NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch: "Ông bầu", đạo diễn không danh xưng

30/10/2020 - 15:31

PNO - Có nhiều đóng góp cho sân khấu nhưng đến cuối đời, ông ra đi không mang theo bất kỳ danh xưng nào, chỉ mong giữ trọn tình với nghề.

35 năm ngày mất của cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp kết hợp với gia đình ông tái bản cuốn Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu (xuất bản lần đầu năm 2004). Tại buổi ra mắt sách có nhiều nghệ sĩ tham dự, mang theo những ký ức ấm áp về người nghệ sĩ tận tụy với nghề. 

Quyển sách được tái bản sau 16 năm
Ấn phẩm được tái bản sau 16 năm

Đạo diễn Thanh Hạp cho biết, ngoài Đoàn Cải lương Nam Bộ, NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch còn có nhiều đóng góp với nhiều đoàn ở các địa phương khác như Hòn Gai (Quảng Ninh), Thanh Hoá, Quảng Bình từ thời kháng chiến về sau này. 

Trong đó, sự kết hợp giữa NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch và NSND Tám Danh đã tạo nên nhiều thành tựu cho sân khấu cải lương, có thể kể đến như vở Võ Thị Sáu, Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Máu thắm đồng Nọc Nạn.

Trong ký ức của đạo diễn Thanh Hạp, NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch luôn là vị trưởng đoàn “đi trước về sau”. Ông luôn đến sớm nhất để phụ anh em hậu đài dựng sân khấu mà không nề hà vị trí, cấp bậc. Xong việc, ông quay sang lo cho diễn viên trong đoàn. Xong suất diễn, ông luôn là người ở lại cuối cùng.

“Tôi vẫn nhớ năm 1962, trong 22 ngày, chúng tôi có 20 suất diễn liên tục. Trời mưa gió, chú Bảy (NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch - PV) vẫn đi theo bộ phận làm sân khấu. Diễn xong, chú ở lại gỡ sân khấu, rồi chuyển đi cùng anh em. Xong sân khấu, chú lại quay sang với những công việc khác của đoàn, không ngơi nghỉ”, đạo diễn Thanh Hạp nhớ lại.

Đạo diễn Thanh Hạp
Đạo diễn Thanh Hạp

Với những đóng góp trong suốt chặng đường dài, nhiều ý kiến cho rằng NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch lẽ ra phải được phong tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên, gia đình ông cho biết trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, ông không xem trọng danh hiệu. Vì thế, mộ phần chỉ để tên tuổi, quê quán, ngày sinh, ngày mất chứ không có danh hiệu hay thông tin gì khác.

“Chức tước, danh hiệu cũng như chiếc ghế người ta đặt mình ngồi vào. Đến khi người ta lấy ghế lại, mình ngồi bẹp xuống đất, thế mà yên tâm rồi về với đất”, chị Nguyễn Thị Hậu, con gái NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch thuật lại câu nói quen thuộc của cha.

Chị Nguyễn Thị Hậu, con gái cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch
Chị Nguyễn Thị Hậu, con gái cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch

NSƯT Lê Thiện gắn bó với NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch từ những ngày đầu vào nghề, khoảng năm 1955. Bà cho biết, ông là trưởng đoàn kiêm đạo diễn nhưng mọi người chỉ gọi ông là anh Bảy, chú Bảy hoặc chỉ đơn giản là Bảy chứ chưa bao giờ có thêm từ gì đứng trước vì ông rất thân thiện, hoà nhã với mọi người.

“Sự nghiêm túc trong nghề, kỹ năng làm quản lý đoàn hát của tôi sau này chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chú. Chú làm trưởng đoàn nhưng rất gần gũi với mọi người. Trong từng suất diễn, ai diễn sai, không nghiêm túc đều được ghi chú lại cẩn thận trong "sổ bìa đen" để nhắc nhở, chỉnh đốn ngay. Đi diễn, chú nhường chỗ tốt nhất cho mọi người, còn chú cột võng nằm. Những điều nhỏ nhỏ như thế cứ đi vào lòng người lúc nào không hay”, NSƯT Lê Thiện nhớ lại. 

NSƯT Lê Thiện kể kỷ niệm về người anh giúp bà bước vào con đường nghệ thuật
NSƯT Lê Thiện nhắc lại kỷ niệm về người anh giúp bà bước vào con đường nghệ thuật

Xuất thân là diễn viên múa nhưng sau này NSƯT Ca Lê Hồng lại thành danh với lĩnh vực sân khấu cải lương. Phần nhiều công sức cũng nhờ NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch. “Tôi chưa từng thấy ai sống sâu sát, thương yêu nghệ sĩ, anh em hậu đài như anh Bảy. Lúc mất con, anh nén nỗi đau gia đình để vẫn vững lòng với anh em. Đó là điều khiến tôi trân trọng. Anh biết tập hợp và sử dụng người giỏi để đoàn cải lương hoạt động tốt, hiệu quả. Anh cũng tiên phong thể nghiệm những điều mới mẻ cho sân khấu cải lương cách đây mấy chục năm. Anh tạo điều kiện cho người trẻ thể hiện”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

NSƯT Ca Lê Hồng cũng là một trong những cái tên được nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch đề nghị để được đi tu nghiệp ở nước ngoài.

NSƯT Ca Lê Hồng luôn mang ơn cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch
NSƯT Ca Lê Hồng luôn mang ơn cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch

NSND Kim Xuân làm việc với NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch khi ông làm Trưởng đoàn Cửu Long Giang kiêm Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin. “Thời gian ở đoàn có nhiều việc xảy ra, nhưng điều tôi có thể nói là bác cực kỳ thương yêu người trẻ. Chuyện lớn bác làm, còn chuyện nhỏ như kiểm tra bài vở của chúng tôi, bác vẫn đảm nhận. Đi diễn tỉnh, bác hỏi thăm từng đứa một, lấn cấn điều gì nói để bác hỗ trợ, chỉ bảo thêm. Để có được tôi hôm nay, công ơn của bác rất nhiều. Bác là một người cha, người thầy đầu tiên đã đưa tôi đến sân khấu, cho tôi tình yêu nghề đến giờ vẫn mãnh liệt”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

NSND Kim Xuân
NSND Kim Xuân cho biết cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch là người thầy đầu tiên trong nghề của chị.

Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu tái bản có hình thức mới hơn, một số nội dung được thêm vào nhưng cơ bản vẫn giữ như trước. Sách gồm 5 phần, phần thứ nhất là 5 ca khúc, kế đến là những mẩu chuyện thời kháng chiến chống Pháp; phần thứ ba là hồi ký; tiếp theo là kịch nói và cải lương Nam Bộ; cuối cùng là một số đề cương nghiên cứu.

Phần phụ lục là tập hợp những bài viết, chia sẻ của các nghệ sĩ về cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch.

Một số nghệ sĩ đến tham dự buổi ra mắt sách:

NSND Trần Ngọc Giàu
NSND Trần Ngọc Giàu
NSƯT Thành Hội
NSƯT Thành Hội
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn
Nghệ sĩ Tấn Thi
Nghệ sĩ Tấn Thi

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI