Diễn đàn: "Văn hóa" nói tục

Nói tục, viết tắt hay cách giao tiếp của giới trẻ?

25/11/2020 - 13:03

PNO - Với người trẻ, những cụm từ tục tĩu được viết tắt đôi lúc chỉ là lời bông đùa. Có chăng, chỉ những người bặm trợn mới lòng vòng bằng cách ấy.

Trong một lần đi ăn cơm tấm với người bạn Philippines, sau khi hai dĩa cơm được mang ra, cậu ấy thốt lên “Ngon vãi l..”. Tôi bất ngờ, hỏi cậu ấy cũng biết cách diễn đạt đó sao. Bạn tôi bảo học được câu nói đó trong thời gian ở Hà Nội. Không những thế, bạn tôi còn biết hai ký tự “vl” còn có nhiều kiểu hiểu khác nhau từ kiểu đọc phụ âm viết tắt đến đọc trọn vẹn từ.

Sau ngạc nhiên ấy, tôi hỏi còn biết gì nữa không, bạn tôi kể rất nhiều. Ngoài “vl”, bạn tôi còn biết thế nào là “vc”, “cmn” hay thậm chí là “đm”, “đkm”… Đặc biệt, anh ấy còn hiểu được cách nói ấy có nghĩa như thế nào. Nói “ngon vl”, chính là “its so good”, “very good”; “vãi chưởng” chính là cách thể hiện sự ngạc nhiên “wow” hay “đ**” là cách từ chối “no” trong tiếng Anh.

Đừng tưởng con mình không nói tục thì nó là một đứa ngoan hiền (ảnh minh họa, nguồn internet)
Đừng tưởng con mình không nói tục thì nó là một đứa ngoan hiền (ảnh minh họa -nguồn internet)

Với tôi, đó là một câu chuyện vui. Không phải ai cũng đủ bình tĩnh để đưa ra nhận xét đúng đắn khi nghe những lời lẽ ấy. Viết tắt để đơn giản hóa các cụm từ bộc lộ cảm xúc ấy đôi lúc cũng chính là cách nói giảm, nói tránh. Và biết đâu, ý đồ của người viết tắt không hướng đến những lời nói xấu xa mà lại là những lời bông đùa. Người có trình độ sẽ xem đó là thú vui tao nhã. Kẻ vô học thì lối viết tắt ấy lại dung dưỡng cho những bỗ bã, bặm trợn.

Mới đây, khi những bình luận “vl” “vc” năm xưa của tân hoa hậu Đỗ Thị Hà được "khai quật", cộng đồng mạng đã một phen dậy sóng. Nhiều người cho rằng đó là cách cư xử vô văn hóa, lại có ý kiến nói đây chỉ là vui đùa của tuổi trẻ. Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này từ hai phương diện.

Thứ nhất, đó là môi trường giáo dục từ nhỏ của Hà. Phải chăng những “vc”, “vl” ấy ảnh hưởng từ cách nói chuyện của ông bà, cha mẹ chăng? Vậy nếu trước khi phán xét hoa hậu, ta phải "xem lại"  không gian văn hóa bao quanh hoa hậu trước chứ, đúng không?

Thứ hai, cách nói chuyện ấy ảnh hưởng từ ngôn ngữ teencode của giới trẻ. Mọi người có xu hướng viết tắt và ghép các từ với nhau nhiều hơn. Chẳng hạn như để diễn ta cụm “thế đằng nào” thì theo ngôn ngữ teencode, nó sẽ là “tđn”. Chữ “đ” ở đây vô tình được hiểu theo cái nghĩa bậy bạ nhất. Hay cụm “đkm” hay “đm”. Nhiều bạn trẻ vì không muốn văng lời tục tĩu nên khi bất đồng điều gì đó, họ vẫn thốt lên “đê ca mờ”, “đờ mờ”.

Tôi không bênh Hà cũng không phản đối Hà. Tôi là một người trẻ và cũng từng sử dụng ngôn ngữ ấy nhưng tôi biết đâu là điểm dừng. Còn Hà, khi đã là hoa hậu, tôi tin chắc em sẽ ngày càng hoàn thiện và biết tự uốn nắn bản thân. Chiếc vương miện không chỉ là phần thưởng mà nó còn là trách nhiệm mà em phải thực hiện, vương miện càng nặng thì trách nhiệm càng lớn.

Văn Viễn

Bên cạnh những suy nghĩ cho rằng nói tục, chửi thề là điều không thể chấp nhận ở những người có văn hóa thì cũng có cả ý kiến cho rằng chửi bậy chỉ là vui, là cách để giải tỏa stress, miễn là không nhằm vào ai hoặc có ý miệt thị người nào...

Để mọi cá nhân có thể bày tỏ quan điểm của mình, Báo Phụ Nữ Online mở diễn đàn "Văn hóa" nói tục để tiếp nhận và lắng nghe tất cả những ý kiến, góc nhìn của bạn đọc về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gởi về địa chỉ mail online@baophunu.org.vn. Tiêu đề thư xin ghi "Bài tham gia diễn đàn "Văn hoá" nói tục".

Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút theo chế độ của toà soạn.

Phụ Nữ Online

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Dân 25-11-2020 19:29:01

    "Người có trình độ sẽ xem đó là thú vui tao nhã" ?!
    Sao tác giả Văn Viễn lại có suy diễn như vậy?
    Người có trình độ như thế nào mà "xem như thứ vui tao nhã"?
    Xin thưa bằng cấp không phản ảnh trình độ, nhất là trình độ văn hóa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI