Những nguy cơ cho mẹ và bé khi mang đa thai

25/04/2022 - 06:06

PNO - Cầu thủ Ronaldo vừa thông báo một thai nhi trong cặp song thai đã bị mất khi sinh, khiến không ít bà mẹ mang song thai hoang mang.


Trên thực tế, khi mang song thai, đa thai, cả mẹ và thai nhi phải đối diện với nhiều nguy cơ, cần được theo dõi và thăm khám chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Chúng tôi trao đổi với phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh Bệnh viện Hùng Vương, nhằm cung cấp thông tin hữu ích, giúp mẹ và bé hạn chế tối đa rủi ro.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, những nguyên nhân nào dẫn tới thai phụ mang nhiều hơn một thai?

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang: Tỷ lệ song thai tự nhiên là khoảng 0,3% - 0,5%, nghĩa là rất hiếm; có thể do di truyền, môi trường, dinh dưỡng. Có những nơi cả làng đều đẻ sinh đôi. Tôi có khám và theo dõi thai kỳ cho một chị cả hai lần mang thai đều sinh đôi một cách tự nhiên.

Tại Việt Nam, bệnh nhân hiếm muộn có xu hướng ngày càng nhiều do các yếu tố như lập gia đình muộn dẫn tới chức năng buồng trứng suy giảm, hoặc lối sống tình dục cởi mở (có nhiều bạn tình) gây viêm nhiễm làm tắc ống dẫn trứng nên cần được hỗ trợ sinh sản. Đa thai do can thiệp hỗ trợ sinh sản cao gấp 5 - 7 lần so với đa thai tự nhiên.

* Đa thai được chia làm những dạng nào, và những nguy cơ  thường gặp?

- Ở đây, tôi chỉ nói về song thai còn tam thai, tứ thai có nhưng rất hiếm. Trong song thai tự nhiên hoặc thụ tinh ống nghiệm trước tiên là kiểu song thai một trứng. Nghĩa là thai nhi được thụ tinh từ một trứng, một tinh trùng, hai em bé giống nhau như đúc.

Đối với song thai cùng trứng sợ nhất là bánh nhau thông nối nên dễ bị truyền máu giữa hai thai. Tỷ lệ tử vong của truyền máu song thai rất cao, có khi cả hai bé cùng mất một lúc, đôi khi các bé mất cách nhau chỉ vài ngày.

Tiếp đến là song thai chung một buồng ối (hai bánh nhau và hai cọng dây rốn riêng nhưng các bé lại chung một buồng ối). Ở tình huống chung buồng ối dễ xảy ra nguy cơ không kịp tách ra nên hai thai dính nhau ở bất kỳ bộ phận nào hoặc bị quấn xoắn dây rốn nên lưu thai.

Khi mang nhiều hơn một thai sẽ khiến tử cung chật chội phải cố gắng giãn nở. Có những trường hợp mang song thai mà mỗi thai nặng 3kg, cộng thêm cả bánh nhau, nước ối là người mẹ mang cả chục ký trong tử cung. Và khi tử cung chứa nặng quá thì sẽ dễ nhận nhầm tín hiệu rằng em bé đã đủ ngày đủ tháng, co bóp dẫn tới sinh non. Rất nhiều trường hợp mang song thai thay vì 40 tuần tuổi thì 28 tuần đã sinh. Ra đời sớm khiến em bé bị suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành. Mạch máu nuôi tử cung vẫn chỉ có nhiêu đó dù số thai nhi trong tử cung nhiều hơn một. Vì thế, thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng hơn các ca đơn thai.

* Ngoài nguy cơ cho bé thì bà mẹ mang song thai đối diện với rủi ro gì, thưa bác sĩ?

- Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật ở phụ nữ mang đa thai cao hơn phụ nữ mang một thai. Băng huyết do đờ tử cung, nhất là ở những trường hợp mang đa thai cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở mẹ.

* Vậy có cách nào để hạn chế đa thai ngay từ đầu?

- Trước đây, khi thụ tinh ống nghiệm người ta chuyển phôi nhiều. Sau đó, các chuyên gia y tế thấy rằng chuyển nhiều phôi tỷ lệ thành công cao nhưng đa thai cũng cao kéo theo nhiều nguy cơ. Vì thế, hiện nay những đơn vị hỗ trợ sinh sản cố gắng khống chế, tối đa chỉ chuyển hai phôi. Với sự tiến bộ của y học, hoàn toàn có thể phát hiện rất sớm nếu mang đa thai. Về mặt chuyên môn, có thể hủy bớt thai từ sớm nếu cần thiết cho sự an toàn của mẹ và bé dưới sự đồng thuận từ gia đình bệnh nhân.

* Khi mang song thai, người mẹ có thể tự nhận biết sức khỏe của các bé thông qua sự máy đạp không? Nếu chẳng may một bé bị lưu, có giữ được thai còn lại?

- Nếu bà mẹ mang một thai thì ở tuần thứ 20 trở đi có thể để ý thai máy để nhận biết dấu hiệu của em bé. Nhưng khi mang song thai, bà mẹ không tự đoán biết bằng cách này được. Vì vậy, chỉ có cách duy nhất là khám thai định kỳ và được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ sản phụ khoa.

Không phải trường hợp nào một thai bị lưu là cũng sẽ mất luôn thai còn lại. Có nhiều thai phụ mang song thai bị lưu một thai nhưng thai mất từ khi còn rất nhỏ và teo lại, không ảnh hưởng gì đến bé còn lại. Tới ngày sinh, bác sĩ còn phải tìm rất kỹ mới thấy được thai bị lưu.

Cũng có ca song thai, hai bé đã lớn, mỗi thai khoảng 2kg nhưng không may bị tai nạn dây rốn xoắn do bé cử động. Dây rốn xoắn thắt nút chặt tới mức xẹp cả mạch máu bên trong làm mất một bé. Lúc ấy, chúng tôi vẫn không có chỉ định lấy thai lưu ra mà tiếp tục theo dõi cho tới khi xuất hiện dấu hiệu gây ảnh hưởng tới người mẹ và chẳng thể trì hoãn thêm được nữa thì mới mổ bắt thai. Ca đó, chúng tôi vẫn cứu được em bé còn lại.

Do đó, được giám sát và theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm về song thai, đa thai hết sức quan trọng. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI