Những phụ nữ Senegal buộc phải vất bỏ con sau khi sinh

30/07/2021 - 11:47

PNO - Sự bảo thủ về tôn giáo, khó khăn về kinh tế, không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai và giáo dục giới tính là những nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ ở Senegal cảm thấy bị cô lập khi mang thai ngoài hôn nhân, dẫn đến việc họ buộc phải vất bỏ những đứa trẻ mà mình vừa mới sinh ra.

Mbeubeuss là một trong những bãi rác lớn nhất ở châu Phi và cũng là một “nghĩa trang mở” dành cho những đứa trẻ bị sát hại ở Senegal. Trong 3 năm qua, các nhân viên thu nhặt rác đã phát hiện thi thể của 32 trẻ sơ sinh bị vất bỏ ở nơi này.

Trong các gia đình người Senegal,  Badiane truyền kiến thức truyền thống cho các bé gái đến tuổi dậy thì
Trong các gia đình người Senegal, Badiane là người truyền kiến thức truyền thống cho các bé gái đến tuổi dậy thì

Trước đây, các cô gái trẻ ở Senegal thường tìm đến những người dì lớn nhất trong gia đình (tiếng địa phương gọi là Badiane) để tìm hiểu về các vấn đề giới tính, tình dục và các biện pháp tránh thai khi đến tuổi dậy thì.

Các cô gái trẻ thậm chí còn được các Badiane dẫn vào các khu rừng thiêng để ở ẩn trong thời gian 3 tháng. Trong thời gian này, họ sẽ được tham gia các nghi lễ và tìm hiểu các vấn đề nói trên. Tuy nhiên, truyền thống này đang ngày càng bị mai một, khiến cho nhiều thiếu nữ Senegal cảm thấy bị người lớn tuổi bỏ rơi khi bước vào tuổi trưởng thành.

Thêm vào đó, ở Senegal, thai phụ chỉ được phá thai nếu bị các biến chứng đe dọa đến tính mạng, trong khi đó chi phí thực hiện các biện pháp tránh thai lại khá cao.

“Ở đây, chuyện sinh con ngoài giá thú là điều rất nghiêm trọng và sẽ bị xã hội xem thường”, Imam Mbaye Niang - một đại biểu quốc hội của Senegal - nói và cho biết những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này thường chọn cách vất bỏ đứa trẻ mà họ vừa mới sinh ra còn hơn phải chịu áp lực từ xã hội.

Pouponnière ở Dakar do các nữ tu điều hành và nhận trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi
Pouponnière (ở Dakar) do các nữ tu điều hành và nhận trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi

Pouponnière là một tổ chức được thành lập năm 1955 tại Dakar (thủ đô của Senegal) và do các nữ tu Công giáo La Mã điều hành để giúp đỡ các bệnh viện bị quá tải và chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc mồ côi. Từ đó đến nay, tổ chức này đã chăm sóc cho 4.150 trẻ sơ sinh, trong đó có 3.496 là trẻ mồ côi, 550 em được nhận nuôi hoặc đang trong quá trình tìm người nhận nuôi, và 104 em đã tử vong.

Hiện, Pouponnière - một trong số ít các trại trẻ mồ côi ở Sengal - đang chăm sóc khoảng 86 trẻ em mỗi năm. Điều đáng nói là có khá nhiều phụ nữ nông thôn ở Senegal không biết đến tổ chức này để nhờ hỗ trợ khi sinh con ngoài ý muốn.

Fatima (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, đã từng phải ngồi tù 5 năm vì giết đứa con gái mới sinh. Câu chuyện khiến cho Fatima rơi vào cảnh ngộ này cũng là một câu chuyện quen thuộc đối với nhiều phụ nữ ở Senegal.

Trong một cộng đồng tôn giáo nhỏ của mình trên một hòn đảo ở phía nam Senegal, Fatima đã yêu và mang thai vào năm 18 tuổi khi chưa kết hôn. Mặc dù chịu nhiều áp lực và kỳ thị từ xã hội, Fatima vẫn quyết định giữ lại đứa trẻ. Khi Fatima mang thai thì cha của đứa bé - một thủy thủ - cũng biến mất và chưa bao giờ gặp lại cô. Fatima cho biết, sau khi cô sinh được một bé trai, hai mẹ con cô ngày nào cũng phải chịu đựng sự lăng mạ của cộng đồng.

Các tù nhân nữ tham gia các hội thảo do Tostan, một tổ chức phi chính phủ điều hành nhằm huấn luyện các tù nhân về cuộc sống sau khi được thả
Các tù nhân nữ tham gia các lớp học do Tostan, một tổ chức phi chính phủ điều hành nhằm huấn luyện các tù nhân về cuộc sống sau khi được trả tự do

Sau khi bị đẩy vào cuộc hôn nhân khác với một người đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi, Fatima có thêm 4 đứa con. Nhưng rồi cô đòi ly hôn, một điều cấm kỵ trong gia đình. Sau đó, Fatima đã bị đuổi ra khỏi nhà và những đứa con của cô cũng không được cho theo mẹ.

Một thân một mình, Fatima đến thủ đô Dakar và làm nghề giúp việc gia đình. Trong thời gian này, cô đã tìm đến sự giúp đỡ của một nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương (tiếng địa phương gọi là Marabout) với hy vọng sẽ được gia đình tha thứ. Nhưng một lần nữa, cô đã bị người đàn ông này cưỡng hiếp đến mang thai.

Vì không muốn con mình phải chịu đựng cuộc sống như một kẻ bị ruồng bỏ, cô đã tìm cách phá thai nhưng không thành vì không có đủ điều kiện và các mối quan hệ. Cuối cùng, Fatima đành phải sinh con, một bé gái, trong một con phố ngổn ngang rác rưởi. Sau 3 ngày giấu con để chủ nhà không phát hiện, cô đã quyết định làm cho đứa bé bị chết ngạt.

Ở Dakar, cô gặp một người đàn ông và lại mang thai lần nữa. Do không biết đọc và viết, Fatima phải làm bất cứ việc gì để đổi lấy hơn 1 bảng Anh (khoảng 30.000 đồng) mỗi ngày. Vì lo sợ cho cuộc sống của mình và của đứa bé sau này, cô đã giấu việc mang thai và tìm cách làm cho đứa bé chết ngay sau sinh rồi vất xác.

Hiện, Fatima đang phải sống ẩn dật trong rừng. Với sự giúp đỡ của Tostan - một tổ chức phi chính phủ với mục tiêu đào tạo nghề cho những phụ nữ từng là tù nhân để họ có thể tự kiếm sống và hội nhập xã hội sau khi được trả tự do - Fatima đang bán nước ép trái cây và nuôi gà.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI