Những “tay hòm chìa khóa” siêu hạng - Bài 3: Tham vọng và thử thách

08/11/2013 - 07:05

PNO - PN - Tân Bộ trưởng Tài chính Na Uy, bà Siv Jensen đang đứng trước thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình: đa số người dân được hỏi không tin vào năng lực ”tay hòm chìa khóa” của bà.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 23/9 vừa qua, lần đầu tiên đảng Tiến bộ dưới sự lãnh đạo của bà Siv Jensen (44 tuổi) có chân trong chính phủ. Bà Jensen được tân Thủ tướng Erna Solberg (52 tuổi) - Chủ tịch đảng Bảo thủ, bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính. Việc bổ nhiệm này có hiệu lực từ ngày 16/10, được thực hiện theo một thỏa thuận giữa hai đảng, theo đó thành phần chính phủ mới bao gồm bảy vị thuộc đảng Tiến bộ và 14 vị thuộc đảng Bảo thủ. Điều kiện để đảng Tiến bộ liên minh với đảng Bảo thủ là ba bộ (tài chính, giao thông, tư pháp) phải thuộc về đảng Tiến bộ.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 3: Tham vong va thu thach

Bộ trưởng Tài chính Na Uy Siv Jensen

Gáo nước lạnh

Chưa kịp ăn mừng chức vụ mới, bà Jensen đã nhận một “gáo nước lạnh”. Kết quả thăm dò dư luận của VG, nhật báo lớn nhất Na Uy, cho thấy có đến 45,5% những người được hỏi cho rằng bà sẽ “hụt hơi” hoặc “chẳng làm nên trò trống gì” với cương vị bộ trưởng tài chính. Chỉ 15% tin bà sẽ hoàn thành “tốt” hoặc “rất tốt” công việc của mình.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lại nghĩ khác. Họ tin các đảng khác trong liên minh cầm quyền (gồm hai đảng lớn Bảo thủ, Tiến bộ và hai đảng nhỏ khác) sẽ giám sát chặt chẽ các chính sách thuế và chi tiêu công của bà Jensen, không cho nó đi chệch quỹ đạo chung của chính phủ. Ông Oystein Dorum, nhà hoạch định chính sách kinh tế của Ngân hàng đầu tư DNB Markets, nhận định : “Chính sách chung của chính phủ mới là giảm thuế và tăng chi tiêu công từ nguồn lợi dầu lửa. Tôi không nghĩ bà Jensen có thể làm khác, bởi đảng Tiến bộ cũng từng hô hào giảm thuế và tăng chi tiêu, nhất là chi cho hạ tầng cơ sở”. Harald Magnus Andreassen, đồng nghiệp của ông Dorum ở Ngân hàng Swedbank First Securities, cũng phân tích: “Bà Jensen không phải là bộ trưởng tài chính của một chính phủ hoàn toàn do đảng Tiến bộ lãnh đạo. Vì vậy tôi cũng không lo”.

Là một chính khách lão luyện, bà Siv Jensen đã gửi email cho tờ VG nói, bà không có ý kiến gì về cuộc thăm dò của VG, chỉ nhấn mạnh rằng, đảng Tiến bộ sẽ cố gắng thực hiện các chính sách và chủ trương của đảng. Bà Siv Jensen nhận thức rất rõ những khó khăn đồng thời cũng là thời cơ khi đảm nhận vai trò bộ trưởng tài chính trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Na Uy gần như bằng không, cả châu Âu lại chao đảo vì vấn đề nợ công.

Người sống sót xuất sắc

Trong phòng làm việc của bà Siv Jensen ở Oslo có một bức ảnh chụp bà với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong một buổi lễ trao thưởng, treo trang trọng trên tường. Bà Thatcher là thần tượng của bà Jensen từ thời sinh viên. Mọi chính sách của bà Thatcher đều được bà nghiên cứu kỹ. Bà rất tâm đắc với câu nói quen thuộc của thần tượng: “Không có gì thay thế được kinh tế thị trường”.

Cũng giống bà Thatcher, bà Jensen xuất thân từ một gia đình buôn bán nhỏ. Hai ông bà Tore Jensen và Monica Kjelsberg, song thân của bà Jensen, kiếm sống bằng một tiệm giày khiêm tốn. Năm Jensen 11 tuổi, ông Tore ly hôn với vợ, sang Thụy Điển ở. Mẹ bà mở tiệm giặt ủi nuôi ba con ăn học thành tài.

Nhung “tay hom chia khoa” sieu hang - Bai 3: Tham vong va thu thach

Bà Siv Jensen xem bà Margaret Thatcher là thần tượng

Người chị cả Nina Jensen hiện đang điều hành Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) chi nhánh Na Uy. Bà Siv Jensen tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Na Uy, một lò đào tạo CEO và chính khách nổi tiếng. Khi bà tham gia đảng Tiến bộ, chủ trương siết chặt làn sóng nhập cư, nhất là tín đồ đạo Hồi và chống tăng thuế, ít ai tin rằng bà sẽ “leo” lên đến chức chủ tịch đảng. Ngay cả đảng Tiến bộ cũng ít ai tin có ngày bà sẽ là thành phần không thể thiếu của một chính phủ mới. Nhưng, bà Jensen đã xua tan nghi ngờ bằng những hành động thực tế. Đảng Tiến bộ đã trải qua nhiều sóng gió, nội bộ mất đoàn kết, đấu đá kịch liệt. Bà là người sống sót xuất sắc nhất. Khi nhà sáng lập đảng - ông Carl I. Hagen, về hưu năm 2006 sau 28 năm lèo lái đảng, bà Jensen được bầu làm chủ tịch đảng với sự ủng hộ hết mình của ông Hagen. Bà Jensen đã dẹp loạn, đem lại sự yên ổn và phát triển cho đảng một cách khôn khéo. Tiến bộ trở thành chính đảng lớn hàng thứ hai trong Quốc hội Na Uy.

Tại Na Uy, người ta gọi Tiến bộ là đảng cực hữu, đề cao thị trường tự do và chủ nghĩa tự do theo kiểu cổ điển. Tuy nhiên, nó không giống đảng cực hữu kiểu phát-xít như đảng Jobbit ở Hungary hay đảng Dân chủ ở Thụy Điển. Và khi Anders Breivik (kẻ tàn sát 77 người năm 2011) tuyên bố ly khai đảng Tiến bộ vì cho rằng đảng này quá cấp tiến, đảng Tiến bộ bị vạ lây và bị lên án kịch liệt. Bà Jensen đã bảo vệ khá thành công uy tín của đảng, lên án mạnh mẽ hành động vô nhân tính của Breivik.

Cứng rắn khi cần thiết

Học theo bà Thatcher, bà Jensen có những chủ trương rất cứng rắn. Đơn cử, bà hô hào siết chặt bảo hiểm xã hội thuộc hàng tốt nhất thế giới với lập luận “người dân quá lệ thuộc vào trợ cấp xã hội đến mức không thể tự quyết được chuyện gì”. Tuy nhiên bà lại ủng hộ tăng phúc lợi xã hội từ ngân sách.

Tân Bộ trưởng Tài chính không sợ thiếu tiền. Riêng quỹ hưu trí đã có 800 tỷ USD, thuộc hàng lớn nhất thế giới. Dùng số tiền đó như thế nào mới là vấn đề. Quan điểm thu chi của bà Jensen đã được trình bày rõ ràng trên Facebook trong cuộc vận động tranh cử vừa qua. “Cắt giảm thuế cho những người có thu nhập ổn định. Bảo đảm quyền lợi pháp lý cho người cao tuổi. Ban hành những chính sách cứng rắn, chặt chẽ hơn. Chi tiền sao cho có hiệu quả hơn, đúng đắn hơn”. Chính điều này đã dẫn đến câu hỏi: “Liệu bà Siv Jensen có trở thành Margaret Thatcher của Na Uy?” như tạp chí Standpoint của Anh đã đặt ra.

Đảng Tiến bộ sẽ ra sao một khi đội lên cái vòng kim cô chính phủ? Cựu nghị sĩ Kristin Clement nhận xét: “ Khi ở ngoài hệ thống (chính phủ), chỉ trích hệ thống rất dễ. Nhưng, khi đã vào hệ thống thì không dễ chút nào”. Bà Siv Jensen thừa biết chuyện ấy. Bà phải tỏ ra thực dụng, nhượng bộ cái này để được cái khác. Điều đó khiến bà mất đi một số chiến hữu ngay trong đảng nhưng sẽ có được sức mạnh cần thiết để thực hiện những chủ trương của mình.

Đến nay, bà vẫn ở vậy, không kết hôn, cũng không bận bịu con cái. Có lẽ đây là sự khác biệt duy nhất giữa Siv Jensen và Margaret Thatcher.

 VĂN ANH

Kỳ tới: Nợ nước, tình nhà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI