Xử lý xung đột thế hệ: Khi chồng hàng tháng nộp lương cho mẹ

02/09/2020 - 12:00

PNO - Ba mẹ nào cũng yêu thương con, chẳng qua cách thể hiện mỗi người mỗi khác. Mai kia chắc chị cũng học theo mẹ chồng, đòi con trai nộp lương

​Lấy nhau về, chị không hỏi lương của chồng, anh đưa bao nhiêu chị cầm bấy nhiêu. Khoản anh đưa cộng với lương chị cũng đủ chi dùng, thi thoảng đi đám hay mua quà cho bố mẹ anh chị em hai bên.

Cho đến một ngày, vì cần tiền gấp nên chị hỏi anh còn đồng nào không, thì anh nói không có. Anh nói lương anh chừng đó, mỗi tháng anh đưa mẹ một khoản cố định, đưa chị một khoản sau khi giữ lại một ít xài vặt.

Chị tá hỏa khi biết tháng nào anh và chị gái cũng phải nộp lương cho mẹ, chuyện này bắt đầu từ ngày anh ra trường. Mẹ anh giải thích không phải tự dưng chị em anh nên vóc nên hình như hôm nay, là ba mẹ đã “tạm ứng,” nên giờ chị em anh phải trả lại. Tất nhiên mức đóng góp này là chị em anh tự quyết định, cha mẹ không ép, nhưng tháng nào cũng phải có.

Chị không tưởng tượng nổi, ở thời nào rồi mà còn bố mẹ phải bắt con cái nộp lương. Con cái chưa có gia đình không sao, vì đằng nào cũng ở chung nhà với cha mẹ, có cha mẹ lo lắng sớm chiều. Nhưng nay chị em anh đều có gia đình riêng mà hàng tháng vẫn phải nộp lương kiểu ấy thì thật tình chị không hiểu nổi.

Con cái gia đình mà hàng tháng vẫn phải nộp lương cho bố mẹ thì thật tình chị không hiểu nổi. Ảnh minh họa
Con cái gia đình mà hàng tháng vẫn phải nộp lương cho bố mẹ thì thật tình chị không hiểu nổi. Ảnh minh họa

Thấy chị tính cách sẽ tự xoay số tiền còn thiếu. Anh cũng bối rối bàn rằng, hay là để anh xin mẹ từ tháng sau không đưa tiền mẹ nữa. Chị gạt đi, bảo anh trước sao giờ cứ như vậy mà làm, lương anh đưa hàng tháng cũng đủ gia đình chi tiêu.

Nói vậy là vì chị không muốn để mẹ chồng đánh giá hay khó chịu. Dù sao cũng là con trai con gái của bà.

Tuy vậy, chị vẫn lấn cấn trong lòng. Ba m​​ẹ chị từ nhỏ khuyến khích con cái tự lập tự lo. Ba mẹ sinh con ra nuôi con lớn cho đi học để sau này tự lo thân.

Báo hiếu có nhiều cách, nếu con cái gửi tiền thì ba mẹ giữ giùm, còn không thì tự giữ. Nhiều khi chị biếu, ba mẹ nhận đó, rồi cất dành, đợi có dịp lại cho. Khi cần mua gì chị hỏi ý kiến ba mẹ thì ba mẹ khuyên nên mua thứ này thứ khác, tuý mắc hơn nhưng đáng giá và ba mẹ sẽ hỗ trợ phần tiền thiếu hụt.

Trong thâm tâm chị vẫn có gì đó so sánh giữa nhà mình và nhà chồng. Nói không khó chịu là nói dối, nhưng vì ba mẹ chồng đối xử với con dâu hòa nhã, nên chị lặng im. Chị cũng hiểu, trước khi là chồng chị, anh là con của ba mẹ. Anh có làm gì cho ba mẹ cũng là chuyện nên làm. Thêm nữa từ khi lấy nhau, dù anh có nộp lương cho ba mẹ, thì chị cũng chưa lần nào bị đói. Chị bầu bì được mẹ chồng mua cho hết món này món nọ, hỏi có nghén có mệt không, chị cũng thấy phần nào được an ủi.

Nhưng đến ngày chị không nhịn nổi. Đang ở công ty, thấy có dấu hiệu sinh nên chị đi thẳng đến bệnh viện, chỉ kịp nhờ đồng nghiệp gọi điện thoại cho chồng mang đồ của em bé và mang tiền đến. Và anh đến với giỏ đồ cùng hai triệu bạc, chỉ vừa đủ đóng tạm ứng.

Lúc ấy vừa đau vừa tức vừa bực, bao cảm xúc dồn nén chị chỉ muốn tung hê tất cả. Làm một thằng đàn ông, vợ mang bầu chín tháng trời mà không tích lũy được gì, thì có đáng làm đàn ông hay không?

Chị nhận ra, mỗi khi cần đến tiền bạc là anh hay đẩy việc cho chị, coi như mỗi tháng anh đưa chị chừng đó là hết trách nhiệm, chị phải tự thu xếp. Cũng may khi chị định cáu kỉnh thì cơn đau đẻ ập đến, rồi chị bị đẩy vào phòng sinh…

Lúc tỉnh lại chị đã nằm ở phòng dịch vụ, bên cạnh là mẹ và chị chồng. Chồng với ba chồng chị đang lấp ló ngoài cửa. Mẹ chồng nói cha mẹ ruột chị đang trên đường tới, bà hỏi chị thấy trong người thế nào, ăn gì thì cứ nói mẹ.

Tự dưng chị nhớ đến mỗi tháng mấy triệu chồng chị phải đưa cho bà, cảm thấy bà có gì đó giả dối. Bây giờ chị cần ăn gì mua gì cũng là tiền của chồng, chị chứ chẳng phải của bà cho. Thấy chị im lặng, bà nghĩ chị còn đau nên dặn dò rồi ra ngoài.

Ba ngày, chị xuất viện, về thấy nhà cửa trong ngoài đã được thu xếp gọn gàng. Lúc mọi người ra ngoài, chị nhờ chồng đến công ty lấy cho chị cái túi xách, trong đó có chìa khóa mở tủ lấy tiền để tiêu dùng.

Chồng cười “có con rồi mà vẫn không quên được tiền” và tủm tỉm lấy ra một cái bóp đưa cho chị và nói: “Mẹ gửi em cái này!”

Cái ví vải kiểu cũ, bên trong có tiền mặt và một cuốn sổ tiết kiệm. Tiền mặt chừng ba chục triệu đồng và con số trong sổ tiết kiệm khá lớn. Chồng nói, mẹ cho tiền để em bồi dưỡng, sổ tiết kiệm thì cất đi sau này lo cho con.

Phản ứng đầu tiên của chị là hốt hoảng, tiền đâu mà nhiều thế. Lương hưu của hai ông bà một tháng khoảng tám triệu đồng mỗi tháng, vừa đủ ông bà tiêu xài, lấy đâu ra mà cho?

Chồng cười: “Chắc là từ tiền “cống nộp” của anh và chị gái, mẹ mang gửi tiết kiệm! Ba mẹ là nông dân nên tằn tiện lắm, mẹ sợ chị em anh có tiền rồi tiêu hết nên bắt phải gửi lương cho mẹ, coi như “hoàn ứng”. Nếu tự dưng mẹ cho, chắc gì vợ chồng mình đã nhận, nên mẹ đợi đến khi có cháu mới đưa.”

 “Mẹ cho mình rồi chị gái thì sao?”, chị hỏi. “Chắc mẹ vẫn còn để dành để cho con chị gái. Em yên tâm đi!”, anh nói.

Nhìn xấp tiền và cuốn sổ tiết kiệm, chị thấy xấu hổ và có chút ngậm ngùi. Ba mẹ nào cũng yêu thương con, chẳng qua cách thể hiện mỗi người mỗi khác. Nghĩ lại, chị thấy mình thật... bậy, lương hưu hai ông bà xài không hết vì có rau ngoài vườn, có gà trong chuồng, cá ngoài ao. Thế mà suốt một thời gian dài chị đã để bụng. Cũng may là chị chưa “bùng nổ”. Chị nghĩ, đợi đến đầy tháng con, chị sẽ tìm cách gửi lại mẹ chồng, coi như tiền để ông bà dưỡng già.

Mai kia chắc chị cũng học theo mẹ chồng, đòi con trai nộp lương... Ảnh minh họa
Chị mới vừa sinh, đã nghĩ tới ngày bắt con trai... nộp lương. Ảnh minh họa

Mai kia chắc chị cũng học mẹ chồng, đòi con trai nộp lương nhưng khi có con dâu, chị sẽ tâm sự cho con dâu hiểu, để tránh hiểu lầm như chị bấy nay.

Nhìn con trai bú no ngủ bên cạnh, thằng bé mới được ba ngày tuổi mà chị đã tính chuyện “bóc lột” nó sau này, liệu có sớm quá không?

Thùy Trâm

(Q.9, TPHCM)

Dù bạn đang sống chung và chuyện trò mỗi ngày, hay ở cách xa mẹ hàng ngàn cây số, sẽ có lúc bạn "va chan chát" với người sinh thành. Mâu thuẫn thế hệ, xung đột thế hệ trong mỗi gia cảnh mỗi khác, nhưng vì chung tần số yêu thương, vì là mẹ-con, bạn và "người ấy" sẽ có cách để cùng nhau vượt qua. 

Hãy chia sẻ câu chuyện của người trong cuộc, vì rất nhiều người đang cần bí quyết giữ tình cảm và hòa khí gia đình của bạn.

Thư xin gửi về email: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI