được rời đơn vị theo đoàn đi quay tại Huế và một số nơi khác.

Thời điểm ấy, vừa được tạm rời môi trường kỷ luật của quân ngũ, lại được đi đóng phim, với chúng tôi quả là sung sướng.

SÂN KHẤU LÀ MÁU THỊT

* Điện ảnh đã đồng hành với anh ngay từ buổi đầu làm nghề. Còn sân khấu, 30 năm buồn vui với biết bao số phận, những vai diễn nào còn ám ảnh anh?

- Với tôi, sân khấu đã ăn vào máu, luôn thôi thúc trong con người mình dù đời sống sân khấu đầy những thăng trầm, thử thách người nghệ sĩ. Tôi còn nhớ thời hoàng kim của sân khấu, người ta xếp hàng dài ở Nhà hát Kịch tới tận sát Nhà hát Lớn để mua vé.

Nhiều vở diễn, thậm chí công chúng còn phải nhờ cậy để có vé vào xem, như vở Nhân danh công lý (tác giả Võ Khắc Nghiêm, đạo diễn Doãn Hoàng Giang) - một vở diễn gây tiếng vang khắp cả nước.

NSUT Trung Anh: Tạo dụng hạnh phúc tù chính súc lục, tài nang

NSƯT Trung Anh và gia đình

Riêng tôi, mấy chục năm gắn bó với ánh đèn sân khấu, có nhiều vai đoạt giải, nhưng tôi lại nhớ và thích vai một kép đàn mù trong vở Khúc đoạn trường của Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn Lê Hùng, cách đây chừng 20 năm. Nhân vật kép đàn yêu một ả đào, số phận hai người nổi trôi, lên bổng xuống trầm cũng đồng thời phản ánh những biến động dữ dội của xã hội.

Bên cạnh đó, tôi thấy hài lòng với vai diễn kỹ sư chế tạo máy Lê Hoàng, rất giỏi nghề nhưng cũng rất hồn nhiên, ngây ngô trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tôi nghĩ nhân vật ấy đã hồn nhiên một cách hợp lý để tải hết những lời thoại ngơ ngác trước cuộc đời của anh, cũng là của con người trong bối cảnh ấy. Một thông điệp về việc tạo dựng hạnh phúc bằng chính sức lực, tài năng của mình chứ không phải từ sự mơ mộng viển vông.

* Và tôi nghĩ đó cũng là “thông điệp” của chính cuộc đời và sự nghiệp của NSƯT Trung Anh. Thưa anh, đã coi sân khấu như máu thịt, chắc hẳn anh xót xa trước sự “lép vế” của sân khấu trong đời sống hôm nay...

- Chả nói ở đâu xa, chỉ riêng ở Nhà hát Kịch Việt Nam, là một nhà hát kịch quốc gia nhưng lại không có rạp hát riêng, thì có nên nói đến vấn đề gì khác, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều sự lựa chọn trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng như hiện nay!

Một vấn đề nữa, tôi nghĩ cũng nên làm, đó là bán vé trực tiếp tại nhà hát để tạo dựng lại thói quen đến với sân khấu của khán giả. Đành rằng khó nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam bây giờ không khác gì một “gánh hát”, chỉ khác là một “gánh hát” lớn mà thôi.

NSUT Trung Anh: Tạo dụng hạnh phúc tù chính súc lục, tài nang

* Ba mươi năm gắn bó với sân khấu, anh thấy ngưỡng mộ và yêu thích những nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu nào?

- Có nhiều đạo diễn tôi không có cơ hội làm việc cùng nhưng vẫn rất ngưỡng mộ như NSND Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức. Còn trong số các đạo diễn đã từng cộng tác, tôi thấy NSND Lê Hùng là đạo diễn có tài. Với các nhà viết kịch thì tôi thích Lưu Quang Vũ, Lê Hoàng cho dù đấy là hai tác giả thuộc hai dòng kịch khác nhau.

* Với riêng anh, ngoài đam mê, gia đình có phải là hậu phương vững chắc cho anh thỏa chí với nghề?

- Tôi lập gia đình muộn, nhưng may mắn là bà xã tôi rất hiểu và tôn trọng nghề nghiệp của chồng. Cô ấy làm việc trong ngành kế toán, nhưng lại rất quan tâm, thường xuyên chia sẻ về những vai diễn của tôi ở góc độ một khán giả. Việc chăm sóc, lo lắng chuyện học hành của hai con gần như một tay vợ tôi lo liệu. Thú thật, lắm lúc tôi cũng muốn giúp vợ nhiều hơn nhưng vì công việc nên cứ đi suốt (cười).

* Xin cảm ơn anh, chúc anh dù với sân khấu hay điện ảnh cũng không bao giờ nguôi đam mê để có thể cống hiến cho khán giả những vai diễn lay động người xem.

CAO BẢO HÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI