Diễn đàn "Văn hóa" nói tục

Khi chuyện nói tục nằm trong “hệ ngôn ngữ” học đường

24/11/2020 - 10:47

PNO - Ngôn ngữ giao tiếp, lời văn là bộ mặt của mỗi con người, nó thể hiện nền tảng giáo dục, phông văn hóa của mỗi người.

Bàn về chuyện cô hoa hậu Đỗ Thị Hà nói tục trên Facebook, trước hết tôi muốn tách bạch, không nhìn với tư cách cô ấy là hoa hậu. Tôi chỉ có ý kiến về cô sinh viên năm II, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, là chủ của một Facebook cài đặt ở chế độ công khai.

Nếu những dòng chữ tục tĩu trên Facebook là của một cô gái ít học thì chẳng có gì phải bàn cãi.

Nhưng thật ngạc nhiên, đó lại là Facebook của một cô sinh viên năm II duyên dáng, yêu kiều. Và cũng thật ngạc nhiên khi có rất nhiều người bênh vực cho kiểu ăn nói bỗ bã nà­y.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Người ta vặn vẹo rằng, có quy định nào cấm Hà không được dùng những từ “vãi c...”, “vl...” không?

Chẳng xã hội nào rảnh để ra những quy định chi tiết đến từng câu nói cửa miệng của mỗi người. Chính trong từng môi trường, từng không gian sống sẽ điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mỗicon người. Bởi vậy, người ta chia ra làm nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau: ngôn ngữ chợ búa, ngôn ngữ giang hồ…

Đỗ Thị Hà viết những dòng trạng thái và comment kia khi đang là sinh viên, thuộc “hệ ngôn ngữ” học đường!

Tôi còn nhớ, hồi rất nhỏ, chỉ buột miệng thốt ra những từ như “chết cha” thì một người anh nhắc ngay: “Em vừa nói gì đó?”. Nghe vậy tôi liền hiểu ra, đối với môi trường tôi đang sống thì đó là một từ chửi thề.

Dù không có quy định nào siết chuyện chửi thề, nhưng chính mối quan hệ cộng đồng luôn điều chỉnh nó. Khi còn trẻ, ra đường ăn nói bỗ bã sẽ bị người ta nói rằng “cha mẹ nó không biết dạy”, “con cái nhà ai thế”… Điều đó cho thấy, người thầy đầu tiên dạy lời ăn tiếng nói cho mỗi người phải là cha mẹ. Cha mẹ mát mặt hay mất mặt cũng bắt đầu từ việc dạy “học ăn học nói, học gói học mở” cho con cái.

Người Việt vốn trọng chuyện ăn nói (nói chỉ xếp sau ăn) nên các cụ đã đưa vào ca dao tục ngữ rất nhiều lời hay ý đẹp để răn dạy con cháu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Người thanh, tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu”.

Nói vậy chứ chẳng riêng người Việt, người phương Tây cũng đầy những từ tục tĩu như “f*ck”, rồi “what” này “what” nọ… Có điều nó cũng xuất hiện tùy chỗ.

Hoàng Mạnh Hà

Diễn đàn: "Văn hóa" nói tục

Sự việc tân hoa hậu Đỗ Thị Hà bị chỉ trích vì từng nói bậy, chửi tục vẫn đang nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về thói quen nói tục, chửi thề của một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ và học sinh sinh viên.

Bên cạnh những suy nghĩ cho rằng nói tục, chửi thề là điều không thể chấp nhận ở những người có văn hóa thì cũng có cả ý kiến cho rằng chửi bậy chỉ là vui, là cách để giải tỏa stress, miễn là không nhằm vào ai hoặc có ý miệt thị người nào...

Để mọi cá nhân có thể bày tỏ quan điểm của mình, Báo Phụ Nữ Online mở diễn đàn "Văn hóa" nói tục để tiếp nhận và lắng nghe tất cả những ý kiến, góc nhìn của bạn đọc về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gởi về địa chỉ mail online@baophunu.org.vn. Tiêu đề thư xin ghi "Bài tham gia diễn đàn "Văn hoá" nói tục".

Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút theo chế độ của toà soạn.

Phụ Nữ Online

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 25-11-2020 04:20:41

    Bài báo nói đúng thực tế hiện nay trong giới trẻ, đặc biệt là HSSV. Ngày xưa tôi đi học chưa khi nào nghe một từ đệm trước một câu nói, bây giờ nghe nhiều cháu nói chuyện mà lùng bùng lỗ tai luôn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI