Nỗi ám ảnh dưới những chân cầu

29/03/2023 - 05:57

PNO - Mặc dù Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có văn bản đề nghị chấn chỉnh nhưng nhiều gầm cầu và 2 bên chân cầu hiện vẫn bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, giữ xe hoặc đổ rác…

Rác thải ngập chân cầu 

Tháng Ba, thời tiết oi bức, những đống rác thải tự phát dưới chân cầu Him Lam (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) bốc mùi nồng nặc. Người dân địa phương cho biết, từ nhiều năm nay, chân cầu Him Lam đã trở thành nơi đổ rác sinh hoạt và rác xây dựng của một số người. Thỉnh thoảng, cơ quan chức năng có tổ chức dọn dẹp, nhưng chỉ sau vài ngày thì đâu lại vào đấy.

Chân cầu Tham Lương ngập ngụa rác, người dân đã gom đốt để bớt hôi hám,  nhưng như thế có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình - ẢNH: ĐẠI DƯƠNG
Chân cầu Tham Lương ngập ngụa rác, người dân đã gom đốt để bớt hôi hám, nhưng như thế có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình - Ảnh: Đại Dương

“Ban ngày họ chở rác đến đổ, chúng tôi dọa báo chính quyền thì họ bỏ đi. Nhưng nhiều xe chở xà bần, rác xây dựng lén lút đổ vào ban đêm thì chúng tôi không thể cản được. Rất mong UBND phường lắp camera hay lập chốt dân phòng để ngăn chặn” - chị Huỳnh Thị Phương (ngụ phường Tân Hưng, quận 7) chia sẻ.

Tương tự, tại quận Bình Thạnh, 2 bên chân cầu Rạch Lăng cũng bị biến thành nơi tập kết rác. Người dân mang rác thải sinh hoạt đến vứt thành đống. Thậm chí, còn đốt rác khiến thành cầu, gầm cầu, bờ tường bị cháy đen, bong tróc rất mất mỹ quan. Nhiều người lo lắng việc đốt rác như vậy lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của cầu, gây nguy hiểm. 

Cầu Tham Lương (nối quận 12 và Tân Phú, Tân Bình) cũng đang trở thành nơi đổ rác. Không chỉ trên hành lang cầu, nhiều người còn đem những bao rác lớn vứt dưới gầm cầu. 

Ngay giữa trung tâm TPHCM, dưới gầm cầu Mống nối quận 1 và quận 4, tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi xuống sông rạch, chân cầu cũng khiến người qua cầu phiền lòng, thất vọng. Bà Nguyễn Thị Liên - ngụ quận 4, TPHCM - cho biết, do người dân sống 2 bên bờ và không ít người đi đường thiếu ý thức, đã vứt rác bừa bãi nên dưới chân cầu luôn đầy rác.

Cháy nổ rập rình 

Gầm cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) như một khu chợ bày bán đủ các loại hàng hóa. Nhiều người còn lấn chiếm diện tích để làm nơi giữ xe, cất đồ… Theo người dân địa phương, hoạt động buôn bán trên những chiếc xe đẩy di động và quán ăn tự phát diễn ra liên tục từ sáng đến chiều. Việc tụ tập buôn bán ấy đã diễn ra từ nhiều năm nay, làm cho cảnh quan trở nên nhếch nhác. Bãi giữ xe cộng với nhiều đồ đạc và những căn bếp tạm khiến gầm cầu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. 

Tại TP Thủ Đức, chân cầu Nam Lý đang xây dang dở cũng bị nhiều hộ dân lấn chiếm làm điểm buôn bán.
Chị Khánh Uyên (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết nhà chị ở gần cầu Chợ Cầu - nơi bị đổ rác trộm rất thường xuyên. Để giảm ô nhiễm, những người ở gần đấy đã gom rác lại và đốt ngay dưới chân cầu. Tuy nhiên, giải pháp này cũng khá nguy hiểm vì dễ gây ra cháy nổ.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trên địa bàn hiện có 67 cây cầu bị người dân lấn chiếm để buôn bán, sinh hoạt, tập kết vật liệu nơi dạ cầu và khu vực gần mố cầu. Việc này không những tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ mà còn đe dọa mất an toàn cho công trình. “Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình cầu trên địa bàn thành phố” - đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho hay.

Một cán bộ thuộc Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 4, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứn nạn cứu hộ, Công an TPHCM cho biết, các vụ cháy nổ dưới gầm cầu thường diễn biến phức tạp và nguy cơ thiệt hại tài sản rất lớn. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số vụ cháy gầm cầu, may mắn là không có thương vong về người nhưng đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình và mất an toàn giao thông.

“Một số người dân thường có thói quen gom rác thành đống và đốt ngay cạnh các chân cầu vì ở đây thường trống trải. Nhưng như thế rất dễ gây cháy lan và nhiệt độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình” - cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 4 khuyến cáo. 

Giữ xe, buôn bán, sinh sống dưới gầm cầu là vi phạm pháp luật

Theo quy định tại Thông tư 50/2015, các tổ chức, cá nhân không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Việc sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý; Bộ Giao thông Vận tải quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.

Nguyễn Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    03-04-2024 18:46

    Việc chuyển đổi số chưa hiệu quả khi người ta không biết (hoặc cố tình không muốn) vận dụng công nghệ vào công cuộc cải cách hành chính.

  • Tự hào dân tộc

    Tự hào dân tộc

    31-03-2024 07:26

    Chỉ khi lạc lõng, bơ vơ nơi xứ người, mấy tiếng "tự hào dân tộc" mới trỗi dậy, nhắc tôi thêm mạnh mẽ, vững vàng mà không thấy mặc cảm, tự ti.